Ngoài ra, theo mạng dfdaily Trung Quốc, ông Gen Nakatani cho rằng, an ninh Biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích của Nhật Bản, có thể xem xét lại việc triển khai máy bay tuần tra quân sự. Trước đó, quan chức cấp cao Hải quân Mỹ hoan nghênh sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông, việc này sẽ cân bằng với sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Báo "Hoàn Cầu" Trung Quốc cho rằng, lực lượng đường không thích hợp nhất cho thực hiện nhiệm vụ giám sát là Cụm hàng không 5 đóng ở thành phố Naha, Ryukyu đã nhiều năm, hiện nay trang bị hơn 20 máy bay tuần tra trên biển P-3 Orion, có thể nhanh chóng lên không trong vòng 1 giờ, và đến Biển Đông trong vòng 4 giờ. Khi bay liên tục thời gian dài, máy bay này có thể đóng 1 động cơ tiết kiệm nhiên liệu, điều này bảo đảm cho Nhật Bản có đủ thời gian tuần tra trên không ở Biển Đông.
Ngoài ra, quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản về hưu Takashi Saito cho rằng, cùng với việc Hải quân Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng ở chuỗi đảo thứ nhất, dựa vào nhu cầu hoạt động cảnh giới và giám sát, Nhật Bản cần nhanh chóng tăng cường sản xuất tàu ngầm, mở rộng biên chế 16 chiếc vốn có lên 22 chiếc, đồng thời triển khai "lính gác bí mật" này tiến hành giám sát Biển Đông.
Takashi Saito nhấn mạnh, ngoài số lượng, càng cần tăng cường tốc độ tìm kiếm của tàu ngầm mới có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm, Nhật Bản sẽ từ bỏ ắc quy chì truyền thống, đổi sang sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập AIP, tăng thời gian hoạt động liên tục dưới nước của tàu ngầm, đồng thời tiến hành triển khai với tư cách là lực lượng chờ thời cơ, đóng vai trò mai phục và phá hoại tuyến đường giao thông trên biển. Loại tàu ngầm Type AIP sản xuất hàng loạt đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là tàu ngầm lớp Soryu.
Ông Gen Nakatani ngày 3 tháng 2 tuyên bố, phạm vi cảnh giới giám sát của Lực lượng Phòng vệ không bị hạn chế bởi phạm vi địa lý. Báo chí Trung Quốc phân tích cho rằng, ý của ông Gen Nakatani chính là Nhật Bản đang "quan ngại" đối với các động thái ở Biển Đông và có thể điều Lực lượng Phòng vệ can thiệp vấn đề biển Đông "khi cần thiết".
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu) |
Mỹ mời Nhật tuần tra Biển Đông có thể gây xung đột Trung-Nhật?
Trang mạng "Sputnik" Nga ngày 4 tháng 2 đưa tin, khi bình luận Mỹ mời Nhật Bản tiến hành tuần tra ở tuyến đường thương mại trên Biển Đông, chuyên gia Nga chỉ ra, Mỹ có ý định “thúc đẩy Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột”, từ đó lấy lý do bảo vệ đồng minh để đạt được mục đích mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á. Phần lớn dầu mỏ đến từ Trung Đông và châu Phi của Trung Quốc đều phải đi qua tuyến đường này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, sẽ nghiên cứu đề nghị của Mỹ. Nhưng, ông đồng thời thừa nhận, phản ứng của Tokyo chắc chắn sẽ khiến cho Bắc Kinh bất mãn.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ và Canada - Viện Khoa học Nga, Zolotaryov cho rằng, Washington trên thực tế muốn dựa vào đề nghị này để đạt được mục đích của họ, cho dù tuyến đường nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu của Nhật Bản cũng phải đi qua Biển Đông.
Ông nói: “Người Mỹ đã tìm được lý do tốt để mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Họ không hề che giấu mối lo ngại của mình, trước hết là lo ngại đối với Trung Quốc. Sự lo ngại này xuyên suốt tất cả các văn kiện, tài liệu. Nếu xem kỹ, ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á của Mỹ cũng là để ngăn chặn tiềm lực tên lửa của Trung Quốc. Điều này rất rõ ràng, cho dù Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á của họ chủ yếu nhằm vào CHDCND Triều Tiên”.
Cũng có tin cho rằng, khi rời chức vụ, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ từng nhắc nhở, hoạt động của Trung Quốc ở châu Á không ngừng tăng cường, bao gồm năng lực phản ứng đối với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở khu vực xung đột.
Chính quyền Shinzo Abe dự định tổ chức hội nghị đưa ra quyết định, trao quyền cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng với Mỹ triển khai hành động liên hợp ở ngoài quần đảo Nhật Bản. Căn cứ vào Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản hiện chưa có quyền này.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Kistanov cho rằng, Mỹ đề nghị Nhật Bản cùng tiến hành tuần tra ở tuyến đường quân sự và thương mại Biển Đông, chỉ có thể thúc đẩy Nhật Bản xem xét lại Hiến pháp hòa bình. Mục đích của họ chính là lôi kéo Nhật Bản ngăn chặn vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Trung Quốc ở khu vực này.
