Khi biết tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, hàng nghìn người dân đã bật khóc. Họ túc trực ngoài cổng để được vào nhìn ông lần cuối, tiễn biệt ông về với đất mẹ. Trò chuyện với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định rằng, sự tin yêu của nhân dân Đà Nẵng dành cho ông Nguyễn Bá Thanh sẽ làm thức tỉnh nhiều cán bộ lãnh đạo đương nhiệm.
Cả cuộc đời lo cho nhân dân, lo cho người nghèo
Cảm xúc của ông thế nào khi biết tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời?
Ông Vũ Mão: Tôi rất buồn. Mặc dù biết anh Thanh bị mắc một căn bệnh nan y, ngay cả những nền y học hiện đại nhất cũng chưa thể nào chữa trị dứt điểm, nhưng trong thâm tâm tôi luôn hy vọng một phép màu nào đó sẽ đến với anh ấy.
Anh Thanh là người rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Anh ấy ra đi ở độ tuổi này vẫn là quá trẻ, nhưng chẳng biết làm thế nào, vì các cụ ta đã nói “sinh lão bệnh tử”, mỗi con người ta đều phải trải qua. Dẫu chẳng nói ra, nhưng tôi tin chẳng riêng gì người dân Đà Nẵng, mà nhân dân ở nhiều nơi khác cũng có chung một tâm trạng thương tiếc cho người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, cả cuộc đời luôn lo lắng cho nhân dân, nhất là những người dân nghèo.
Ông Vũ Mão: “Anh Thanh sẽ là bài học cho nhiều người còn sống”. Ảnh: Ngọc Quang. |
Qua tiếp xúc và làm việc, ông có cảm nhận gì về tính cách của ông Nguyễn Bá Thanh?
Ông Vũ Mão: Cách đây hơn 20 năm, anh Thanh là Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng, trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá IX (1992 – 1997) thì chúng tôi có dịp gặp gỡ tiếp xúc với nhau. Rồi anh Thanh trải qua các cương vị lãnh đạo khác nhau của Đà Nẵng, tôi cũng đã nghe nhiều thông tin rất thú vị về anh Thanh, nhiều người nói anh ấy có năng lực, làm việc rất sáng tạo.
Ngoài trao đổi về công việc, thỉnh thoảng chúng tôi có dịp giao lưu thể thao với nhau. Khi chơi Tennis, anh Thanh rất quyết liệt, luôn luôn có quyết tâm chiến thắng. Thường thì đôi anh ấy thắng đôi của tôi nhiều hơn. Người ta nói, phong cách trên sân thế nào thì trong công việc cũng vậy. Phong cách của Nguyễn Bá Thanh quyết liệt, làm phải bằng được có kết quả chứ không chịu bỏ giữa chừng.
Khi mới lên nắm giữ cương vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, anh Thanh tuổi còn trẻ, nhưng đã rất nhạy bén, chẳng hạn khi chúng tôi đi công tác tại Cu Ba thì anh Thanh nói luôn là ý chí nghị lực kiên cường của con người Cu Ba thì chúng ta phải họp tập, nhưng cái tư duy chậm đổi mới thì không thể học được.
Nguyễn Bá Thanh: Từ Chủ tịch Đà Nẵng tới Trưởng Ban Nội chính Trung ương
Ở Đà Nẵng, anh Thanh nổi lên là một hiện tượng, bởi vì tính cách quyết liệt và truy đến cùng sự việc trong mỗi phiên chất vấn tại HĐND thành phố. Tôi mong rằng sự quyết liệt ấy sẽ được duy trì được ở Quốc hội, và sau mỗi kỳ họp cần phải có sự cải tiến để nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn. Tôi cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội vẫn còn hạn chế, chưa thật sát với những bức xúc trong đời sống của nhân dân.
Mọi việc làm của lãnh đạo, người dân đều biết cả
Tinh thần quyết liệt của ông Thanh đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng, người nghèo được quan tâm, người tài được trọng dụng… Nhưng có lẽ sự quyết liệt ấy đôi khi cũng gây ra phiền toái cho chính bản thân người lãnh đạo. Ông có nghĩ vậy không?
