LTS: Trong những năm gần đây, vấn đề dạy và học lịch sử đang thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội, môn Lịch sử là một trong những Bộ môn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ về kiến thức, văn hóa, tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách sống.
Tòa soạn giới thiệu bài viết này, được gửi từ Trường Chính trị tỉnh Đăk Lắk của tác giả Phạm Văn Dương, như một góc nhìn về việc dạy và học môn này.
Bộ môn Lịch sử sẽ giúp các em thấy được quá trình phát triển của một đất nước, một dân tộc mà rộng hơn là cả xã hội loài người, thông qua bộ môn này sẽ giúp các em hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có lòng tự hào về non sông đất nước. Đồng thời thông qua đó các em có những biểu hiện đúng đắn đối với quá trình học tập, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chính vì vậy vai trò của Bộ môn Lịch sử là hết sức to lớn. Thế nhưng trong thực tế hiện nay việc dạy – học môn Lịch sử vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, giáo viên vẫn chủ yếu dạy học bằng phương pháp dạy học truyền thống “Thầy cô đọc trò chép”, vẫn còn tình trạng học sinh chỉ coi môn Lịch sử chỉ là môn phụ, chưa thực sự chú ý, quan tâm nhiều đến Bộ môn này. Bên cạnh đó trong thực tế giảng dạy có nhiều giáo viên chưa phát huy được tính tích cực, chưa gây hứng thú cho học sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc dạy và học môn Lịch sử chưa đạt được kết quả cao.
Chính vì vậy trong thời gian tới để giải quyết được vấn đề này theo tôi cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với giáo viên
Thứ nhất. Chuẩn bị tất cả đồ dùng dạy học khi lên lớp: giáo án (hoặc giáo án điện tử), bản đồ, tranh ảnh, sơ đồ hệ thống kiến thức…Có như vậy người giáo viên mới chủ động được bài giảng và không bị lúng túng trong quá trình lên lớp.
Thứ hai. Khi giảng bài cần phải kết hợp nhiều phương pháp như thuyết trình, phát vấn, nêu vấn đề, thảo luận nhóm...Với nhiều phương pháp như vậy sẽ tạo ra hứng thú cho học sinh, từ đó lôi kéo học sinh tham gia tích cực vào tiết giảng.
Thảo luận nhóm – Phương pháp tích cực (Ảnh: Internet) |
Thứ ba. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy và học đối với Bộ môn Lịch sử, bởi lẽ môn Lịch sử là bộ môn có kiến thức thuộc về quá khứ và công nghệ thông tin ( giáo án điện tử, video, sơ đồ) sẽ giúp cho giáo viên tái hiện lại quá khứ thông qua các hình ảnh, video, hay các sơ đồ chiến thuật của các trận đánh. Chính từ những trực quan sinh động đó sẽ tạo ra hứng thú cho các em học sinh và giúp cho học sinh có được cái nhìn thật đối với Lịch sử.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. (Ảnh: Internet) |
Thứ tư. Giáo viên cần đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ tin học để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, của thời đại.
Thứ năm. Giáo viên cần có những kế hoạch cụ thể đưa các em đi thực tế ở các Bảo tàng, các khu di tích Lịch sư, các khu Nhà đày... thông qua đó giúp các em có cách nhìn chân thực hơn về lịch sử.
Đưa học sinh đi tham quan tại Nhà đày. (Ảnh: Internet) |
Đối với học sinh
Thứ nhất. Học sinh phải đọc trước bài mới trong sách giáo khoa, chuẩn bị tất cả các câu hỏi trong SGK phần sẽ học. Trong giờ học phải chú ý nghe giáo viên giảng bài, tích cực phát biểu ý kiến, có tinh thần xây dựng bài.
Thứ hai. Học sinh cần phải có tính tự giác học tập, dựa vào kiến thức giáo viên truyền thụ học sinh phải biết tự mình tìm tòi, sáng tạo, phân tích sự kiện hoặc so sánh sự kiện này với sự kiện khác. Thông qua các bài giảng học sinh phải biết sử dụng bản đồ, lược đồ trình bày diễn biến một cuộc khởi nghĩa hoặc một giai đoạn lịch sử.
Thứ 3. Học sinh cần có thái độ nghiêm túc đối với Bộ môn Lịch sử, cần có lòng tự hào dân tộc và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha anh đi trước.
Để Môn Lịch sử đi sâu vào lòng mỗi người học thì ít nhất theo tôi cần phải thực hiện một số giải pháp như trên, có như vậy mới góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy và học đối với môn Lịch sử và làm cho thế hệ trẻ ngày càng tự hào về cuội nguồn của đất nước./.