Telegraph ngày 5/2 dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ gói gọn trong Ukraine và nhà lãnh đạo này muốn kiểm tra quyết tâm của phương Tây ở Baltic.
Theo cựu Tổng thư ký Rasmussen, mục tiêu thực sự của Kremlin là phá vỡ đoàn kết giữa NATO với các nước vùng Baltic và tái khẳng định sự thống trị của Nga trên khắp châu Âu.
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. |
"Vấn đề ở đây không phải là Ukraine. Putin muốn khôi phục lại vị trí của Nga như một cường quốc", ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph. "Có khả năng rất cao rằng ông Putin sẽ hành động quân sự ở vùng Baltic để kiểm tra Điều 5", ông Rasmussen nói với ý đề cập tới một cam kết của NATO, trong đó nói rằng đoàn kết là nền tảng của an ninh tập thể và một cuộc tấn công quân sự vào một thành viên của NATO sẽ đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào cả liên minh.
Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký cảnh báo thêm rằng nếu ông Putin vượt qua giới hạn đỏ và tấn công đồng minh của NATO, "Putin sẽ bị đánh bại".
Tuyên bố của ông Rasmussen được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện tâm lý lo ngại rằng, sau Ukraine, Điện Kremlin sẽ có các động thái tương tự ở Latvia hay Estonia. Đây là những quốc gia có đông người dân tộc Nga sinh sống và chính phủ của họ có xu hướng thân phương Tây.
Quan hệ giữa Nga và Estonia đã xấu đi đáng kể từ tháng 9 năm ngoái sau khi một đội đặc nhiệm Nga bị cáo buộc xâm nhập lãnh thổ nước này và Moscow bắt giữ một thành viên kỳ cựu của lực lượng an ninh Estonia. NATO cũng đã tăng cường lực lượng an ninh của mình tại các nước đồng minh ở Baltic, một động thái được Moscow xem là mối đe dọa trực tiếp tới biên giới của mình.
Rasmussen vừa nghỉ hưu hồi tháng 9 năm ngoái, ông tin rằng chiến thuật của Tổng thống Nga là tiếp tục đóng băng xung đột ở miền Đông Ukraine, "giữ cho nước luôn sôi" thay vì chinh phục hoàn toàn.
Cựu Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi hành động khẩn cấp của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nhanh chóng lực lượng phản ứng nhanh, mặc dù rất tốn kém. Ông cũng bác bỏ tuyên bố của Điện Kremlin rằng phương Tây chưa từng cam kết sẽ không mở rộng biên giới của mình ở châu Âu vào cuối Chiến tranh Lạnh./.