Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) nằm sâu trong khu rừng Chàng Riệc, còn được biết tới với những tên gọi khác như: R; Căn cứ Chàng Riệc; Căn cứ Phạm Hùng; Căn cứ địa Bắc Tây Ninh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. ảnh: ttxvn. |
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày hoàn toàn giải phóng.
Năm 1961, Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam ghi đậm hình ảnh của các vị lãnh đạo cách mạng miền Nam, những người mà sau này trở thành các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thắp hương và thăm lại các di tích như Hội trường lớn, Hội trường nhỏ, các nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Chí Thanh.
Căn cứ Trung ương Cục là thủ đô của cách mạng miền Nam, nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ.
Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.
Chủ tịch nước tặng quà công nhân ăn Tết xa nhà tại tỉnh Long An
Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là đối với các thế hệ trẻ Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các ban ngành tập trung cao độ, bằng tinh thần trách nhiệm với lịch sử, phấn đấu khánh thành những hạn mục quan trọng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp đó, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp mặt thân mật, chúc Tết các vị lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí của tỉnh, trong đó có đồng chí Phan Văn Điền, người được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Mười Trí, Mười Thương… một cán bộ điệp báo can trường đã nhận nhiệm vụ ám sát Ngô Đình Diệm tại Tây Nguyên, năm đó ông mới 22 tuổi. Ông Mười thương bị địch bắt và tra khảo, nhưng vẫn giữ vững lý tưởng của Đảng, trở thành tấm gương tiêu biểu cho hình ảnh của một người cộng sản chân chính.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến chúc Tết tại tỉnh Bình Dương.
Năm 2014, GDP của Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (13%) dù kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn. Bình Dương đã chủ động tạo được môi trường đầu tư tốt và thu hút trên 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; kim ngạch xuất nhập khẩu trên 4 tỷ USD, thu ngân sách trên 32.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Bình Dương cần chú trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế để góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng chung đưa Bình Dương phát triển đi lên trở thành tỉnh công nghiệp.
Tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh hiện khá lớn, cần có sự đầu tư thích đáng để phát triển công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đặc biệt, Bình Dương cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2015 để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.