Quý vị độc giả đã biết đến tác giả Ce Phan trong bài viết Luật 80/20, luật hấp dẫn nâng cao hiệu quả học tiếng Anh. Hôm nay, Tòa soạn giới thiệu một bài viết khác của tác giả này, là một góc tiếp cận giúp các bậc làm che làm mẹ kết hợp để dạy dỗ con mình.
Trong năm vừa qua, không ít bài báo, bài phóng sự xoay quanh việc tìm kiếm một phương pháp dạy dỗ con cái hiệu quả. Và nhiều bậc phụ huynh và các nhà làm giáo dục có xu hướng tìm đến các giá trị giáo dục đến từ những nền văn hóa khác như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, Trung Quốc ... hay một cộng đồng người Do Thái nổi tiếng về cách dạy con gái để trở nên giỏi giang.
Tuy nhiên, có một phương pháp dạy con cái truyền thống của ông bà ta mà nhiều người không để tâm đến đó là dạy con qua các câu chuyện ngụ ngôn.
Cũng giống như những câu ca dao, dân ca, truyện ngụ ngôn có thể truyền đạt và lồng ghép những bài học khó diễn đạt thành đơn giản thông qua thế giới loài vật, cây cỏ... Ví dụ: khi bạn muốn dạy con đức tính kiên nhẫn và không chủ quan- bạn có thể dạy con qua câu chuyện "cuộc đua giữa rùa và thỏ"; khi bạn muốn dạy con tránh tham lam, bạn có thể kể cho con câu chuyện "con chó và cục xương"; hoặc bạn muốn dạy con bài học về sự đoàn kết, câu chuyện ngụ ngôn "bó đũa" sẽ rất phù hợp... Có rất nhiều những câu chuyện như vậy được ông bà đúc kết lại theo suốt chiều dài lịch sử.
Ngược dòng thời gian để trở lại những năm 2000 hoặc trở về trước nữa bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều câu chuyện ngụ ngôn trong sách báo, tạp chí hoặc nghe những câu chuyện ngụ ngôn được ba mẹ kể trước khi đi ngủ. Bác hớt tóc có sức hút đặc biệt với những đứa trẻ qua các câu chuyện ngụ ngôn đầy hóm hỉnh, những người già trong thôn xóm giống như những kho tàng về chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và họ sẵn sàng kể cho con cháu và những đứa trẻ vào những đêm trăng sáng.
Những câu chuyện ngụ ngôn đã là một công cụ nhẹ nhàng để truyền đạt những điều tốt đẹp đến với tuổi thơ. (Anh: Internet) |
Khi lớn lên bạn có thể thể lãng quên những câu chuyện đó nhưng có một điều chắc chắn sẽ ghi sâu trong tâm trí của bạn đó là những điều tốt mà bạn sẽ hướng đến trong cuộc sống. Bạn biết tìm đến những việc tốt, kết bạn, ủng hộ những người tốt và tránh xa những thói hư tật xấu trong đời. Những bài học mang đến những điều hay lẽ phải có thể được học từ trường lớp, thầy cô, bạn bè, xã hội và những câu chuyện ngụ ngôn đã là một công cụ nhẹ nhàng nhất để truyền đạt những điều tốt đẹp đó đến với tuổi thơ của bạn.
Những câu chuyện ngụ ngôn như vậy vẫn được đánh giá cao trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, xã hội đã có nhiều thay đổi và thói quen kể chuyện ngụ ngôn đã không phổ biến nữa. Thay vào đó là những áp dụng những phương pháp mới, cách tiếp cận hiện đại hơn từ ngoài nước. Hầu hết những bài học đều được truyền đạt một cách trực tiếp hơn là ẩn chứa bài học trong một câu chuyện nhỏ.
Ví dụ: Để dạy con không được nói dối và tạo ra những thông tin sai lệch, bạn sẽ dạy cho con những tác hại xấu của việc nói dối hoặc liên tưởng việc đó tới một hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để đứa trẻ hiểu và biết rằng nó sẽ không làm như thế, thực tế hơn nữa bạn sẽ là một tấm gương để con bạn noi theo. Trong thế giới các câu chuyện ngụ ngôn không thiếu những câu chuyện hay mà bạn vẫn có thể sử dụng như: "cậu bé chăn cừu", "bé Bon mua kẹo"...
Thông thường một điều hay, một thông điệp ý nghĩa rất khó được cảm nhận, học được chỉ qua một lời dạy, một câu chuyện mà nó cần được lặp lại theo nhiều sắc thái và hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, tìm hiểu cách dạy con qua các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn sẽ là những bổ sung hữu ích cho các bậc phụ huynh trong suốt quá trình nuôi dạy con cái từ nhỏ đến khi trưởng thành. Đó là một hành trình thật dài và kỹ năng thay đổi cách dạy con theo từng trường hợp, hoàn cảnh đóng vai trò rất quan trọng để hình thành nhân cách cho một đứa trẻ sau này.