Tờ Lenta của Nga hôm 11/3 dẫn lời Andrei Lankov, Giáo sư Đại học Tổng hợp Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc), cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên rõ ràng đang rơi vào khủng hoảng.
Bằng chứng của nhận định điều này theo Giáo sư Lankov được thể hiện thông qua việc Trung Quốc thẳng thắn lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên, việc hai nhà lãnh đạo mới của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng phá vỡ tiền lệ không thăm viếng nhau trước khi thăm viếng các đối tác khác, kim ngạch thương mại song phương giảm, Bắc Kinh đóng băng các dự án đầu tư tại Triều Tiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai chỉ trích Bình Nhưỡng.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (trái) bên cạnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng. |
Các dấu hiệu khủng hoảng trong quan hệ Trung Quốc, Triều Tiên xuất hiện từ mùa hè và mùa thu năm 2012 và tình hình diễn biến xấu đi kể từ đó.
Theo Giáo sư Lankov, nguyên nhân của tình trạng này là các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ đầu đã tỏ ra không hài lòng với các dự án hạt nhân của Triều Tiên vì nó có thể thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân và gây căng thẳng trên biên giới Trung Quốc. Một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ thu hút sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Á, điều mà Bắc Kinh cực kỳ không muốn xảy ra.
Hơn nữa, đa số người Trung Quốc không có cảm tình với mô hình của chính phủ Triều Tiên, mà họ cho là có vẻ cổ xưa và không thích hợp. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ lãnh đạo mới của Bắc Kinh, gồm Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lý do thứ ba xuất phát từ chính phía Triều Tiên. Trong nhiều thập kỷ Bình Nhưỡng đã tìm cách để không phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào Trung Quốc và đảm bảo phải có sự cạnh tranh giữa các nhà tài trợ của mình. Điều này khiến các nhà ngoại giao Triều Tiên luôn khuấy động mâu thuẫn giữa họ.
Ngoài ra, các quan chức Triều Tiên cũng nhận ra rằng đối với Trung Quốc hiện nay, Hàn Quốc quan trọng hơn so với họ. Kinh ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và Seoul cao gấp 40 lần so với Triều Tiên. Hơn nữa, Bình Nhưỡng tin rằng theo thời gian, Hàn Quốc có thể rút khỏi ảnh hưởng của Mỹ để trở thành đối tác quan trọng của Trung Quốc và có thể cùng Bắc Kinh chống lại Triều Tiên.
Để tránh các rủi ro trên, Triều Tiên đang tích cực tìm kiếm một quốc gia mới sẵn sàng trở thành đối tác cũng như nhà tài trợ của họ, thay thế hoặc hạn chế vai trò này của Bắc Kinh. Bình Nhưỡng đang hy vọng người đó có thể là Nga hoặc thậm chí là cả Nhật Bản.
Tuy nhiên, Giáo sư Lenkov cho rằng hy vọng này khá hão huyền.