Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. |
The Diplomat ngày 18/2 đưa tin, theo tuần san Quốc phòng IHS Jane, đoàn đại biểu Trung Quốc ngăn cản việc đưa vấn đế Biển Đông vào chương trình nghị sự của cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sắp tới. Cụ thể IHS Jane nói rằng Trung Quốc từ chối đề nghị của ASEAN để thảo luận vấn đề Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới đàm phán ký kết Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong cuộc họp này.
Kỳ họp này bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và những người đồng cấp đến từ 8 quốc gia khác bao gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Cho đến nay các Bộ trưởng Quốc phòng đã gặp nhau hai lần, lần đầu tại Việt Nam năm 2010 và lần 2 tại Brunei năm 2013. Kỳ họp năm 2015 sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11 tại Malaysia.
Các kỳ họp ADMM+ trước đó đã tránh chủ đề Biển Đông gây tranh cãi, một quyết định làm ảnh hưởng đến cam kết của nhóm về việc hợp tác thiết thực trong các vấn đề an ninh hàng hải. Tuy nhiên trong kỳ họp năm 2013 ADMM+ đã thảo luận về "biện pháp thiết thực" để làm giảm căng thẳng, ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.
Gần đây Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cũng đã thể hiện sẵn sàng hơn để thảo luận về vấn đề này. Trong cuộc họp tháng 5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã bàn những phương pháp tiếp cận để tăng cường hơn nữa hợp tác, giảm bớt căng thẳng trong quan điểm về những phát triển gần đây trên Biển Đông. ASEAN cũng đã bắt đầu thúc đẩy nghiêm túc hơn tiến tới kết thúc các cuộc đàm phán với Trung Quốc về COC.
Tuần trước IHS Jane cho biết, các quan chức cấp cao ASEAN mở rộng đã họp về vấn đề COC và DOC, đưa ra đề nghị thảo luận 2 vấn đề này tại kỳ họp ADMM+ năm nay. Ngoài việc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, gần đây đã có sự bất đồng về cách thức giải thích DOC, ví dụ Philippines tố cáo Trung Quốc đã vi phạm DOC khi cải tạo (bất hợp pháp), biến đá thành đảo nhân tạo (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
IHS Jane cho biết, phái đoàn Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của ASEAN đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị ADMM+ . Trung Quốc tự xem mình như kẻ chơi trò đuổi bắt ở Biển Đông và thực hiện các hành động khoan dầu, cải tạo và xây dựng (bất hợp pháp) với cái cớ "các bên khác cũng xây dựng trong nhiều năm qua". Như vậy Bắc Kinh dường như nghĩ rằng một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông không ảnh hưởng tới hoạt động của họ.
Trên một mức độ rộng lớn hơn, Trung Quốc đang kiên quyết phản đối những gì họ gọi là "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông". Thảo luận về Biển Đông trong bất kỳ diễn đàn đa phương nào đều đi ngược lại mong muốn (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc để (ép các bên) giải quyết tranh chấp bằng đàm phán tay đôi. Bắc Kinh thậm chí còn né tránh đề cập đến Biển Đông trong các cuộc thảo luận với ASEAN nói chung.
Mọi cuộc thảo luận về một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (giữa ASEAN) với Mỹ, Ấn Độ và đặc biệt là Nhật Bản đều làm Bắc Kinh phát cáu. Theo The Diplomat, những dấu hiệu trên cho thấy rất ít hy vọng ADMM+ lần này có thể thực hiện tốt cam kết năm 2013 về việc tìm kiếm các phương tiện để giảm căng thẳng ở Biển Đông nếu ngay cả COC còn không được đưa vào chương trình nghị sự.