Mới đây, Ngân hàng nhà nước mua lại toàn bộ 100% cổ phần tại Ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá mỗi cổ phần 0 đồng, trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.
Theo thông cáo báo chí mà Ngân hàng nhà nước vừa phát hành, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa |
Như vậy gần như VNCB đã được cứu khi Ngân hàng nhà nước quyết định mua 100% cổ phần. Tuy nhiên trên thị trường tài chính vẫn còn hàng loạt ngân hàng yếu kém khác, liệu rằng ngân hàng nhà nước có tiếp tục “xắn tay” mua lại các ngân hàng này? Cách làm này sẽ tạo ra hiệu ứng như thế nào trên thị trường? Và liệu đây có phải cách làm tốt để đẩy nhanh vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Trước hết việc Ngân hàng nhà nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng bằng cách tham gia góp vốn đã được Chính phủ cho phép từ năm 2013 qua Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên quyết định mua 100% vốn điều lệ Ngân hàng xây dựng của Ngân hàng nhà nước vẫn là động thái bất ngờ.
Bất ngờ vì trước nay chưa bao giờ Ngân hàng nhà nước trực tiếp tham gia tái cơ cấu một ngân hàng. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chủ yếu thông quan sáp nhập, quá trình sáp nhập ngân hàng từ trước đến nay do ngân hàng chủ động, Ngân hàng nhà nước chỉ có chỉ đạo, định hướng chung.
Việc cổ phần của VNCB chỉ giá 0 đồng có nghĩa Ngân hàng xây dựng không còn vốn điều lệ, thậm chí vốn điều lệ âm. Nguyên nhân vốn điều lệ không còn do kinh doanh kém nợ xấu lớn hơn vốn điều lệ, nếu đúng quy luật thị trường ngân hàng phải giải thể, phá sản, tuy nhiên nếu như vậy quyền lợi của khách hàng những người ký gửi tiền tại VNCB sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại cổ phần VNCB để tránh tình huống xấu nhất.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước có nói đến việc các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật là như thế nào thì cần phải nói rõ.
Thứ nhất, khi sở hữu VNCB, Ngân hàng nhà nước có chấp nhận trả lại toàn bộ số tiền cả gốc và lãi mà khách hàng đã ký gửi trước đây ở VNCB hay không? Và số tiền trả cho khách hàng đó Ngân hàng nhà nước lấy ở nguồn nào?
Thứ hai, Ngân hàng nhà nước nói đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của VNCB nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước tuyên bố phá sản VNCB, xóa tên VNCB khỏi thị trường tài chính. Khi đó theo luật thì mỗi tài khoản khách hàng ký gửi tiền tại VNCB trước đây chỉ được trả 50 triệu đồng/chủ tài khoản. Đặt giả thiết những tài khoản ký gửi hàng tỉ đồng vào VNCB rõ ràng họ sẽ bị thiệt.
Do đó, trước khi giải quyết vấn đề tồn tại của VNCB, Ngân hàng nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân của ban điều hành VNCB để lý giải nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng VNCB hoạt động yếu kém. Cần có người phải chịu trách nhiệm cho yếu kém cho vấn đề nợ xấu của VNCB.
Cùng với đó Ngân hàng nhà nước cần định giá lại tài sản của VNCB, Ngân hàng nhà nước có thể chấp nhận mua cổ phần ngân hàng không còn vốn điều lệ. Tuy nhiên vẫn có những giá trị như thương hiệu ngân hàng, chuỗi giá trị các chi nhánh, thị phần trên thị trường…
Động thái Ngân hàng nhà nước mua VNCB giá 0 đồng và trực tiếp tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc mua lại cổ phần có phải là cách tốt để đẩy nhanh vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hay không? Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, cần phải nhìn vấn đề nhiều chiều.
Việc Ngân hàng nhà nước mua cổ phần của VNCB dẫn đến lo ngại các ngân hàng hoạt động yếu kém sẽ dựa vào Ngân hàng nhà nước. Để dù hoạt động yếu kém ngân hàng vẫn không lo phá sản, giải thể do có Ngân hàng nhà nước.
Mặt khác khi giải quyết vấn đề quyền lợi không thỏa đáng cho khách hàng của VNCB sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng đang ký gửi tiền tại nhiều ngân hàng yếu kém. Khách hàng có thể sẽ đến rút tiền hàng loạt do lo sợ ngân hàng yếu kém giải thể, khi đó quyền lợi khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy chỉ trường hợp đặc biệt, Ngân hàng nhà nước mới trực tiếp tham gia góp cổ phần qua việc mua lại cổ phần.
"Hệ thống ngân hàng chúng ta yếu kém do số ngân hàng quá nhiều, ban điều hành quá yếu vấn đề quản lý rủi ro, thiếu thận trọng nên với có nợ xấu đầm đìa, ngân hàng yếu kém đó tiếp tục để tồn tại có nhiều biện pháp như giải thể, sáp nhập, để các ngân hàng lớn mua lại…và Ngân hàng nhà nước đang lựa chọn phương án phù hợp.
Ở các nước họ có hệ thống quản lý tốt do vậy khi thấy ngân hàng hoạt động kém hiệu quả người ta đã nghĩ đến vấn đề buộc giải thể, hoặc phải bán cho ngân hàng lớn hơn chứ không để tình trạng yếu kém sa sút như nhiều ngân hàng hiện nay", chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.