Tướng tá quân đội Trung Quốc hội họp ở Bắc Kinh hôm 5/3/2015 |
Nói về sự kiện này, chuyên gia người Nga Vassily Kashin đến từ Trung tâm Phân tích công nghệ - chiến lược trụ sở ở Moscow cho biết, Trung Quốc đưa ra quyết định này là dựa trên nhu cầu cần mua sắm thêm các hệ thống vũ khí mới (chủ yếu từ Nga) để thay thế các loại vũ khí quân sự có từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông.
Phát biểu trong một bài báo được mạng Sputnik News của Nga đăng tải, ông Vassily Kashin nói rằng trong những năm 1980 và 1990 chính quyền Trung Quốc chủ yếu tập trung các nguồn lực của mình để thực hiện các dự án cải cách kinh tế.
Lúc đó, Trung Quốc chưa tập trung nhiều cho mua sắm, trang bị quốc phòng như hiện nay bởi khi ấy chính quyền Bắc Kinh ưu tiên phát triển kinh tế theo các chính sách của Đặng Tiểu Bình vốn được đưa ra sau khi hứng chịu thảm họa kinh tế do Cách mạng Văn Hóa tạo nên.
Theo Vassily Kashin, tình cảnh của Trung Quốc khi ấy tương đối giống với hoàng cảnh của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Điều này khiến quân đội Trung Quốc nhận được rất ít từ nguồn ngân sách giành cho các lực lượng vũ trang để thay thế các loại vũ khí từ thập niên 50 - 60.
Trong những năm thập niên 80, một số loại vũ khí như xe tăng Type 88, xe bọc thép chở quân Type 89, pháo chống tăng 120 mm Type 89 và pháo tự hành 152 mm Type 83 đã được sản xuất nhưng với số lượng rất ít do không có ngân sách bổ sung.
Mặc dù chúng được cho là hiện đại hơn những vũ khí của thế hệ trước nhưng không thể đủ để thay thế toàn bộ trang bị được biên chế từ thời Mao Trạch Đông (Mao Trạch Đông qua đời năm 1976).
Vassily Kashin nhận định rằng tình hình hiện nay đã khác, Trung Quốc chuyển mình thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc muốn sở hữu một đội quân đông đảo, hùng mạnh để tương xứng với điều Bắc Kinh mong muốn đó là siêu cường thế giới.
Vị chuyên gia người Nga cho rằng việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng và tiếp tục tăng là điều có thể thấy từ trước. Vassily cho rằng Trung Quốc vào một ngày nào đó sẽ trở thành một đội quân mạnh nhất thế giới.
Ngoài ra, theo chuyên gia Nga, ngân sách quốc phòng sẽ được Trung Quốc dùng để đầu tư cho cả lĩnh vực hậu cần, cho trả lương, chính sách cho quân nhân.
Báo cáo được đăng tải trên mạng Sputnik News chỉ nói về một số nhận định của chuyên gia Nga về việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên 2 con số, tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không chỉ tăng đầu tư cho quốc phòng để xây dựng một quân đội xứng tầm năng lực kinh tế mà Bắc Kinh còn coi đó là công cụ quan trọng nhất để thực hiện các tham vọng địa chính trị của mình, trong đó, có mưu đồ chiếm trọn toàn bộ diện tích Biển Đông - nơi được xem là không gian sinh tồn, bao hàm lợi ích của nhiều dân tộc, quốc gia và vùng lãnh thổ cả ở trong và ngoài khu vực.