Ngày 25/2 tờ Moscow Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng, một loạt các vụ đánh bom bí ẩn xảy ra ở Kharkiv thời gian gần đây sẽ còn tiếp diễn với quy mô rộng hơn và có thể làm lây lan xung đột.
Hiện trường đánh bom giết chết 2 người tại Kharkiv đầu tuần này. |
Các vụ đánh bom bắt đầu từ tháng 11/2014 nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau, cả dân thường lẫn lực lượng an ninh gây thương vong cho hàng chục người. Các quan chức Kiev từng cáo buộc lực lượng an ninh của Nga đứng sau các vụ tấn công này nhằm gây bất ổn cho láng giềng và cuối cùng là giành quyền kiểm soát họ.
Các quan chức Nga chưa bình luận về những cáo buộc này, nhưng cuối tuần qua Tổng thống Vladimir Putin nói những cáo buộc Kremlin đã tham gia vào vụ nổ súng bắn tỉa gây tử vong năm ngoái ở Maidan là "hoàn toàn vô nghĩa."
Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine và là nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu dân, nằm cách hơn 200 km từ khu vực xung đột. Moscow Times cho rằng các vụ đánh bom tại đây xuất phát từ một động cơ phức tạp để truyền bá ảnh hưởng vào sâu hơn nữa trong lãnh thổ Ukraine.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều bên có thể hưởng lợi từ bầu không khí sợ hãi được cố ý tạo ra ở Kharkiv.
Mark Galeotti, một chuyên gia về an ninh của Nga nói rằng, rõ ràng các cuộc tấn công này là một phần của một kế hoạch lớn hơn bởi nó được tiến hành không theo phương pháp thông thường của chủ nghĩa khủng bố mà dường như nhằm các mục tiêu chính trị.
Các vụ đánh bom được cho là nhằm mục tiêu chính trị chứ không phải khủng bố. |
Chuyên gia Galeotti cho rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy có sự tham gia của Nga trong các vụ tấn công bí ẩn. Theo ông, cách thức của các vụ tấn công này giống với chiến thuật chiến tranh phi tuyến tính của Nga. Mục đích của động thái này là nhằm gây áp lực lên chính quyền Kiev và cố gắng đánh lạc hướng cũng như gây bất ổn cho chính phủ Ukraine.
Chính quyền Ukraine cáo buộc một nhóm tự xưng là Những người du kích Kharkiv thân Nga đã từng phát hành một số video kêu gọi lật đổ chính quyền Kiev bằng chiến thuật du kích, là thủ phạm của vụ tấn công. Tuy nhiên, nhóm này đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc.
Trong khi đó, một số nhà hoạt động ủng hộ Kiev tại Kharkiv lại cáo buộc chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của Nga đứng sau các vụ đánh bom.
"Thủ phạm đã hoàn toàn có thể hành động theo lệnh của lực lượng an ninh Nga. Tuy nhiên, tôi cũng không loại trừ khả năng rằng đứng sau vụ đánh bom là người đứng đầu chính quyền khu vực", Igor Rassokha một nhà hoạt động Euromaidan cho biết.
Rassokha cho rằng chính quyền địa phương chỉ quan tâm tới việc nhận hối lộ và không muốn đưa Ukraine gia nhập châu Âu. Các vụ đánh bom có thể là một cái cớ rất hợp lý để họ trấn áp những người ủng hộ phong trào Euromaidan.
Viktor Mironenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ukraine tại Học viện Nga của Viện Khoa học châu Âu, lại cho rằng không thể biết chắc chắn ai đứng đằng sau các vụ tấn công, nhưng nghi ngờ rằng nó có thể có liên quan tới các chính trị gia địa phương./.