Trong thời gian vừa qua, dư luận bàn tán xôn xao khi lễ hội chém lợn (heo) ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) bị tổ chức động vật chây Á cho là lễ hội tàn bạo nhất. Nhưng câu chuyện về sự tàn bạo ấy nên hiểu như thế nào cho phù hợp?
Những lễ hội bị cho là “tàn bạo” ở Việt Nam
Lễ hội thể hiện một phần đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữa nước. Ở mỗi lễ hội, nhân dân ta lại gửi gắm một thông điệp, một tín ngưỡng nào đó. Dù có thể khác nhau về hình thức nhưng tất cả các lễ hội đều hướng tới những điều tốt đẹp, cầu mong cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt, gia đình, làng xóm hạnh phúc, ấm no.
Dù thắng hay thua thì những chú trâu chọi dều bị giết thịt khi kết thúc trận đấu. Ảnh: Báo Xây dựng. |
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số lễ hội liên quan đến động vật được tổ chức ở nước ta nhận được khá nhiều ý kiến phản đối như: lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.
Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng là nghi lễ câu sự thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân địa phương. Đây là lễ hội riêng có của Hải Phòng xuất hiện từ thế kỷ XVIII, cầu cho “nhân khang, vật thịnh” và tưởng nhớ đến những vị thần đã duy trì sự ổn định và cuộc sống bình yên ở làng xã. Cho đến nay, hội chọi trâu đã và đang trở thành một trong những lễ hội thu hút được đông đảo người xem.
Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng là một lễ hội khá hấp dẫn, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Tuy nhiên, việc giết thịt tất cả những con trâu (cả thua cuộc và thắng cuộc) và bán với giá cắt cổ (vài triệu đến vài chục triệu đồng/1kg) lại khiến lễ hội bị nhìn nhận theo một khía cạnh khác. Sự biến tướng của các hình thức kinh doanh lễ hội đã làm mờ những giá trị nhân văn tốt đẹp của hội.
Lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên |
Lễ hội chọi trâu của đồng bào Tây Nguyên cũng là đề tài tranh cãi của các nhà nghiên cứu văn hóa. Đây là lễ hội được thực hiện vào những dịp trọng đại trong làng như mừng mùa bội thu, mừng thắng lợi, tế thần linh hay những người có công gây dựng làng bản. Ở đó, con trâu bị cột vào một chiếc cột lớn. Dân làng nhảy múa xung quanh. Khi nghi lễ được thực hiện khi những người đàn ông trong làng sẽ dùng vật nhọn đâm vào con trâu cho đến chết.
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương chia sẻ về lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên: “…Có lần, một cộng tác viên gửi bài và ảnh minh họa về lễ hội đâm trâu. Tôi đã xem trước đó phóng sự này trên truyền hình. Nó đúng như vậy. Một đám đông vây quanh con trâu đã câu cọc đang bị roi vọt hành hạ và nó cứ phải chạy quanh vòng này đến vòng khác. Khi cơn hứng thú giết chóc nổi lên thì người ta đua nhau la ó phóng lao vào con vật đáng thương cho đến chết rồi hả hê reo hò xẻo thịt nó. Có một thứ trò tiêu khiển được mệnh danh là văn hóa truyền thống man rợ đến vậy sao?”.
Ánh mắt sợ hãi của trẻ em khi xem cảnh chém lợn Ảnh: animalsasia. |
Cũng giống như lễ hội đâm trâu, lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng dùng lợn để làm vật tế lễ. Khi đó, bốn người đàn ông khỏe mạnh giữ chặt con lợn để một người khác dùng dao chém ngang thân lợn. Theo những người dân ở đây, lễ hội chém lợn cầu mùa màng tươi tốt, sự sinh sôi nảy nở, hạnh phúc cho mọi người. Nó vượt ra ngoài hành phạm vi của sự dã man.
Mới đây, tổ chức Động vật châu Á đã có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị dừng lễ hội chém lợn vì cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất, gây ảnh hưởng đến tâm lý người xem.
Cần có sự thay đổi
Nhiều người cho rằng, cái ý nghĩa nhân văn tốt đẹp nằm trong hành động tưởng chừng dã man ấy đã biến việc đâm trâu, giết thịt trâu chọi, chém lợn… trở thành một hoạt động đầy ý nghĩa, vượt ra ngoài giới hạn của cái gọi là dã man. Những người cho rằng những lễ hội kể trên là dã man bởi họ chưa thực sự hiểu biết về ý nghĩa của lễ hội.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng có nhiều nước phải hủy bỏ lễ hội liên quan đến động vật vì mục đích nhân đạo. Tây Ban Nha đã phải hủy các cuộc đấu bò tót vì sự phản đối quyết liệt của cộng đồng thế giới. Trong một xã hội văn minh, những hành động giết chóc dù dưới bất kỳ màu sắc hay tín ngưỡng nào đều khó có thể chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn nữa khi những hành động giết lợn, trâu giã man được thực hiện trước con mắt sợ hãi của những đứa trẻ chưa đủ lớn để có thể hiểu được ý nghĩa của những gì chúng đang được chứng kiến.
Hơn thế, việc thay đổi các truyền thống cho phù hợp với xã hội hiện đại là cần thiết để tiến kịp với thời đại. Có thể thay việc chém lớn thật bằng lợn tượng trưng, đâm trâu tượng trưng và không xả thịt những con trâu chọi để bán sau khi kết thúc lễ hội… sẽ là cách để chúng ta vẫn giữ được giá trị tốt đẹp của truyền thống nhưng vẫn phù hợp với xã hội hiện đại.