Hôm nay (10/3), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng.
Sau khi tính toán, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như sau: Tăng mức thuế BVMT đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, tăng 2.000 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, dầu các loại và mỡ nhờn sẽ tăng lên tương ứng, cụ thể:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất có 6 mặt hàng tăng thuế bảo vệ môi trường. |
Xoay quanh nội dung này đã có nhiều câu hỏi được đặt ra. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Tăng đột ngột có tạo ra tâm lý không? Tăng giá xăng 1.000-2.000 đồng đã có ý kiến rồi, lần này tăng 3.000 đồng thuế thì sao, nếu tăng 1.000 đồng/lít, cũng chỉ tăng được khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng cho ngân sách, nhưng chúng tôi muốn phải báo cáo việc này ra Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu gấp 3 lần, vậy làm sao đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu trong nước không cao hơn thế giới, nhất là khi giá dầu thế giới tăng. Đồng thời, cần làm rõ việc điều chỉnh này sẽ tác động tới thị trường ra sao và cần phải báo cáo ra Quốc hội về việc điều chỉnh này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cho hay: "Nếu tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường lên 3.000/lít từ 1/4/2015, ngân sách nhà nước tăng được thêm 11 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi tính là xăng dầu sẽ không tăng, và ta đang thấp hơn các nước, tăng thuế nhưng vẫn đảm bảo lợi ích người tiêu dùng".
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì băn khoăn rằng, lý lẽ tăng biểu thuế bảo vệ môi trường chủ yếu để bù hụt thu, do giảm thuế xuất nhập khẩu, nên phải bù đắp, vì vậy chưa thuyết phục. Bởi triết lý, đạo lý của thuế bảo vệ môi trường là do tác động xấu của hàng hóa đó, phải thu để giảm thiểu, khắc phục ảnh hưởng xấu của hàng hóa đó tới môi trường. Ví dụ 1 lít bia, 1 lít dầu ảnh hưởng tới môi trường ra sao, thu bao nhiêu đã được tính toán và đã thu. Nay ta lại nâng đột ngột lên 3 lần là vì sao? Biết là xăng dầu giảm, tiêu dùng tăng thì số thu cũng tăng lên tương ứng. Vậy mà Chính phủ đề nghị tăng 300% có nên không phải cân nhắc, lý giải cho thỏa đáng.
Theo tờ trình của Chính phủ, để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay (đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trước bối cảnh giá dầu trên thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định khi thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế; đồng thời để khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học) thì việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải pháp cần thiết, có tính ổn định.
Về việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, theo tính toán trên cơ sở giá dầu thô WTI là 70-75USD/thùng; toàn bộ lượng xăng dầu nhập khẩu dự kiến năm 2015, 2016, 2017 là 7,1 triệu tấn/năm (trong đó: nhập khẩu từ các nước ASEAN là 3,4 triệu tấn/năm, từ Trung Quốc là 0,73 triệu tấn/năm, từ Hàn Quốc là 0,47 triệu tấn/năm) thì tổng mức giảm thu NSNN bình quân mỗi năm giai đoạn 2015-2017 khoảng 28.253 tỷ đồng/năm (trong đó: thuế nhập khẩu khoảng 25.162 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 525 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng khoảng 2.566 tỷ đồng).
Sau phần thảo luận, 100% các đại biểu đã biểu quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với 6/7 mặt hàng xăng dầu như tờ trình của Chính phủ, và thống nhất không tăng biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu hỏa (vẫn giữ nguyên như trước đây là 300 đồng/lít).
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Hiện nay môi trường đang rất cần bảo vệ, để làm cho môi trường sạch hơn, ví dụ như môi trường của các làng nghề đang ô nhiễm rất nhiều nên cần phải đầu tư làm cho môi trường sạch hơn... Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương đề bù cho giảm thuế nhập khẩu”.