Dân hiến kế phạt người quá chén lái ôtô, đi xe máy vào cao tốc

06/03/2015 14:11
XUÂN QUANG
(GDVN) - Nhiều người cho rằng đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc Gia chưa chuẩn, khó được thông qua, đồng thời hiến kế phạt nặng mà không phạm luật, hài hòa lợi ích các bên.

Nhiều băn khoăn

Đề nghị tịch thu ô tô, phạt tiền nặng, thu giấy phép nếu lái xe say rượu vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất với Chính phủ (hôm 27/2) cho áp dụng trên thực tế đã gây ra những phản ứng từ phía dư luận.

Nhiều độc giả có chung quan điểm cho rằng, cần áp dụng các chế tài xử phạt nặng, nhưng tịch thu phương tiện thì phải nghĩ kỹ.

“Những người uống rượu bia khi lái xe là phạm luật giao thông và phải bị xử phạt thật nặng để răn đe. Việc này là rất cần thực hiện một cách minh bạch mới có tác dụng. Còn đề xuất tịch thu phương tiện kể cả xe máy, ô tô, thì cần giải thích rõ áp vào luật nào, để người dân hiểu biết và thực hiện”, độc giả ký danh Dân trí chia sẻ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong khi đó, bạn đọc ký danh Lê Nam thẳng thắn.“Đề xuất này hoàn toàn không thực hiện được chứ đừng nói khó khả thi. Bởi lẽ, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm được Hiến pháp quy định. Chỉ được tịch thu tài sản khi tài sản đó mà người có được một cách bất hợp pháp, xe gian, xe ăn cắp hoặc nhà cửa mua được từ tiền bất hợp pháp (cướp, tham nhũng...). Sẽ khó có người nào đồng thuận với dự luật "vi hiến" này. Tôi không bênh vực người say rượu chạy xe gây tai nạn, nhưng chỉ có cách tăng nặng hình phạt, giam xe lâu hơn, đóng phạt nhiều hơn thậm chí bắt lao động công ích thì may ra giải quyết được vấn đề".

Cảnh sát giao thông thực hiện tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu khi thây dấu hiệu nghi ngờ (ảnh: nguồn internet)
Cảnh sát giao thông  thực hiện tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu khi thây dấu hiệu nghi ngờ (ảnh: nguồn internet)

Trong khi đó, bạn đọc ký danh Lê Tuyển tỏ ra thận trọng: “Trước tiên, nên tuyên truyền cho người hiểu, sau đó mới áp dụng trên thực tế. Không nên làm đột ngột như vậy, bởi nếu người dân chưa biết, chưa hiểu hết luật sẽ gây nên phản ứng không tốt. Tôi nghĩ, tai nạn nhiều như vậy là do phần lớn của cái nghèo, giáo dục, hệ thống giao thông còn hạn chế…Nên chăng, chúng ta cần có lộ trình đề thực hiện điều này?”.

Đề xuất chưa rõ ràng?

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng nặng mức xử phạt các hành vi kể trên, không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của phương án này, bởi lẽ phương tiện là tài sản thuộc sở hữu của người dân. Mặt khác, trường hợp người vi phạm mượn hay thuê phương tiện của người khác thì xử lý (tịch thu) thế nào? Điều này được luật quy định ra sao?

Về việc này, chiều 5/3, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ giao thông vận tải) cho rằng, để nghị định này được thông qua, cần thiết phải tuân thủ các quy trình trong công tác kiểm định văn bản...

“Hiện tại, chưa thể kết luận phương án tịch thu phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ là đúng hay sai. Đây chỉ mới là đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, còn việc áp dụng thực tế (nếu được thông qua) thì phải qua nhiều cấp, Bộ, ngành có liên quan đồng thời ý kiến của người dân cũng cần phải được quan tâm đúng mức”, ông Thạch nói.

Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải (ảnh: Internet)
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải (ảnh: Internet)

Đề xuất về việc tịch thu phương tiện giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nêu rõ tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở…đối với lái xe cơ giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên còn chung chung, gây khó hiểu cho nhiều người.

Giải đáp cho thắc mắc trên, ông Thạch cho rằng, việc đưa ra thông số nêu trên đã được cơ quan chức năng nghiên cứu, kiểm nghiệm trên thực tế dựa trên cơ sở khoa học: “Không thể nói tôi uống có vài chén rượu là không say, không vi phạm. Điều này phụ thuộc vào nồng độ cồn trong rượu cao hay thấp và thể trạng con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu thông số nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở nồng độ cồn đối với người bình thường là không còn tỉnh táo, mất khả năng kiểm soát hành vi, rất dễ gây ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện”.

“Ở một số quốc gia trên thế giới, người ta đã áp dụng nhiều biện pháp xử phạt (phạt tù, lao động công ích) đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng quy định. Tuy nhiên, nếu nghị định này được áp dụng ở nước ta, đều phải căn cứ vào luật. Nếu đi ngược lại với tinh thần của pháp luật thì cần phải xem xét lại”.

Trong một diễn biến có quan hôm 4/3, trao đổi với giới truyền thông, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tỏ vẻ hoài nghi về kiến nghị tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: "Kiến nghị này cần được đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về xử phạt an toàn giao thông để xem các hành vi vi phạm đó có đáng bị tịch thu phương tiện hay không?".

Theo ông Sơn, luật pháp hiện hành áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Đề xuất tịch thu phương tiện không thể "dễ dàng thực hiện" vì liên quan quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định. "Tôi cho rằng văn bản này khi trình lên Chính phủ sẽ không được thông qua một cách dễ dàng", ông Sơn nói.

XUÂN QUANG