Đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc: Không vì tiền thì vì cái gì?

03/03/2015 07:01
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nói gì về đề xuất “gây bão”: tịch thu, bán đấu giá xe máy chạy vào đường cao tốc?

Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia vừa đề xuất tịch thu, bán đấu giá xe máy chạy vào đường cao tốc.

Đề xuất này đang gây bão trong dư luận. Không ít ý kiến phản đối đề xuất này. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng.

Vì sao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra đề xuất tịch thu xe máy chạy vào đường cao tốc?

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. Ảnh Vnmedia
Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. Ảnh Vnmedia

Theo Nghị định 171, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cấm bị xử phạt từ 200.000 – 400.000 đồng. Đường cao tốc cũng là một trong những đường cấm xe gắn máy. Nhưng rõ ràng nếu người tham gia giao thông điều khiển mô tô, xe máy trên đường cao tốc mà chúng ta cũng chỉ xử phạt như đi vào những đường cấm xe trong đô thị hay đường một chiều…thì không hợp lý bởi đường cao tốc là trục đường chính của cả vùng, thậm chí của cả quốc gia.

Hơn nữa, mô tô, xe máy không được tham gia giao thông trên đường cao tốc bởi nếu xảy ra tai nạn, mức độ nghiêm trọng sẽ rất cao. Không thể có chuyện đã đi xe máy với vận tốc ít nhất 80 km/h vào đường cao tốc, cơ hội sống sót của người điều khiển phương tiện này và những người có liên quan khác là cao được.

Có vẻ như ở miền Bắc, số người vi phạm chạy xe máy trên đường cao tốc nhiều hơn như ở cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường vành đai 3, Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 3 mới chặng Hà Nội – Thái Nguyên…Nếu chúng ta không có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe thì người dân sẽ vẫn cố tình tham gia giao thông trên đường cao tốc và con số vi phạm sẽ ngày càng gia tăng bởi người ta đã hình thành thói quen sử dụng cao tốc làm đoạn đường đi lại thường xuyên của họ. Đó là điều vô cùng nguy hiểm! Để khắc phục thói quen đó cần một thời gian còn dài hơn nữa.

Do vậy, Ủy ban đã đề xuất với Chính phủ xem xét tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc: tịch thu phương tiện.

Với nhiều gia đình, xe máy là “cần câu cơm”, phương tiện mưu sinh. Vậy theo ông hình thức xử phạt trên có nặng quá không?

Đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc: Không vì tiền thì vì cái gì?  ảnh 2Tai nạn của ông Khuất Việt Hùng, nhớ chuyện "trả lợn-trồng cây" của Bác Hồ

(GDVN) -Đánh giá cao thái độ cầu thị, phản ứng nhanh của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, nhưng nhiều người cho rằng như thế là chưa đủ.

Tôi cho rằng sức khỏe, tính mạng của con người là thứ quý giá hơn cả, hơn mọi cái xe máy, ô tô. Rõ ràng mức xử phạt trên nếu được Chính phủ đồng ý, chúng tôi sẽ thông báo, cảnh báo với toàn thể người dân đặc biệt những người hiện đang sinh sống trên dọc các tuyến đường cao tốc để họ biết.

Khi đưa ra đề xuất như trên, tôi nghĩ mục tiêu không phải là để xử phạt lấy tiền bởi tịch thu phương tiện còn tạo ra khó khăn, phức tạp hơn nhiều cho lực lượng thực thi công vụ chứ không chỉ đơn thuần là khó khăn cho người bị tịch thu phương tiện.

Thế nhưng, chúng ta cần phải có những chế tài đủ mạnh như thế để ngăn ngừa hành vi trên. Tôi nghĩ sức mạnh răn đe của chế tài này chính là lời cảnh báo tốt nhất để người tham gia giao thông không vi phạm và đó cũng chính là thông điệp mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người tham gia giao thông trên đường cao tốc đồng thời duy trì mức an toàn và đảm bảo giao thông thông suốt cho trục đường huyết mạch của khu vực, quốc gia. Đó là cái chúng ta cần hướng tới.

Theo một số luật sư, việc tịch thu và bán đấu giá xe máy có thể vi phạm một số quy định trong luật dân sự. Ông nghĩ sao về việc này?

Hiện nay luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm. Căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, chúng tôi mới đưa ra đề xuất trên. Nếu mức rủi ro không quá cao, chúng tôi đồng ý là có thể xử phạt bằng tiền, nhưng với trường hợp hành vi đó uy hiếp an toàn giao thông quá lớn cho không chỉ những người vi phạm mà cả hàng trăm xe ô tô đang chạy với tốc độ cao thì không thể như thế được bởi hậu quả sẽ cực kỳ lớn.

