Ngoại trưởng Anh dọa công khai tài sản của Putin và các phụ tá thân cận

11/03/2015 09:23
Nguyễn Hường
(GDVN) - Anh có thể công bố tài sản bí mật của giới cầm quyền Nga như một phần của cuộc chiến tuyên truyền chống lại nhà lãnh đạo Vladimir Putin.

Telegraph dẫn lời Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm 10/3 cho biết, ông rất quan tâm tới ý tưởng công khai tài sản của các quan chức thân cận với Tổng thống Putin để làm mất uy tín của họ trước người dân như một cách gây áp lực với chính quyền Moscow trong vấn đề Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond.

Ngoại trưởng Anh còn cảnh báo rằng việc Tổng thống Putin đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang cũng như các hành động "gây bất ổn cho Đông Âu" đã đặt ra một mối đe dọa duy nhất đối với an ninh quốc gia của ông.

Hammond nói rằng nước Anh bây giờ phải "chấp nhận" rằng những nỗ lực để cung cấp cho Nga một "vị trí xứng đáng" với mình trong trật tự hậu chiến tranh lạnh đã bị Moscow "từ chối".

Ông cũng lặp lại cảnh báo của Thủ tướng David Cameron ,cánh cửa cho Nga để bình thường hóa quan hệ đã kết thúc bằng các cuộc tấn công vào Ukraine.

EU đã áp dụng đóng băng tài sản và cấm visa đối với 151 người Nga và Ukraina, 37 công ty được coi là đồng lõa trong việc sáp nhập Crimea và "xâm lược" miền Đông Ukraine.

Tổng thống Putin nhiều lần công khai tai sản của mình rằng ông chỉ có thu nhập 96.000 bảng Anh tiền lương, một căn hộ và ba chiếc xe. Nhưng phương Tây tin rằng thực tế nó chắc chắn phải lên tới hàng tỷ USD được gửi trong các tài khoản ngân hàng ở London và New York.

Phương Tây cũng cho rằng nhiều quan chức thân cận của ông Putin cũng đã làm đầy túi của mình bằng hàng chục tỷ USD trong quá trình tư nhân hóa trong những năm 1990.

Vladimir Yakunin

CEO Công ty Đường sắt Nga Vladimir Yakunin (phải) nói chuyện với Chủ tịch Vnesheconombank Vladimir Dmitriev tại diễn đàn kinh tế tại St Petersburg, Nga năm 2013.
CEO Công ty Đường sắt Nga Vladimir Yakunin (phải) nói chuyện với Chủ tịch Vnesheconombank Vladimir Dmitriev tại diễn đàn kinh tế tại St Petersburg, Nga năm 2013.

CEO Công ty Đường sắt Vladimir Yakunin trở thành một trong những quan chức thân cận nhất của ông Putin từ những năm 1990. Yakunin thường tháp tùng Tổng thống Nga trong những chuyến công du nước ngoài và được giao trách nhiệm phụ trách các công trình xây dựng lớn của đất nước như Thế vận hội mùa đông Sochi.

Ông Yakunin đã bị cấm tới Mỹ theo lệnh trừng phạt. Theo các tuyên bố không chính thức, lương của ông là 15 triệu USD/năm.

Gennady Timchenko

Gennady Timchenko.
Gennady Timchenko.

Người sáng lập của Gunvor, nhà kinh doanh dầu tại Thụy Sĩ, đã bán cổ phần của mình ngay trước khi được liệt vào danh sách cấm vận của Mỹ hồi năm ngoái. Theo Forbes, Timchenko sở hữu khối tài sản lên tới 14,5 tỷ USD theo Forbes.

Yuri Kovalchuk

Yuri Kovalchuk.
Yuri Kovalchuk.

Ông được xem là một trong những "thủ quỹ" của Tổng thống Putin với vai trò là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Rossiya bị Mỹ gọi là "ngân hàng riêng cho các quan chức cấp cao" của Nga.

Yuri Kovalchuk là một thành viên của Ozero Dacha, một nhóm sở hữu nhà ven hồ gần nhà ông Putin. Tài sản của ông ước tính là 1,4 tỷ USD. Ông cũng nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ và EU.

Arkady và Boris Rotenberg

Tổng thống Putin và Arkady Rotenberg (giữa).
Tổng thống Putin và Arkady Rotenberg (giữa).

Arkady có thể sẽ trở thành mục tiêu trừng phạt sắp tới của EU. Anh em nhà Rotenberg kinh doanh đường ống, xây dựng đường, ngân hàng và là Chủ tịch của câu lạc bộ khúc côn cầu và bóng đá Dinamo Moscow. Họ đã nhận được hàng tỷ đô la hợp đồng xây dựng khu liên hợp thể thao phục vụ thế vận hội Sochi. Tài sản cá nhân của họ ước tính là 2,5 tỷ USD.

Igor Sechin

Igor Sechin và Tổng thống Putin.
Igor Sechin và Tổng thống Putin.

Igor Sechin là Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft và là cựu Phó Thủ tướng. Tiền lương chính thức của ông năm ngoái là 50 triệu USD. Ông là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong chính quyền Putin./.

Nguyễn Hường