Ông Vũ Mão: Các cụ ta nói “nhân vô tập toàn”, đã là con người thì ai cũng có khiếm khuyết, nhưng một người lãnh đạo có tâm thì sẽ biết cách lựa chọn cho đại cục chứ không vì tình riêng. Anh Nguyễn Bá Thanh cũng là một người như thế cho nên mới được đông đảo nhân dân Đà Nẵng yêu quý như vậy.
Cũng vì cái sự quyết liệt ấy anh Thanh đã nhiều lần bị phiền toái chứ, nhưng tâm sáng nên rồi mọi người cũng hiểu anh ấy.
Có lần tôi được nghe chuyện một số bậc lão thành cách mạng ở Đà Nẵng không hài lòng với anh ấy, nhưng sau nghĩ kỹ lại họ nói rằng: “Thằng Thanh là con liệt sĩ, lớn lên trong lò lửa cách mạng, được Đảng dìu dắt và trưởng thành như ngày hôm nay. Nơi chín suối, chắc rằng ba của Thanh cũng mát mặt lắm. Động cơ của Thanh là tốt, hết lòng lo cho dân, nhưng phương pháp chưa ổn thì yêu cầu phải sửa”.
Tôi không trực tiếp theo dõi những phiên chất vấn của HĐND thành phố Đà Nẵng, nhưng qua các phương tiện truyền thông thì tôi rất đồng tình với sự quyết liệt mà anh Thanh thể hiện. Anh Thanh nhiều lần nói thẳng không ngại va chạm, mà tôi nhớ có những câu rất ấn tượng là “có những cán bộ vừa ăn vừa phá” hay “cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”, “không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém”… Với những phát ngôn thẳng như vậy hẳn là nhiều người cảm thấy bị động trạm và không thích anh Thanh, nhưng phần lớn những cán bộ nhà nước có năng lực, có tinh thần đổi mới và nhân dân sẽ càng thêm quý trọng anh ấy.
Nhiều người dân bật khóc khi biết tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời. Ảnh: VNE. |
Hình ảnh hàng trăm người dân đi chùa cầu an cho ông Thanh, hay chờ đợi đón ông ở sân bay nhiều ngày liền, rồi tìm đến nhà khi hay tin ông mất để được nhìn thấy ông lần cuối… có lẽ sẽ "đánh thức" nhiều lãnh đạo khác chăng, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Đấy là hình ảnh đẹp, nói lên sự yêu mến của nhân dân với anh Thanh, và cũng sẽ làm thức tỉnh không ít người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền. Mọi việc làm của lãnh đạo người dân biết cả đấy, làm tốt hay không tốt, làm thật tâm hay giả vờ, chỉ nói chứ không làm thì sớm hay muộn cũng lòi ra hết. Vậy là danh dự sụp đổ và bị nhân dân coi thường, dẫu biết thế nhưng nhiều lãnh đạo vẫn không giữ nổi mình.
Nhưng anh Nguyễn Bá Thanh thì khác, là một lãnh đạo quyết liệt trong công việc, nói là làm, đồng thời cũng rất giản dị, dân giã trong đời thường. Qua báo chí, tôi được biết anh ấy dành rất nhiều thời gian đến thăm nơi ăn ở của người nghèo, trò chuyện với người lao động. Những người xe ôm tới ngày Tết lại lên phường lĩnh tiền trợ cấp, bệnh viện Đà Nẵng điều trị miễn phí cho các gia đình có sổ hộ nghèo… anh Thanh đã giúp thay đổi đời sống của họ, trong đó có nhiều người yếu thế không biết bấu víu vào đâu.
Anh Thanh cũng rất sâu sát với công việc, tự mình đi kiểm tra thực tế chứ không chờ đợi báo cáo của cấp dưới, thế nên anh ấy nắm được rất rõ chỗ nào ở thành phố bị ngập, chỗ nào đã xử lý được; rồi chỗ nào nhân dân đến tái định cư không có điện sử dụng, đồng thời yêu cầu cấp dưới trả lời dứt khoát thời hạn phải xử lý. Có thể nói, anh Thanh đã sống trong lòng nhân dân Đà Nẵng với những hình ảnh đẹp, vì vậy thật dễ hiểu khi người dân quý trọng anh ấy.
Trân trọng cảm ơn ông!