Trung Quốc sắp biên chế tàu tiếp tế cỡ lớn thứ 5 cho Hạm đội Bắc Hải

10/02/2015 09:59
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc năm 2014 hạ thủy thêm 2 tàu tiếp tế tổng hợp mới, khởi công chế tạo tàu tiếp tế lớp 40.000 tấn từ năm 2013, sẽ khởi công tàu chi viện lớp 50.000 tấn
Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 có khả năng biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc trong năm 2015
Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 có khả năng biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc trong năm 2015

Trang mạng sina Trung Quốc ngày 9 tháng 2 đưa tin, chiếc tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ năm hạ thủy vào tháng 5 năm 2014 đã chế tạo xong, sắp bắt đầu chạy thử, dự kiến biên chế trong năm 2015. Tàu này có thể thay thế tàu 881 tương đối cũ của Hạm đội Bắc Hải.

Theo bài báo, tàu tiếp tế mới nhất của Hải quân Trung Quốc là tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ và Vi Sơn Hồ Type 903 đưa vào hoạt động năm 2004. Từ khi biên chế đến nay, 2 tàu này luân phiên làm tàu tiếp tế của biên đội hộ tống hải quân đến vùng biển vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống, được cho là đã thể hiện độ tin cậy và tính thực dụng tốt, nhưng đã bộc lộ hạn chế của Hải quân Trung Quốc là số lượng tàu tiếp tế tổng hợp biển xa thiếu thốn.

Để tăng cường năng lực tiếp tế hậu cần trên biển, Hải quân Trung Quốc đã chế tạo thêm 2 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903, năm 2013 tàu Thái Hồ và tàu Sào Hồ lần lượt biên chế, nhưng Trung Quốc cũng chỉ có 6 tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn, tình hình này vừa không phù hợp với tình hình phát triển nhanh của Hải quân Trung Quốc vừa mâu thuẫn với chiến lược vượt ra đại dương của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Theo bài báo, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng hiện đại hóa, Hải quân Trung Quốc cần gấp tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn và tàu chi viện chiến đấu có năng lực tiến hành tiếp tế nhiên liệu, đạn dược và thiết bị cho tàu sân bay để giúp cho Hải quân Trung Quốc vươn ra biển xa - một nhu cầu cấp bách.

Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 của Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 của Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước trở đi, tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn tự thiết kế mới được sự kỳ vọng rất lớn của hải quân, ngoài tiếp tế các loại hàng hóa quân nhu, còn yêu cầu có chức năng chữa bệnh, có thể đóng vai trò một phần của bệnh viện, yêu cầu đạt trình độ tiên tiến thế giới, khi đó, chương trình nghiên cứu chế tạo được thông qua, nhưng thiếu kinh phí, đã bị cho dừng lại.

Bước vào thế kỷ mới, Hải quân Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình phát triển tàu chiến mặt nước cỡ lớn và có thể vươn ra biển xa, hơn nữa, tàu sân bay Liêu Ninh biên chế cũng cần có tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn có năng lực tiếp tế biển xa để bảo đảm.

Theo tài liệu liên quan, tàu sân bay động cơ hạt nhân của Mỹ có thể mang theo 80 máy bay, mỗi chiếc máy bay điều động một lần bình quân tiêu hao khoảng 10 tấn nhiên liệu, giả thiết 1 chiếc máy bay 1 ngày điều động 1 lần, thì nhiên liệu tiêu hao khoảng 800 tấn. Tàu sân bay lớp Nimitz thường có thể mang theo 9.000 tấn nhiên liệu dùng cho máy bay, với nhiên liệu như vậy chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến 8 - 12 ngày.

Trong khi đó, căn cứ vào quy định của Hải quân Mỹ, dự trữ nhiên liệu máy bay của tàu sân bay thường không được thấp hơn 50%, trước khi bước vào khu vực tác chiến không được thấp 90%. Như vậy, 1 tuần, tàu sân bay phải tiến hành tiếp tế nhiên liệu máy bay 1 lần.

Trong chiến đấu thực tế, đặc biệt là tác chiến cường độ cao, cường độ sử dụng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay phải lớn hơn nhiều tình hình tiêu chuẩn. Trong chiến tranh vùng Vịnh, lượng tiêu hao nhiên liệu của máy bay trên tàu sân bay Hải quân Mỹ cao hơn 50% so với tiêu chuẩn, do đó sức ép tiếp tế hậu cần phải lớn hơn.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz Mỹ có thể chở khoảng 3.000 tấn đạn dược, căn cứ vào thống kê của chiến tranh vùng Vịnh, máy bay trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ một lần xuất kích có thể mang theo khoảng 3 - 4 tấn đạn dược, dự trữ đạn dược của tàu sân bay như vậy có thể hỗ trợ cho 800 - 1.000 lần nhiệm vụ tác chiến.

Tàu sân bay lớp Nimitz có thể chở 80 máy bay, mỗi ngày điều động một lần, như vậy đạn dược trên tàu sân bay có thể bảo đảm sử dụng trong 10 - 15 ngày, nếu tiến hành chiến đấu cường độ tương đối cao, thời gian sẽ giảm thấp khoảng một nửa.

Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 hạ thủy tháng 5 năm 2014 (nguồn mạng sina TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 hạ thủy tháng 5 năm 2014 (nguồn mạng sina TQ)

Do đó có thể thấy, vật tư cần cho biên đội tàu sân bay có số lượng khổng lồ, chủng loại rất nhiều, nếu dựa vào căn cứ tiếp tế, biên đội tàu sân bay cách một khoảng thời gian phải quay trở lại căn cứ, không những mất thời gian và sức lực, mà còn giảm mạnh năng lực tác chiến của tàu sân bay, rất nhiều tàu chiến đã tiêu hao rất nhiều tuổi thọ máy chính. Vì vậy, hải quân các nước đều đã chế tạo tàu tiếp tế tổng hợp đồng bộ với biên đội tàu sân bay để tiếp tế bất cứ lúc nào, như vậy có thể tránh để tàu sân bay quay trở lại căn cứ, đã nâng cao rất lớn bán kính tác chiến của hạm đội.

Do Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài, tàu sân bay Trung Quốc nếu đi biển xa tác chiến, rất có thể đối mặt với khó khăn - không được tiếp tế, buộc phải quay về.

Theo bài báo, hiện nay, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã có tiếp tế dọc, ngang khi chạy và tiếp tế thẳng đứng bằng máy bay trực thăng. Hệ thống đồng bộ tiếp tế chạy trong đêm của tàu chiến tự nghiên cứu chế tạo của Trung Quốc đã được ứng dụng cho tàu tiếp tế tổng hợp mới nhất.

Hệ thống này có 4 bộ phận là nhận dạng trong đêm, chiếu sáng khu vực, đo đạc khoảng cách chiều ngang giữa hai tàu và thiết bị tín hiệu tiếp tế ban đêm; độ sáng cao, khả năng nhìn mạnh, khả năng xuyên thấu nước biển và mưa bụi, chống ăn mòn nước biển mạnh, đồng thời có các chức năng như đo chính xác khoảng cách tiếp tế chiều ngang hai tàu khi đang chuyển động, báo động khoảng cách nguy hiểm, hướng dẫn cho tàu tiếp nhận nhanh chóng đến và giữ vị trí tiếp tế, từ đó đã bảo đảm kỹ thuật có hiệu quả cho an toàn hoạt động tiếp tế khi chạy ban đêm. Về công nghệ và năng lực, Trung Quốc đã có năng lực tiến hành tiếp tế tổng hợp cho cụm chiến đấu tàu sân bay cỡ lớn.

Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp mới thứ 5 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Hiện nay, tàu tiếp tế tổng hợp mới lớp Phúc Trì của Hải quân Trung Quốc đã kết hợp ưu thế tổng hợp của các loại tàu tiếp tế nội trước đó và thành quả thử nghiệm các loại thiết bị, cũng đã có điều kiện tiến hành tiếp tế biển xa cho biên đội tàu sân bay.

Nhưng, so với tàu tiếp tế của các cường quốc hải quân truyền thống phương Tây, tàu tiếp tế tổng hợp của Trung Quốc vẫn có trọng tải khá nhỏ và lượng tiếp tế rất có hạn, đồng thời số lượng tàu tiếp tế tổng hợp có năng lực tiếp tế tổng hợp thực sự của Trung Quốc vẫn quá ít. Trung Quốc cần nhiều tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn mới hơn để tiến hành tiếp tế tổng hợp cho biên đội tàu sân bay cỡ lớn.

Ngoài ra, tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 mới nhất hiện nay của Trung Quốc có tốc độ khá thấp, tốc độ lớn nhất không đến 20 hải lý, không thể cơ động theo biên đội với tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ, cơ động tốc độ nhanh là biện pháp chính để biên đội tàu sân bay thoát khỏi sự theo dõi của tàu ngầm.

Lớp Phúc Trì rõ ràng sẽ kiềm chế tốc độ của biên đội, giảm thấp năng lực sống sót chiến trường cho biên đội. Ngoài ra, vũ khí tự vệ, năng lực tác chiến điện tử của nó cũng khá yếu, không thể tác chiến trong môi trường đối kháng cường độ cao.

Để cải thiện hoàn toàn tình hình lạc hậu này, từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn và tàu chi viện chiến đấu tốc độ nhanh. Hiện nay, tàu tiếp tế tổng hợp lớp 40.000 tấn mới đã khởi công chế tạo vào năm 2013, trong khi đó, tàu chi viện chiến đấu nhanh lớp 50.000 tấn cũng sẽ khởi công chế tạo vào năm 2014 đến năm 2015.

Được biết, tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn và tàu chi viện chiến đấu nhanh thế hệ mới của Trung Quốc sử dụng hệ thống động lực mới, đã trang bị hệ thống tiếp tế tổng hợp thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, năng lực tác chiến tổng hợp đã tương đương với Quân đội Mỹ.

Tàu hai lớp này sẽ có thể làm trung tâm hậu cần kiểu một trạm cho biên đội tàu sân bay, có thể tiếp nhận, dự trữ, chuyển các hàng tiếp tế như nhiên liệu, đạn dược, hàng khô, có năng lực từ căn cứ trực tiếp tiếp nhận và tiến hành tiếp tế lại từ tàu.

Được biết, tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn sẽ đóng vai trò tàu tiếp tế tổng hợp và tàu cung cấp dầu cỡ lớn trong Hải quân Trung Quốc, tàu chi viện chiến đấu nhanh chủ yếu phục vụ cho biên đội tàu sân bay Trung Quốc. Vài năm tới, cùng với việc tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn và tàu chi viện chiến đấu nhanh thế hệ mới của Trung Quốc lần lượt đi vào hoạt động, năng lực tác chiến biển xa của Trung Quốc sẽ được nâng lên.

Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ số hiệu 886 Type 903 Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ số hiệu 886 Type 903 Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp Thái Hồ số hiệu 889, Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Thái Hồ số hiệu 889, Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Sào Hồ số hiệu 890 Type 903A, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Sào Hồ số hiệu 890 Type 903A, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc
Đông Bình