Thành phố Hà Nội sắp thực hiện giai đoạn 1 của đề án giãn dân phố cổ. Theo đó, trong tháng 3/2015, hơn 500 hộ dân đang sống trong di tích, công sở, trường học sẽ phải di dời đi nơi khác.
Theo quyết định ngày 22/12/2014, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ký, khu nhà giãn dân phố cổ gồm các dự án: hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị; hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân (nhà trẻ); công trình hỗn hợp (trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, các dịch vụ khác) và dự án xây dựng nhà giãn dân.
Đối tượng mua nhà ở giãn dân là các hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực phố cổ theo đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt. Giá bán nhà không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã phê duyệt và lợi nhuận định mức 10% so với chi phí đầu tư xây dựng.
Với các hộ gia đình trong diện phải di dời, giãn dân ra ngoài khu phố cổ nhưng không đủ điều kiện tài chính để mua nhà ở giãn dân theo tiêu chuẩn sẽ được xem xét thuê nhà hoặc thuê mua.
Sau thời hạn một năm kể từ thời điểm hoàn thành công trình, các hộ trong danh sách di dời ra ngoài khu vực phố cổ mà không ký hợp đồng mua bán nhà ở thì nhà đầu tư được phép bán nhà cho các đối tượng mua nhà xã hội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong trường hợp không có hoặc bán không hết thì được bán cho các đối tượng mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc, ảnh Internet. |
Theo Nhà Sử học Dương Trung Quốc, đây là thời điểm thuận tiện nhất để thành phố Hà Nội thực hiện dự án giãn dân phố cổ, khi có quỹ đất, có nguồn vốn xây dựng, có cơ chế chính sách và tình trạng cũng đã đến giới hạn, đời sống của người dân ở đấy đã vượt qua cái ngưỡng của sự an toàn về các vấn đề như an toàn cháy nổ, môi trường....
Mục tiêu của đề án giãn dân nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha - là mật độ theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 dân.
Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng, việc giãn dân là cần thiết, nhưng nếu mục đích đơn giản chỉ là giảm dân số thuần túy thì chưa đạt. Cái đó cũng tốt, nhưng quan trọng hơn phải là xác lập lại những không gian văn hóa.
Cần đề phòng nảy sinh tiêu cực
Nói về những yếu tố văn hóa bên trong khu phố cổ, Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khu phố cổ là một không gian có yếu tố lịch sử, nó có yếu tố tích tụ tạo nên một số giá trị văn hóa. Nhưng điều đáng nói nhất lúc này là nên bàn xem nó là văn hóa gì, thế nào là văn hóa của Hà Nội cổ? Sự đông đúc có phải là văn hóa không?
"Tôi là người sống trong lòng phố cổ, sinh ra trong lòng phố cổ, ông tôi, bố tôi đều ở phố cổ ấy. Tôi cũng hiểu rằng, truyền thống là có một quá trình phát triển, thay đổi chứ không phải như cũ. Nhưng chúng ta phải định nghĩa xem thế nào là văn hóa?", ông nhìn nhận.
Ông Quốc cũng cho rằng, tâm lý của những người du lịch, những người đứng bên ngoài quan sát thì đôi khi có cái gì khác biệt là họ cảm thấy thích thú và ngộ nhận đấy là văn hóa. Lộn xộn cũng là một thứ khiến nhiều du khách thích thú.
Nhiều người nước ngoài họ rất thích Việt Nam. Như việc đi ngang qua đường ở các nước mà không cẩn thận là có thể bị ô tô đâm chết ngay, nhưng ở mình có thể đủng đỉnh đi trước, ô tô đi sau. Cái cảm xúc đấy có thể làm cho họ thấy hay, lạ.
Liên quan đến vấn đề này, ông từng phát biểu tại một hội thảo quốc tế mà có thể làm phật lòng một số người, nhất là người nước ngoài. Đôi khi trong du lịch, trong nhận thức văn hóa đã có một chút tâm lý gọi là "tâm lý thực dân". Chúng ta đang sống trong một nơi rất tiện nghi, phương tiện đầy đủ, văn minh. Chúng ta đến một nơi hoang dã, có những điều rất sơ cũ, khác biệt là thích. Nhưng thử hỏi nếu đặt hoàn cảnh mình sống ở đấy thì có sống được không? Chắc chắn sẽ bỏ chạy ngay lập tức!.
Trong khu phố cổ, vấn đề tiện nghi, an toàn có thể kém nhưng khả năng để sống lại cao hơn rất nhiều chỗ khác. Người dân chỉ cần ra khỏi nhà là có nhu cầu dịch vụ, ví dụ như trông nom cho những chủ cửa hàng, hay một số công việc mà ở những nơi khác không có.
Vì vậy, ông Quốc cho rằng vấn đề then chốt nhất mà thành phố Hà Nội cần quan tâm, đó là việc bố trí nơi ở mới cho người dân phải có chỗ làm ăn. Nói như thế không có nghĩa là mình lưỡng lự, mình vẫn ủng hộ nhưng phải đi cùng với nó là sự giám sát, xây dựng thể chế, và quan trọng nhất là phải tạo ra không gian mới mà người dân thấy tốt hơn chỗ cũ.
Bên cạnh đó, ông Dương Trung Quốc cũng cảnh báo việc thực hiện đề án phải thận trọng nếu không sẽ bị biến báo, nảy sinh tiêu cực, nhất là trong cơ chế hiện nay. Điều đó phải cảnh báo trước để có những giám sát chặt chẽ, có những chế tài cụ thể.
"Người dân là thiên hình vạn hóa, họ ứng biến rất giỏi. Đấy là chưa kể đến những bộ máy, cách quản lý có thực sự là trong sạch không, hay anh cũng mượn đây là một cơ hội để xin cho", ông Dương Trung Quốc nói.