Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 11 tháng 2 dẫn báo Nga đưa tin, Trung-Nga đã đạt thỏa thuận về chế tạo tàu đổ bộ đệm khí Type 12322 lớp Zubr. Chương trình này vốn là giữa Trung Quốc và Ukraine, tàu đổ bộ do nhà máy đóng tàu Morye, Feodosya, Crimea chế tạo. Nhưng, sau khi Crimea sáp nhập Nga, hợp đồng giữa Ukraine-Trung Quốc đã bị gác lại.
Theo trang mạng "Quan điểm" Nga ngày 9 tháng 2 dẫn nguồn tin tiết lộ: "Giống như hợp đồng trước đây, doanh nghiệp Crimea sẽ chế tạo tàu đổ bộ cho Trung Quốc. Chỉ có điều, trước đây làm việc này là Công ty công nghiệp quốc phòng Ukraine, đến nay đã chuyển sang Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport)".
Trước mùa xuân năm 2014, hợp đồng tàu đệm khí Zubr giữa Trung Quốc-Ukraine đã thay đổi bất ngờ. Vấn đề ở chỗ, Ukraine không có giấy phép độc lập chế tạo và bán loại tàu này, quyền sở hữu trí tuệ thuộc về Nga. Đầu thế kỷ này, Ukraine và Nga từng ký kết hợp đồng 3 bên, cung cấp 4 tàu đệm khí Zubr cho Hy Lạp, do Ukraine và Nga lần lượt chế tạo. Nhưng, sau khi Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm tới loại tàu này, Kiev vội vã phản bội Nga và cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc.
Chủ biên tờ "Tin vắn quốc phòng Moscow", chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược-công nghệ Nga, Vasilii Cashin cho biết: "Chúng tôi và Trung Quốc đã đàm phán rất lâu về cung ứng tàu đổ bộ đệm khí Zubr.
Nhưng, Nga rất cứng rắn, muốn Trung Quốc mua hàng loạt với giá cả cần thiết. Cho nên, Trung Quốc chuyển sang Ukraine, ký kết hợp đồng với họ với giá rẻ, quy định 2 chiếc tàu đổ bộ mua của Ukraine, 2 chiếc chế tạo tại Trung Quốc".
Năm 2009 đã có thông tin về việc Bắc Kinh và Kiev đạt được thỏa thuận, điều này làm cho Nga rất tức giận. Trước hết, Cục thiết kế trung ương Almaz Nga là người có bản quyền sở hữu trí tuệ và đơn vị nghiên cứu phát triển tàu đổ bộ. Thứ hai, điều tồi tệ hơn là, Ukraine không chỉ bán sản phẩm lậu giá rẻ cho Trung Quốc, mà còn đáp ứng chuyển nhượng tài liệu thiết kế.
Hình ảnh 2 chiếc tàu đổ bộ Zubr ở nhà máy đóng tàu của Trung Quốc, 1 chiếc đã đánh số (nguồn mạng sina ngày 21 tháng 1 năm 2015) |
Đến đầu năm 2014, nhà cầm quyền Ukraine đã bàn giao 2 tàu đổ bộ cho phía Trung Quốc, hơn nữa, do lo ngại Moscow sẽ ngăn chặn giao hàng, trước khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, Kiev đã gấp rút bàn giao chiếc thứ hai, thực hiện hợp đồng với phía Trung Quốc.
Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, hợp đồng giữa Ukraine và Trung Quốc không thể thực hiện như trước, huống hồ còn có doanh nghiệp ở khu vực do Kiev kiểm soát tham gia cung ứng.
Tháng 11 năm 2014, Bộ trưởng Bộ chính sách công nghiệp Crimea Skrynnik tuyên bố, Trung Quốc không trả tiền đóng tàu cho doanh nghiệp Crimea, nhưng do Chính phủ Ukraine cũng đòi khoản tiền này, nên Trung Quốc “không thể giao tiền”. “Trung Quốc không trả tiền 11,2 triệu USD chế tạo chiếc tàu đổ bộ Zubr thứ hai cho nhà máy đóng tàu Morye, không trả khoảng 2,6 triệu USD cho nhà máy chế tạo máy móc Feolent, thành phố Simferopol – nhà máy này cung cấp hệ thống tự động hóa cho chương trình. Trung Quốc chuẩn bị trả tiền, nhưng rất khó đạt được thỏa thuận trong đàm phán 3 bên Nga-Trung-Ukraine”.
Cashin cho rằng: “Tình hình yêu cầu hoàn thành lại hợp đồng, lần này, Nga đã để cho Trung Quốc đồng ý những điều kiện nào phải giữ bí mật với bên ngoài, nhưng tôi hy vọng có ý nguyện tiếp tục hợp tác”.
Chuyên gia cho rằng: “Bất kể thế nào, Ukraine đã gây ra tổn thất cho Nga, đây là sự thực không thể thay đổi. Rõ ràng, chúng ta chỉ có thể nhận được số tiền còn lại từ phía Trung Quốc, hiện nay sẽ căn cứ vào điều khoản mới để giúp họ đóng tàu. Ngoài ra, tôi cho rằng, phía Trung Quốc có ý định mua nhiều tàu đổ bộ hơn”.
Bài báo không cho biết, Trung Quốc đang mua nhiều tàu đổ bộ như vậy để làm gì, dùng cho tranh đoạt chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông hay Biển Đông thì chưa rõ. Nhưng, nhìn vào quá trình và các động thái quân sự của Trung Quốc thì sẽ bộc lộ ra Trung Quốc đang có tham vọng gì ở các vùng biển xung quanh, nhất là ở khu vực Biển Đông.
Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo |