5 vũ khí hạng nặng của Nga có thể phe ly khai Ukraine đang sở hữu

11/02/2015 13:27
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Moscow Times đã đưa ra một danh sách 5 vũ khí hạng nặng được nhìn thấy trong phe ly khai ở miền Đông Ukraine và những giả định về nguồn gốc của nó.

Những nỗ lực xác định nguồn gốc số vũ khí của Nga mà lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đang sử dụng đã trở thành một đề tài thu hút nhiều sự tham gia và chú ý của dư luận quốc tế thời gian gần đây.

Xe tăng T-72.
Xe tăng T-72.

Theo các phân tích dựa trên các những bằng chứng được công bố trên mạng internet và báo cáo của các nhà báo phương Tây cho thấy, lực lượng ly khai Ukraine đang sở hữu một số vũ khí hạng nặng mà họ không thể có được nếu không có sự giúp đỡ của Nga.

Các thiết bị này rất hiện đại đến mức cả kho vũ khí của quân đội Ukraine cũng không có. Do đó, phe ly khai không thể đánh cắp hoặc mua chúng từ quân đội Ukraine, Moscow Times dẫn các phân tích cho biết. Thậm chí, một số vũ khí trong số này Nga còn chưa xuất khẩu, tờ báo này cho biết.

Một báo cáo ban hành vào cuối năm ngoái bởi Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí (ARES) có trụ sở tại Úc cũng cho rằng lực lượng ly khai Ukraine đang sở hữu một số vũ khí chỉ có thể do Nga cung cấp. Nguồn gốc của một số vũ khí khác mà lực lượng ly khai đang sử dụng thì không rõ ràng bởi cả quân đội Ukraine và Nga đều tham gia phát triển và sử dụng chúng.

Tờ Moscow Times đã đưa ra một danh sách 5 vũ khí hạng nặng được nhìn thấy trong phe ly khai ở miền Đông Ukraine và những giả định về nguồn gốc của nó.

1. Xe tăng  T-72  


Xe tăng T-72 của Nga đã được nâng cấp liên tục kể từ khi đi vào sản xuất trong năm 1970. Mặc dù nhiều đồng minh quân sự của Liên Xô cũng sản xuất những chiếc xe tăng này. Nhưng trong một đoạn video do lực lượng ly khai ở Ukraine công bố cho thấy họ đang sở hữu một phiên bản nâng cấp hiện đại của nó.

Joseph Dempsey, một nhà phân tích của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược tại Anh cho biết, nó có thể là tăng T-72B3. Loại xe tăng này chỉ vừa mới bắt đầu được biên chế vào lực lượng quân đội Nga và chỉ để phục vụ trong quân đội Nga, chưa được xuất khẩu ra nước ngoài.   

T-72B3 sẽ là một tài sản lớn đối với lực lượng ly khai bởi nó sở hữu một loạt tính năng và vũ khí tiên tiến.

2. Xe bọc thép bộ binh cơ giới BMP-2  

BMP-2.
BMP-2.

BMP-2 là một chiếc xe bọc thép được ví như tàu sân bay bọc thép. Nó không chỉ có thể vận chuyển binh lính một cách an toàn vào vùng chiến sự nóng bỏng mà còn có thể được sử dụng để yểm trợ hỏa lực.

Nga cũng đã xuất khẩu BMP-2 các phiên bản trước ra nước ngoài. Nhưng theo đánh giá của ARES, lực lượng ly khai đang sở hữu cả những chiếc BMP-2AM, một biến thể thời hậu Xô Viết sản xuất tại Nga. Trong khi đó, quân đội Ukraine không sỡ hữu nhiều BMP và Nga không bao giờ bán các mô hình BMP-2 cho Kiev.

3. Hệ thống tên lửa phòng không Buk SA-11  

Sự tồn tại của hệ thống tên lửa Buk SA-11 tại Ukraine trở nên cực kỳ gây tranh cãi sau vụ bắn rơi chiếc MH17 của Malaysia Airlines hồi tháng 7 năm ngoái. Hệ thống Buk rất phức tạp. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng lực lượng ly khai sẽ không thể vận hành nó nếu không có sự hỗ trợ từ Nga.   

Mặc dù sản xuất tại Nga, nhưng quân đội Ukraine cũng sở hữu vũ khí này. Và nếu lực lượng ly khai đang sở hữu hệ thống tên lửa Buk, thì nó có thể đến từ Ukraine hoặc Nga.

4. Tên lửa Grad BM-21

Hệ thống phóng tên lửa Grad BM-21.
Hệ thống phóng tên lửa Grad BM-21.

Cả lực lượng ly khai và quân đội Ukraine đều đang sử dụng tên lửa Grad trong cuộc xung đột ở miền Đông. Loại tên lửa này đang trở thành trung tâm của các cuộc tranh cãi khi cả hai bên tham gia xung đột đều bắn chúng vào các khu vực dân cư, gây thương vong cho thường dân.

Nga không chỉ sử dụng tên lửa Grad mà còn xuất khẩu nó tới hơn 50 quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, chính phủ Kiev cáo buộc Nga cung cấp tên lửa Grad cho lực lượng ly khai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng rằng phe ly khai đã lấy chúng từ các kho vũ khí của Ukraine.

5) Pháo tự hành Nona 259


Tờ The Financial Times hồi tháng 7 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng Nga đã cung cấp cho lực lượng ly khai Ukraine pháo tự hành Nona gắn trên một khung gầm APC, cho phép nó tự di chuyển chứ không cần xe khác kéo.

Cả Ukraine và quân đội của Nga đều thừa hưởng loại vũ khí này từ Liên Xô vào năm 1991 và nhiều trong số chúng vẫn đang được sử dụng./.

Nguyễn Hường