Đảo Chữ Thập đã được bồi đắp như thế này, phải chăng Trung Quốc sẽ xây dựng đường băng sân bay?! |
Trang mạng quân sự 81.cn Trung Quốc ngày 7 tháng 2 đưa tin, ngày 3 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết "ảnh hưởng của tình hình Biển Đông đối với bảo đảm an ninh của nước ta (Nhật Bản) đang mở rộng, làm thế nào để ứng phó với cục diện này sẽ trở thành vấn đề quan trọng thời gian tới".
Ông Gen Nakatani còn cho biết, phạm vi cảnh giới giám sát của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không hạn chế phạm vi địa lý. Ngụ ý, Nhật Bản quan tâm tới tình hình Biển Đông, hơn nữa có khả năng điều Lực lượng Phòng vệ can thiệp vấn đề Biển Đông "khi cần thiết".
Tuyên bố của ông Gen Nakatani là sự phản hồi trước phát biểu trước đó của Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Robert Thomas cho rằng, để cân bằng với lực lượng trên biển ngày càng mạnh của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra đường không tới vùng trời khu vực Biển Đông. Ông còn cho biết, trong tương lai, hành động của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở Biển Đông là "có ý nghĩa".
Theo tuyên truyền của báo quân sự Trung Quốc, những năm gần đây, Mỹ ra sức thúc đẩy thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", họ có sự tính toán trên 2 phương diện: Một là có ý đồ gia tăng tiến hành kiềm chế và bao vây chiến lược đối với Trung Quốc - nước đang trỗi dậy nhanh chóng. Hai là cũng có thể tận dụng cơ hội tăng cường kiểm soát đối với đồng minh.
Bài báo cho rằng, bất kể tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku và các đảo lân cận hay chơi cờ giữa các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn là người điều khiển cục diện hoặc người đứng phía sau.
Trung Quốc hành động như thế này tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam có phải là hung hăng, ngạo mạn? |
Báo Trung Quốc nghĩ rằng, trong vấn đề đảo Senkaku, Mỹ từng đưa ra thông điệp mâu thuẫn trong các trường hợp khác nhau, có ý đồ kích động “đánh cờ” giữa Nhật Bản và Trung Quốc; do một số nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông có thực lực không tốt, Mỹ chuyển sang khuyến khích Nhật Bản (nước đang thúc đẩy bình thường hóa quân sự) đến Biển Đông tuần tra.
Báo Trung Quốc tưởng tượng, bôi xấu Mỹ, chia rẽ quan hệ Mỹ-Nhật, cho rằng, điều này có thể thu được hiệu quả "một mũi tên trúng ba đích": Một là dựa vào thực lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để "gây ra điểm nóng", mở đường cho Mỹ can thiệp quân sự vào vấn đề Biển Đông. Hai là tránh để mình ra mặt, tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, lão luyện “khi tiến khi lùi”. Ba là có thể để Trung Quốc và Nhật Bản kiềm chế lẫn nhau, tiêu hao lẫn nhau, nếu có thể để "cả hai đều thất bại và bị thương" thì đương nhiên là tốt nhất.
Báo Trung Quốc cho rằng, mặc dù Nhật Bản trong nhiều thời điểm buộc phải làm "tay sai" cho Mỹ, nhưng Nhật Bản cũng có tính toán của họ, đó chính là hy vọng cột mình vào "xe chiến đấu" của Mỹ, dùng tàu chiến để vươn ra biển, thúc đẩy bình thường hóa quân sự, trở thành "quốc gia bình thường", tạo thế cho tranh thủ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN và triển khai hợp tác quân sự an ninh với một số nước, ý đồ can thiệp vào vấn đề Biển Đông rất rõ ràng. Lần này, Mỹ thúc đẩy Nhật Bản can thiệp quân sự vào vấn đề Biển Đông, đối với Nhật Bản, có thể gọi là "đúng ý nguyện" - báo Trung Quốc bình luận.
Một mặt, Nhật Bản có thể lấy lý do bảo vệ sự ổn định của Biển Đông, tìm nhiều lực lượng đồng minh hơn, hình thành thế "ngăn chặn Trung Quốc" tương tác giữa biển Hoa Đông, Biển Đông, tăng cường năng lực đánh cờ với Trung Quốc; mặt khác, dưới sự dẫn dắt của "bình thường hóa quân sự", trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bất kể là ở khu vực nào, áp dụng phương thức nào tiến hành tuần tra trên biển, trên không ở biển Đông, bản thân hành động đi ra xung quanh, vươn tới Biển Đông chính là một sự đột phá cực lớn. Ý nghĩa của nó không chỉ đã vượt phạm vi Biển Đông, mà cũng đã vượt khỏi lĩnh vực quân sự.
Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014: Tàu kiểm ngư KN 951 Việt Nam sau một cú đâm húc như trâu bò của tàu Trung Quốc. |
Thực ra, chiêu "dùng tàu chiến để vươn ra biển" của Nhật Bản hoàn toàn không xa lạ. Trong thời gian chiến tranh vùng Vịnh, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã từng điều tàu quét mìn, đã có bước đi đầu tiên điều quân ra nước ngoài sau Chiến tranh; năm 2011, lại lấy lý do chống cướp biển, xây dựng công trình quân sự nước ngoài tại Djibouti.
Những năm gần đây, Nhật Bản đã tiến hành điều chỉnh lớn và tới tấp trong lĩnh vực cơ chế quyết sách an ninh và chính sách an ninh quân sự, thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm "quyền tự vệ tập thể", tìm cách để hợp tác quân sự an ninh mở rộng tới phạm vi toàn cầu. Trong tương lai, Nhật Bản nếu điều Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông tuần tra, chắc chắn cũng là tái diễn của nước cờ này.
Theo tuyên truyền của bài báo, sự tương tác giữa hai bên Mỹ-Nhật trong vấn đề Biển Đông lập tức trở thành trung tâm chú ý của truyền thông. Tuy nhiên, bất kể là Mỹ "mời" hay Nhật Bản chuẩn bị tiến hành "bàn thảo" đều vô tình hay hữu ý đã quên mất một sự thực cơ bản: Tình hình Biển Đông tổng thể ổn định, tự do và an toàn hàng hải cũng được bảo đảm (?).
Thực ra, nhận định tình hình Biển Đông như vậy là theo ý đồ chủ quan và cách nghĩ của Trung Quốc. Có lẽ "ổn định về tổng thể" là do tình hình vẫn "nằm trong tầm kiểm soát" của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc có gây sóng gió như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 hay cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philipppines… Những vụ việc khiêu khích nghiêm trọng kiểu như vậy vẫn chưa gây ra xung đột vũ trang, chiến tranh trên biển!
Báo Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền: “Trên thực tế, từ khi Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết vào năm 2002 đến nay, các bên liên quan thu được lợi ích to lớn từ hợp tác Biển Đông, quyết tâm và ý chí cùng bảo vệ đại cục hòa bình, ổn định Biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN rất rõ ràng”.
“Đặc biệt là những năm gần đây, Trung Quốc và các nước ASEAN tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực DOC, thúc đẩy vững chắc tham vấn COC, thúc đẩy các nước liên quan và Trung Quốc đi cùng một hướng, cùng quản lý, kiểm soát tranh chấp Biển Đông, đồng thời đạt được một số đồng thuận nguyên tắc về quản lý, kiểm soát tranh chấp, thúc đẩy hợp tác”.
“Trung Quốc tích cực khởi xướng dùng ‘tư duy 2 quỹ đạo’ để xử lý vấn đề Biển Đông, được đa số quốc gia trong khu vực hiểu và ủng hộ. Các nước liên quan còn tích cực thúc đẩy cùng khai thác trên biển và các hợp tác thiết thực trên biển. Chính vì vậy, thái độ của không ít quốc gia trong khu vực đều rất rõ ràng: hợp tác thì có thể, chứ không thích gây đối đầu”.
Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đang được đầu tư để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |
Thế nhưng, lời nói của Trung Quốc chưa đi đôi với việc làm. Những sóng gió do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông thời gian qua xảy ra vào thời điểm hai bên đang thực hiện DOC (ký kết năm 2002), đang tham vấn COC, thậm chí đang bàn hợp tác trên biển. Trung Quốc kêu bảo vệ "đại cục hòa bình, ổn định Biển Đông", nhưng sao Trung Quốc lại cho cả một lực lượng quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014 để làm gì? Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo, mở rộng đường băng ở các quần đảo của Việt Nam, tích cực bố trí vũ khí trang bị hiện đại cho phương hướng Biển Đông để làm gì?
Theo bài báo, Biển Đông là ngôi nhà chung của Trung Quốc và các nước xung quanh, thúc đẩy xây dựng Biển Đông thành "biển hòa bình", "biển hữu nghị", "biển hợp tác" phù hợp với lợi ích chung của các bên liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố, Trung Quốc và ASEAN có ý nguyện cũng có năng lực cùng bảo vệ tốt hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông. Các nước ngoài khu vực cần tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định của các nước trong khu vực này, không làm những việc chia rẽ quan hệ nước khác, gây ra tình hình căng thẳng.
Trung Quốc nói như vậy đấy, vậy chúng ta cần theo dõi chặt chẽ từng lời nói và hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông để xem có phù hợp với việc thúc đẩy xây dựng Biển Đông "hòa bình, hữu nghị và hợp tác" hay không, xem có thúc đẩy DOC và COC hay không. Chúng ta yêu cầu Trung Quốc trả lại toàn bộ các đảo đá đã chiếm của Việt Nam, rút hết quân về nước, từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam, đem lại hòa bình, ổn định bền vững cho Biển Đông.
Còn về việc các nước ngoài khu vực can thiệp Biển Đông thì đó là do liên quan đến các loại lợi ích của họ. Những hành động can thiệp đem lại cân bằng khu vực, đem lại hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là rất đáng hoan nghênh, nhất là khi có những hành xử kiểu như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014.