Mục tiêu của xử phạt vi phạm hành chính không phải là để tịch thu phương tiện hay phạt để lấy tiền mà đó là để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Đề xuất trên còn được áp dụng cả với trường hợp vi phạm nồng độ cồn?

Đúng vậy. Chúng tôi cũng đề xuất một số chế tài tăng nặng với những hành vi vi phạm như vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, xe máy. Ngoài việc tước giấy phép lái xe trong một thời gian dài mà muốn được cấp lại phải thi lại luật giao thông đường bộ, chúng tôi còn đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm.

Ai cũng biết nếu đã sử dụng rượu bia thì không được lái xe, đặc biệt là ô tô, nhưng vì chế tài xử phạt của chúng ta còn nhẹ nhàng quá và khi xử lý chưa triệt để nên thời gian qua, những vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội diễn ra rất phức tạp.

Đây có phải là giải pháp để xử lý tận gốc các vấn đề về an toàn giao thông?

Nếu muốn giải quyết tận gốc các vấn đề về an toàn giao thông cần phải có một hệ thống các giải pháp tổng thể bao gồm tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cấp, cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường điều kiện an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng, tổ chức tốt dịch vụ vận tải công cộng cho người dân để họ giảm sử dụng phương tiện cá nhân đi. Ngoài ra cũng cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm.

Có một số hành vi dù ít xảy ra, nhưng nếu xảy ra hậu quả sẽ rất lớn. Do vậy, chúng ta phải có những biện pháp ngăn ngừa. Chế tài không đơn thuần để chúng ta xử phạt mà đó cũng chính là thông điệp để chúng ta tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân để họ ý thức hơn trong việc tuân thủ pháp luật.

Tôi xin nhắc lại vấn đề an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông là vấn đề cần lời giải tổng hợp của nhiều giải pháp. Không có một chế tài, giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

Tại sao không tăng mức tiền xử phạt mà lại tịch thu xe máy?

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 24/1 ở Thanh Hóa khiến 9 người chết tại chỗ cùng nhiều người khác bị thương (ảnh: Lê Phương)
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 24/1 ở Thanh Hóa khiến 9 người chết tại chỗ cùng nhiều người khác bị thương (ảnh: Lê Phương)

Tôi cho rằng mọi tài sản đều có thể làm ra nếu chúng ta còn sức khỏe và còn sống. Khi một người không quan tâm tới rủi ro cho sinh mạng của mình thì mức độ quan tâm tới một tài sản như xe máy có lẽ cũng không cao. Chế tài này không đơn thuần để tịch thu phương tiện của người dân mà đây chính là thông điệp giúp cho người ta nhớ rằng không nên đi xe máy vào đường cao tốc. Tôi tin rằng khi công bố chế tài này, số người vi phạm sẽ giảm đi.

Có hay không chuyện không quản được thì cấm?

Các cơ quan chức năng hiện nay đang cực kỳ nỗ lực trong việc giải quyết, xử lý vi phạm về trật tự an toàn xã hội nói chung và trật tự an toàn xã hội nói riêng. Nhưng nếu muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực của lực lượng chức năng, phải đưa ra những chế tài đủ sức răn đe trong tâm lý người điều khiển phương tiện để số hành vi vi phạm giảm xuống. Khi đó, lực lượng chức năng mới đủ lực lượng để làm.

Tôi khẳng định hiện nay từ cảnh sát giao thông đến thanh tra giao thông đều kêu thiếu lực lượng, phương tiện do số lượng hành vi vi phạm quá lớn. Do vậy, ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện các đối tượng vi phạm, cần phải có chế tài mạnh để xử lý các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho xã hội.

Thành ngữ không quản được thì cấm không có chỗ đứng trong vấn đề bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đã có rất nhiều quy định sau khi được ban hành không đi vào thực tế, thậm chí vứt xó. Liệu đây có phải là một kiểu ngồi trên trời làm luật không khi mà đề xuất này nếu được thông qua lại không đơn thuần để xử phạt?

Quy định nào cũng đưa ra để thực thi. Đất nước ta đang trong quá trình phát triển. Đó cũng là quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật. Nhiều khi chế tài sẽ giống như một thông điệp để bảo vệ những người có ý định vi phạm chứ không phải để xử phạt họ theo như cách hiểu thông thường.

Mục tiêu của chúng tôi khi đưa ra đề xuất này là để giáo dục, xây dựng hành vi, văn hóa giao thông của người công dân trong quá trình phát triển của đất nước, xã hội.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN