Trắng tay ở London và không có tiền mua vé về Úc, nhà vô địch ném lao người Reg Spiers đã quyết định liều mình chui vào chiếc thùng gỗ đi lậu từ Anh về Adelaide để dự sinh nhật con gái và gặp lại vợ mình.
Reg Spiers trong những năm 1980. |
Câu chuyện có thật này xảy ra vào năm 1964. Do không đủ kiên nhẫn để kiếm việc làm và tiết kiệm tiền mua vé máy bay trở về Úc, Spiers đã nhờ người bạn thân ở London kiếm một chiếc hộp gỗ để ông trốn vào trong đó rồi gửi qua đường hàng không về quê nhà.
Tiếp đó là một cuộc hành trình kéo dài 63 giờ như một cơn ác mộng đi qua ba châu lục. Nhưng Spiers đã sống sót và tiếp tục sống một cuộc đời khác thường. Ông đã đi du lịch khắp thế giới với người yêu của mình, dùng tên giả và buôn lậu ma túy cho một tổ chức tội phạm quốc tế khét tiếng.
Cuộc đời đầy biến cố của Spiers đã được ghi lại trong cuốn sách mang tựa đề "Out Of The Box: The Highs And Lows Of A Champion Smuggler" do vợ và con trai người bạn thân ở Anh John McSorley, Julie và Marcus McSorley, viết lại.
John McSorley, người giúp Spiers lên chiếc hộp gỗ rời Anh về Úc. |
Theo cuốn sách, chiếc hộp đưa Spiers trở về Úc có kích thước 152cmx91cmx76cm. Nó được dãn nhãn hàng hóa chất được gửi từ một công ty hóa chất giả ở Anh tới một công ty giầy da không có thật ở Úc. Người nhận hàng là "ông Graham".
McSorley chế thêm vào chiếc hộp một chiếc đệm và bộ dây đai để giữ cho bạn mình không bị va đập trong quá trình vận chuyển. Hộp gỗ có thể mở ở hai đầu cho phép Spiers có thể đi lại bên trong máy bay. McSorley từng làm việc trong bộ phận dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở sân bay nên biết khá rõ cách thức vận chuyển hàng hóa không cần khai với hải quan và các quan chức khác.
Spiers cũng cực kỳ may mắn bởi vào những năm 1960, khoang chứa hàng của nhiều máy bay thương mại không bị áp lực không khí và nhiệt độ. Điều này có nghĩa là khi trốn trong đó, Spiers vẫn có không khí để thở bình thường và không bị chết cóng khi máy bay di chuyển ở độ cao.
Chiếc thùng gỗ giúp Spiers ẩn náu trên máy bay. |
Spiers cũng phải nhịn ăn trong một tuần để làm chậm các hoạt động chức năng của cơ thể chuẩn bị cho hành trình của mình. Khi bước vào chiếc hộp, Spiers chỉ mang theo một túi nhỏ các đồ dùng cần thiết như hộ chiếu, một chai nước ép trái cây, hai hộp spaghetti, một gói bánh quy, một thanh sô cô la và một hộp kẹo hoa quả.
Sau 24 giờ chuyến bay bị hoãn ở London vì sương mù, ông được lên chuyến bay đến Paris (Pháp) và từ đó đến Ấn Độ. Spiers đến Bombay sau 37 giờ bắt đầu hành trình. Mọi hộp và lọ Spiers mang theo đã đầy phân và nước tiểu.
Tuy nhiên, chiếc thùng chứa Spiers bị phơi nắng ở sân bay trong nhiều giờ khi các nhân viên sân bay Ấn Độ đi ăn trưa và bận làm các công việc khác. Tình trạng này khiến chiếc thùng gỗ chứa Spiers giống như một phòng tắm hơi khiến anh rơi vào tình trạng mất nước.
Khi Spiers định bỏ cuộc chui ra ngoài thì may mắn chiếc xe nâng xuất hiện và đưa anh lên máy bay tới Úc. Mặc dù chuyến bay từ Bombay đến Perth đã dừng ở Singapore để tiếp nhiên liệu, nhưng cuối cùng nó cũng tới đích. Spiers đã sống sót kỳ diệu trong hành trình dài 63 giờ qua 21.000 km.
Tại sân bay ở Perth, Spiers thoát ra khỏi chiếc hộp, trà trộn vào đám hành khách ra ngoài. Từ Perth, ông đi nhờ xe đến Nullarbor, nơi một linh mục giúp anh lên tàu đến Adelaide.
Vụ việc được tiết lộ khi người bạn ở Anh hoảng loạn vì không nhận được tin tức của Spiers sau nhiều ngày. |
Sẽ không ai biết tới hành trình đầy mạo hiểm này nếu như Spiers quên thông báo cho người bạn ở Anh về việc ông đã trở về nhà an toàn. Hoảng sợ sau nhiều ngày không nhận được tin tức của bạn, McSorley đã nhờ một tờ báo ở Anh giúp đỡ tìm kiếm bạn mình. Câu chuyện sau đó được lan ra toàn thế giới.
McSorley, con trai của Marcus McSorley và là đồng tác giả của cuốn sách, cho biết hành trình phi thường trên chỉ là khởi đầu "của cuộc sống đầy giật gân của Spiers".
Sau sự cố, Spiers còn tham gia buôn lậu ma túy, sử dụng tên giả để chạy trốn khắp ba châu lục cùng với bạn gái và bị kết án tử hình ở Sri Lanka với quốc tịch Pháp. .
Spiers hiện đã 73 tuổi và sống rất khỏe mạnh tại Úc. |
Mặc dù bị kết án tử hình, nhưng Spiers lại thoát chết nhờ thỏa thuận dẫn độ của chính phủ Úc vào năm 1987. Về nước, Spiers phải ngồi tù hơn 3 năm vì những tội danh năm 1981.
Annie đến thăm ông ở Adelaide sau khi được thả tự do, nhưng sau gần chín năm không gặp, cả hai đều không còn muốn khơi lại chuyện cũ giữa họ. Ông cũng chia tay người vợ cũ sau khi cả hai có một cô con gái chung.
Năm 2012, Spiers tiếp tục hầu tòa với tội danh trồng và buôn bán, sở hữu cần sa, vũ khí bất hợp pháp. Nhưng sau đó các cáo buộc đã được gỡ bỏ do không có bằng chứng.
Spiers hiện 73 tuổi và sống khỏe mạnh ở Adelaide với người bạn gái mới. Ông vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết với gia đình McSorley./.