Nghỉ tết lại vào rừng chặt đót chổi bán
Trong những ngày cuối năm 2014 âm lịch, chúng tôi có dịp đi lên xã vùng biên Tri lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Từ trung tâm huyện lị Quế Phong muốn vào trung tâm xã Tri Lễ phải vượt qua dốc Chuối. Đây là con dốc kéo dài đến gần 7km, sương mù bao phủ gần như quanh năm, vô cùng hiểm trở và khó đi. Do nằm ở điểm cao nên khí hậu ở đây cũng rét hơn vùng đồng bằng khoảng 2 độ.
Khi xe vượt qua dốc Chuối bắt đầu đi vào địa bàn xã Tri Lễ, chúng tôi bắt gặp những cô bé, cậu bé mặc đồng phục học sinh đang đạp những chiếc xe đạp đã cũ nát. Trên xe các em chở những bó đót chổi còn đang tươi. Dừng xe hỏi chuyện một em nhỏ chúng tôi được biết, các em vừa đi chặt đót chổi trong rừng về bán.
Ba em học sinh xã Tri Lễ tranh thủ ngày nghỉ đi chặt đót chổi về bán mua đồ tết (ảnh Xuân Hòa) |
Hầu hết các em học sinh tại xã vùng biên Tri Lễ, huyện Quế Phong đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Khơ Mú, H’Mông. Để vừa có thu nhập vừa không nghỉ học nên cứ ngày nghỉ các em lại đi vào rừng để chặt đót chổi về bán. Nếu gặp được nơi nhiều đót chổi mỗi em cũng chỉ kiếm được 10.000 đến 15.000 đồng/ngày. Nhất là vào thời điểm cuối năm khi vào cuối mùa đót chổi, cứ có thời gian nghỉ các em lại lên rừng đi chặt đót.
Em Cụt Thị Nhung (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tri Lễ 2) cho biết: “Cứ tranh thủ ngày nghỉ chúng em lại rủ nhau vào rừng, mỗi nhóm khoảng 3 người đi chặt đót chổi về bán. Nhưng để chặt được nhiều đót chổi phải trèo lên đỉnh núi cao. Ở phía dưới chân núi vừa ít lại bị chặt hết rồi nên không được nhiều”.
Do mùa đót chổi rơi vào những ngày mưa rét nên để chặt được đót những “tiều phu” nhỏ tuổi tại xã Tri Lễ phải dầm mưa rét. Khi gặp chúng tôi trong dáng người nhỏ bé so với tuổi, bộ quần áo mỏng manh em mặc trên người của em Pịt Văn Hoàng (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tri Lễ 2) đã ướt hết vì mưa và nước trong rừng. Phía sau chiếc xe đạp cà tàng của em những bó đót cũng dính đẫm nước mưa.
Nhưng trời mưa đót chổi không phơi đươc nên thương lái không tiếp tục mua đót chổi của các em (ảnh Xuân Hòa) |
“Chặt đót mùa này chỉ nước sương đọng trên cây rừng dính vào người cũng ướt hết rồi các chú ạ! Nhưng không vào những chỗ rậm cây lại ít đót, nếu vậy một ngày chặt chẳng được bao nhiêu. Nhưng đót chổi mà ướt quá về thương lái họ cũng không mua mà phải mang về nhà phơi cho ráo nước mới bán được mấy chú ạ!” em Cụt Văn Hoàng vừa run rẩy vì lạnh vừa nói.
Theo người dân nơi đây cho biết, thì hầu hết người lớn nơi đây ít đi chặt đót chổi bán vì giá trị không cao. Lực lượng hùng hậu nhất đi chặt đót chổi bán cho thương lái chính là các em học sinh nhỏ tuổi. Vì bố mẹ thường xuyên đi rẫy nên cứ sau mỗi buổi học các em lại rủ nhau đi chặt đót chổi. Hình ảnh những “tiều phu” nhỏ tuổi cứ ngày nghỉ trèo rừng chặt đót chổi đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Mong trời đừng mưa để tết có đồ mới mặc
Thời điểm những ngày gần tết Nguyên Đán trong lúc trẻ em thành phố được gia đình mang đi sắm đồ tết. Nhưng ở xã vùng biên Tri Lễ này việc có bữa cơm no đã khó, nên việc sắm đồ áo tết với các em nhỏ quả là điều khó. Để có đồ mới mặc đón xuân, mỗi năm cứ bắt đầu ngày nghỉ tết các em học sinh lại kéo nhau đi chặt đót chổi bán kiếm tiền mùa quần áo tết.
