Báo Philippines muốn có "NATO Đông Nam Á" đối trọng với Trung Quốc

15/02/2015 09:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể bị kéo vào một cuộc đối đầu "bất chợt" với Trung Quốc có Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Việt Nam.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.

Tờ Philstar ngày 15/2 bình luận, khả năng một cuộc chiến "tình cờ" giữa Trung Quốc và láng giềng có thể gây ra mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với an ninh toàn cầu. Theo tờ báo Philippines, danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể bị kéo vào một cuộc đối đầu "bất chợt" với Trung Quốc có Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Việt Nam. Tuy nhiên các sự kiện gần đây cho thấy Indonesia cũng có thể lọt vào danh sách này.

Một loạt sự kiện gần đây trên Biển Đông có ý nghĩa cảnh báo một cuộc đối đầu có thể trong tương lai với Trung Quốc. Tuần trước Bộ Ngoại giao Philippines cho biết 24 tàu cá Trung Quốc đã tiến vào tận thu trái phép sò khổng lồ, một loài cần được bảo vệ trong bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống của Philippines bị Trung Quốc cưỡng chiếm quyền kiểm soát từ tháng 4/2012. Đáng lo ngại hơn là thực tế một tàu Trung Quốc đã cố ý đâm va 3 tàu cá chở 29 ngư dân Philippines cũng tại bãi cạn Scarborough hôm 29/1.

Tuần trước Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm chính thức Philippines. Nhiều khả năng lãnh đạo 2 nước đã đồng ý về một cách tiếp cận chung với việc đối phó với yêu sách lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Đường lưỡi bò Trung Quốc hiện đang chồng lên cả vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Natuna, phía nam quần đảo Trường Sa  (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).

Hiện tại Philippines là quốc gia duy nhất đã khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc là một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng lại từ chối các thủ tục tố tụng của Liên Hợp Quốc đồng thời tiếp tục các hoạt động cải tạo, biến đá thành đảo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa.

Trong khi Philippines lựa chọn kênh ngoại giao để giải quyết các vấn đề lãnh thổ, hàng hải thì các bên còn lại bảo vệ lợi ích của mình mạnh mẽ hơn. Philstar lưu ý rằng, khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 ra hạ đặt bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì người Việt đã phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết, ngăn cản bất kỳ tàu Trung Quốc nào tìm cách xâm phạm vùng biển của mình. Sau một loạt các cuộc đối đầu, Bắc Kinh đã phải nhượng bộ và rút giàn khoan về Hải Nam.

Gần đây Tổng thống Indonesia đã thông báo rằng Jakarta sẽ bắt giữ tàu cá bất kỳ nước nào, bao gồm cả Trung Quốc xâm phạm vùng biển Indonesia. Sau đó ông cho biết Indonesia sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở đảo Natuna. Tuy nhiên theo Philstar, diễn biến quan trọng nhất trong những căng thẳng lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông là việc Hoa Kỳ chào đón Nhật Bản tuần tra mở rộng trên bầu trời Biển Đông trong bối cảnh các tàu quân sự Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ngày càng mạnh.

Hiện nay đã có đề xuất rằng khu vực Đông Nam Á cần có một liên minh chính thức tương tự như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO giữa Hoa Kỳ, Úc với các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ để hình thành một đối trọng với Trung Quốc được cho là sẽ ngày càng hung hăng hơn dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự đang gia tăng.

Nhưng câu hỏi là tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các hoạt động "xâm lược lãnh thổ" bất chấp dư luận quốc tế đang chống lại tuyên bố của Bắc Kinh, tác giả Bil Hayton từ đại học Yale đã trả lời trong cuốn sách "Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở khu vực châu Á". Trong lời kết cuốn sách này ông viết: Rõ ràng có một số người trong giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thay đổi quan điểm về các tranh chấp và tìm kiếm lợi ích dựa trên các nguyên tắc của UNCLOS. Nhưng có những vận động hành lang mạnh mẽ hơn của các nhóm lợi ích.

Những nhóm lợi ích trong nước Trung Quốc, đặc biệt là quân đội, tập đoàn dầu khí, một số tỉnh ven biển có thể có những hành động đe dọa tới an ninh chính trị Đông Nam Á. Những hành động đó đe dọa sự tin cậy đối với chính sách trỗi dậy hòa bình mà Bắc Kinh vẫn tuyên truyền. Nhưng các nhà lãnh đạo trung ương nước này dường như không muốn kiềm chế cấp dưới của họ. Tạm thời vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc phụ thuộc vào sự chấp thuận của các nhóm lợi ích này hơn là sự tán thành ủng hộ của thế giới bên ngoài.

Về nguy cơ một cuộc chiến bất ngờ trên Biển Đông, Hayton cho rằng các mối đe dọa xuất phát từ một bên có thể sử dụng vũ lực để tranh giành một số điểm đảo, rặng san hô xa xôi và từ đó có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Hồng Thủy