"Nói 3 nước ASEAN "xây trộm" trên đất Trung Quốc là trâng tráo"

13/03/2015 14:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh vẫn tiếp tục chống phá đến cùng bất kỳ thỏa hiệp ngoại giao nào mà ASEAN làm trung gian bằng cách ngăn chặn các cuộc thảo luận về COC.
Heydarian coi tuyên bố của Vương Nghị về việc các bên yêu sách khác ở Biển Đông "xây dựng trái phép trên đất Trung Quốc" là trâng tráo.
Heydarian coi tuyên bố của Vương Nghị về việc các bên yêu sách khác ở Biển Đông "xây dựng trái phép trên đất  Trung Quốc" là trâng tráo.

Richard Javad Heydarian, một học giả Philippines về các vấn đề địa chính trị châu Á ngày 13/3 bình luận trên The Diplomat, Manila và Bắc Kinh còn một chặng đường dài phải đi trước khi có thể cải thiện mối quan hệ khó khăn giữa hai nước.

Gần 2 năm lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp gỡ Tổng thống Aquino một cách chính thức. Trong khi đó Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc nhiều lần đấu khẩu với người đồng cấp Philippines, Albert del Rosario tại các diễn đàn khác nhau, và Vương Nghị cũng chưa từng thăm chính thức Philippines.

Sự thiếu hụt những kênh đối thoại cấp cao giữa 2 nước phản ánh chiều sâu của sự thù hận song phương, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 đã đặt 2 nước trên bờ vực của một cuộc đối đầu vũ trang.

Một chút hy vọng ấm lên của quan hệ hai nước đã được nhen nhóm khi ông Tập Cận Bình và Aquino gặp nhau bên lề APEC tại Bắc Kinh cuối năm 2014. Được cho là cuộc họp phá băng, nhưng 2 nước láng giềng sẽ phải đối mặt với 1 trận chiến khó khăn trong việc sửa chữa, cải thiện quan hệ.

Bắc Kinh dường như "đóng băng" quan điểm của họ ở Biển Đông bằng cách đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), trong khi nỗ lực trì hoãn né tránh đàm phán bộ Quy tắc ứng xử (COC) và "quật lại" các bên yêu sách khác khi họ củng cố lực lượng ở vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.

"Nói 3 nước ASEAN "xây trộm" trên đất Trung Quốc là trâng tráo" ảnh 2

Đảng đối lập Đài Loan: Nếu thắng cử sẽ từ bỏ yêu sách lưỡi bò ở Biển Đông

(GDVN) - Ông Phương tuyên truyền, phe đối lập "sợ một thất bại quân sự" ở Biển Đông, trong khi Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 7/3 tuyên bố Bắc Kinh sẽ ...

Cuộc gặp Tập Cận Bình - Aquino thậm chí chỉ mang tính hình thức, không có thỏa thuận nào về chương trình nghị sự, không cam kết hay ký kết bất kỳ nội dung nào, ví dụ như bình thường hóa quan hệ song phương.

Theo Heydarian, điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc họp giữa Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Việt Nam, Nhật Bản bên lề APEC. Cả Việt Nam và Nhật Bản đã quản lý được các kênh đàm phán song phương với  Trung Quốc, thảo luận những khác biệt và mở rộng cơ chế quản lý khủng hoảng, tránh để xung đột leo thang một cách bất ngờ, không mong muốn trên biển.

Trong khi đó Manila vẫn chưa thể đàm phán được 1 đường dây nóng nào với Bắc Kinh. Trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tăng tình hữu nghị trong các cuộc họp Tập Cận Bình - Aquino.

Việc Philippines đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC 2015, cả Tập Cận Bình và Vương Nghị sẽ lần đầu tiên đặt chân đến Manila. Hai bên cuối cùng đã có thể khám phá một lộ trình mới ngăn chặn leo thang tranh chấp trên biển, khôi phục lại trật tự và sự tin tưởng trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên quan hệ giữa 2 nước lại bị thách thức một lần nữa khi Trung Quốc chính thức tẩy chay phiên tòa xét xử vụ kiện đường lưỡi bò ở The Hague trong tuần cuối cùng của năm 2014. Bắc Kinh đã chỉ trích Manila trong khi Philippines tiếp tục đệ trình lập luận pháp lý bổ sung của mình cho vụ kiện vào cuối tháng 12.

Đầu năm nay những căng thẳng trên bãi cạn Scarborough đã tái diễn khi lực lượng bán vũ trang Trung Quốc phong tỏa khu vực này đâm 3 tàu cá Philippines. Quan hệ hai nước tiếp tục bị một cú sốc lớn khi các quan chức Philippines gần đây đã quyết định đuổi 18 chuyên gia Trung Quốc khỏi Tổng công ty Điện lực quốc gia Philippines (NGCP).

18 người này làm việc thay mặt cho Công ty Cổ phần điện lực Trung Quốc hiện nắm giữ 40% cổ phần của NGCP. Các quan chức Philippines đã bóng gió ám chỉ rằng, quyết định được định hình bởi mối quan tâm đến an ninh quốc gia.

Manila cảm thấy đặc biệt cần báo động bởi các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa, ví dụ đá Chữ Thập đã biến thành đảo nhân tạo với kích thước lớn gấp 11 lần ban đầu với 200 lính Trung Quốc đang đồn trú bất hợp pháp ở đây.

Vấn đề Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông chỉ còn là thời gian. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chống phá đến cùng bất kỳ thỏa hiệp ngoại giao nào mà ASEAN làm trung gian bằng cách ngăn chặn các cuộc thảo luận về COC.

Trung Quốc đã ngăn cản đưa vấn đề COC vào nội dung nghị sự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng khu vực ASEAN họp cuối năm nay ở Kual Lumpur. Trong một cuộc họp báo gần đây, Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc còn "chọc tức" các nước ASEAN bằng tuyên bố "trâng tráo": Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines đã xây dựng trái phép trên đất của người khác!?

Hy vọng ASEAN có đủ quyết tâm và nguồn lực ngoại giao để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán là quá xa vời, trong khi Manila và Bắc Kinh còn một chặng đường dài trước khi cải thiện mối quan hệ song phương là một thực tế.

Hồng Thủy