Kistanov nói: "Một vấn đề làm đau đầu Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là, thực lực quân sự và kinh tế không ngừng tăng trưởng của Trung Quốc. Nó đã thách thức thực lực mạnh mẽ và địa vị chủ yếu của Mỹ tại khu vực này. Cho nên, Mỹ nếu đề xuất một kiến nghị nào đó, trước tiên là để ngăn chặn Trung Quốc, điểm này không thể nghi ngờ. Đây là một đề nghị mang tính chia rẽ, thậm chí mang tính khiêu khích”.
“Nó có khả năng làm cho Trung Quốc và Nhật Bản chạm trán, đã cung cấp lý do mới cho Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực này để bảo vệ đồng minh. Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ đề nghị này. Bắc Kinh rất có khả năng nhắc lại sự xâm lược của Nhật Bản cùng những tổn thất và thảm họa mà hoạt động xâm lược của Nhật Bản gây ra cho các nước châu Á. Huống hồ năm nay là tròn 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai".
Tàu chiến Mỹ xuất hiện ở Biển Đông là thách thức nghiêm trọng đối với quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh không loại trừ, một khi quan hệ hai nước trở nên gay gắt, Washington sẽ gây sức ép quân sự đối với Trung Quốc tại khu vực này, bao gồm phong tỏa tuyến đường chở dầu tới Trung Quốc. Hạm đội 7 của Mỹ và tàu chiến Nhật Bản cùng xuất hiện ở Biển Đông sẽ làm cho Trung Quốc nằm trong hoàn cảnh phức tạp.
Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật tập trận chung trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Trung Quốc không hề lo ngại Mỹ-Nhật ở Biển Đông?
Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 5 tháng 2 đưa tin, đối với việc Nhật-Mỹ có ý đồ liên kết giám sát Biển Đông, vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng rằng "các nước ngoài khu vực không nên chia rẽ quan hệ, gây ra căng thẳng". Như vậy, báo Hồng Kông-Trung Quốc coi hoạt động giám sát hàng hải ở Biển Đông (khả năng) là "chia rẽ quan hệ, gây căng thẳng" (!?).
Theo bài báo, hiện nay, Trung Quốc đang "thúc đẩy vững chắc chiến lược Biển Đông" (yêu sách đường lưỡi bò bất hợp pháp), cho rằng, Trung Quốc "hoàn toàn không sợ nước nào có ý đồ gây sóng gió". Trên thực tế, Trung Quốc là nhân tố chính gây ra sóng gió.
Về hành động phá hoại DOC của Trung Quốc, truyền thông Philippines dẫn lời quan chức Quân đội Philipines tiết lộ, Trung Quốc đã hoàn thành một nửa công trình xây dựng cảng, đường băng ở Biển Đông.
Bắc Kinh thông qua phát ngôn viên ngoại giao ra rả nói có chủ quyền mà chẳng có tí bằng chứng lịch sử, pháp lý nào; ngang nhiên coi hành động bất hợp pháp của họ như là đang làm tại đất đai mà lão tổ tông họ để lại.
Theo bài báo, tháng 10 năm 2014, Tân Hoa xã - một trong những trang mạng chính phủ quan trọng nhất của Trung Quốc đã tiết lộ thêm về hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông - đó là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cho mở rộng bất hợp pháp, trong đó có đường băng dài 2.000 m, có thể triển khai máy bay tác chiến, được bài báo cho là đã tăng cường rất lớn năng lực "phòng thủ" (tức là giữ đồ ăn cướp) của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.
Hình ảnh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc ngày 26 tháng 1 năm 2015 |
Báo Nhật cho rằng, tàu nạo vét của Trung Quốc đang bồi đắp đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đủ để xây dựng (phi pháp) một đường băng sân bay dài tới 3 km, đường băng thứ hai ở Biển Đông do Trung Quốc xây dựng này được cho là có thể hoàn thành vào cuối năm 2015.
Theo bài báo: "Nếu để máy bay chiến đấu cất cánh từ đá Gạc Ma hay đá Chữ Thập thì cơ bản bao trùm lên phần lớn đường bờ biển của Philippines và Việt Nam cùng với hầu như toàn bộ tuyến đường hàng hải ở Biển Đông, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với kiểm soát Biển Đông của nhiều loại lực lượng đường không Trung Quốc".
Nếu tiến hành quan sát toàn thể đối với hoạt động mở rộng đảo đá bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông từ góc độ chiến lược thì có thể phát hiện một loạt đảo tạo thành một "chuỗi phòng thủ ngoài biển hình bán nguyệt", đã làm thay đổi cục diện cơ bản không có chiều sâu phòng thủ trước đây (trừ khu vực tây bắc rộng lớn).
Chuỗi đảo này tồn tại rõ ràng đã tăng cường chiều sâu chiến lược của Trung Quốc, khả năng xoay xở và thời gian cảnh báo sớm cũng được cải thiện rõ rệt. Trung Quốc hầu như dùng phương pháp quyền kiểm soát đất liền để mở rộng quyền kiểm soát biển (một cách bất hợp pháp), đã đi một con đường mới (bành trướng) của địa-chính trị trên thế giới.
Hình ảnh đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 9 tháng 12 năm 2014 |