Số đốt chổi vừa chặt về không bán được thì các em không có đồ mới để mặc tết (ảnh Xuân Hòa) |
Đót chổi tươi các em chặt trong rừng mang về bán cho thương lái dưới xuôi lên thu mua với giá 3000 đồng/kg đót tươi. Mỗi năm mùa gom đót chổi được bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch đến tháng giêng của năm sau. Tuy nhiên, những năm nhuận mùa đót chổi cũng kết thúc sớm hơn. Mỗi ngày đi rừng em nào khỏe, nhanh nhẹn cũng chỉ chặt được 5kg đót chổi tươi.
“Tôi cho thuê nhà để họ làm nơi thu gom mua đót chổi tươi lấy tiền. Năm nay là năm nhuận nên mùa đót sẽ kết thúc trước tết. Vì vậy, mấy hôm vừa nghỉ tết các cháu nhỏ tranh thủ vào rừng chặt đót để bán kiếm tiền. Nhưng năm nay mưa nhiều nên thương lái họ mua cũng ít hơn. Nhiều hôm các cháu chặt về họ không thu mua nhìn các cháu lủi thủi ra về tôi cũng thương lắm. Nhưng nhà tôi, cháu cũng đi chặt đót chổi bán nên không biết giúp các cháu thế nào cả”, bà Lữ Thị Liên (trú tại bản Tà Pản, xã Tri Lễ) cho biết.
Cuối năm những bó đót chổi được thương lái mua với giá 3000 đồng/kg (ảnh Xuân Hòa) |
Gặp em Lữ Trung Thành (học sinh lớp 7, Trường THCS Tri Lễ) với khuôn mặt đượm buồn cho biết: “Mấy ngày vừa rồi sương dày và mưa suốt nên chúng em đi chặt đót về bán nhưng họ không mua. Nếu cứ mưa suốt thế này, đót chổi chặt về không bán được chắc tết năm nay em cũng không có tiền mua đồ mới. Bố mẹ em thì đang đi rẫy nhưng năm nay mùa mất nên chuyện có đồ mới ăn tết cũng không có hy vọng gì chú ạ!”.
Theo các thương lái buôn đót chổi sau khi mua về thì được đem phơi khô rồi làm thành chổi thành phẩm bán. Nếu trời mưa không phơi khô được đót chổi sẽ bị mốc, hỏng nên các thương lái không dám mua. Do thời gian đót chổi đạt đủ điều kiện làm được chổi chỉ kéo dài hơn một tháng nên năm nào đến thời điểm gần tết các thương lái cũng phải tranh thủ mua để tích trữ làm cả năm.
“Nhiều hôm thấy các cháu đi chặt đót chổi về người ướt đẫm, rét co ro cũng thương lắm chứ. Nhưng chúng tôi cũng chỉ mua về để làm chổi thành phẩm bán, giá trị đót chổi không cao nên không ai buôn sản phẩm thô cả. Nếu mua trúng trời mưa không phơi khô được, đót bị mốc, ẩm không làm chổi được thì chúng tôi cũng không dám mua”, bà Phan Thị Nhung ( thương lái thu mua đót chổi trú tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết.
Nhìn dáng người bé nhỏ của các em đang chở những bó đót chổi vừa chặt về nhưng không bán được chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đáng ra, tuổi các em khi những ngày tết gần đến được gia đình đưa đi chơi, sắm đồ để đón tết. Nhưng do cuộc sống khó khăn nên các em phải tranh thủ những ngày nghỉ tết lội rừng chặt đót chổi bán chỉ để mong có một bộ đồ mới đón tết.