Mỹ: Sự hiện diện của quân đội Nga ở Bắc Cực khá ấn tượng và đáng lo ngại

14/03/2015 07:58
Nguyễn Hường
(GDVN) - Băng tan chảy sẽ tạo ra nhiều tuyến đường thủy trong khu vực có thể trở thành những tuyến đường vận tải thương mại, quân sự chiến lược và du lịch mạo hiểm.

Một số nhà lập pháp Mỹ đang cảnh báo các lãnh đạo quân sự nước này về tốc độ và phạm vi mở rộng quân sự tại Bắc Cực của Nga, bao gồm cả việc bổ sung các lữ đoàn mới, tàu đến khu vực và xây dựng sân bay mới.

Quân đội Nga huấn luyện chiến đấu tại Bắc Cực trên đảo Kotelny, trong quần đảo New Siberian.
Quân đội Nga huấn luyện chiến đấu tại Bắc Cực trên đảo Kotelny, trong quần đảo New Siberian.

Các hoạt động trên của Nga khiến Mỹ càng khó thành công hơn trong việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như kiểm soát các tuyến đường biển mới.

"Khi nhìn vào những gì người Nga đang làm ở Bắc Cực, nó thực sự khá ấn tượng, nhưng đáng lo ngại", Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết trong cuộc thảo luận gần đây với Ủy ban Quân sự Thượng viện.

Theo ông, Nga đang xây dựng 13 sân bay mới tại Bắc Cực và tiến hành tuần tra tầm xa ngoài khơi bờ biển Alaska. Và Mỹ đã thiếu khôn ngoan khi lại xem xét loại bỏ một hoặc hai lữ đoàn tại Alaska.

Các chuyên gia cho rằng tốc độ tan chảy của băng và sự tăng nhiệt độ của Trái Đất sẽ tạo ra nhiều tuyến đường thủy trong khu vực có thể trở thành những tuyến đường vận tải thương mại, quân sự chiến lược và du lịch mạo hiểm.

Tàu Mỹ hoạt động tại Bắc Cực.
Tàu Mỹ hoạt động tại Bắc Cực.

Do đó, người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ, Jonathan Greenert, cũng cho rằng Washington cần chuẩn bị cho hoạt động của mình ở Bắc Cực vì một khi các tuyến đường biển mới được mở ra, nó sẽ gây ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu các công nghệ cho phép thủy thủ, vũ khí hoạt động tốt hơn ở môi trường khắc nghiệt là Bắc Cực. Hải quân Mỹ cũng đang gia tăng tập trận chung với Canada và các nước Bắc Âu để chuẩn bị mở rộng hoạt động ở Bắc Cực.

Mặc dù đã chuẩn bị các biện pháp này, nhưng một số nhà lập pháp Mỹ vẫn không tin rằng Washington có thể đối trọng với Nga trong Bắc Cực. Thượng nghị sĩ Angus King bày tỏ lo ngại rằng đội tàu phá băng của Mỹ quá nhỏ so với của Nga.

Nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Các nhà khoa học dự báo ở Bắc Cực có thể xảy ra mùa hè không còn băng đá trong năm 2030. Do đó, nhiều quốc gia đang tìm kiếm lợi ích ở Bắc Cực đều đang đẩy nhanh sự hiện diện của mình tại khu vực này trước năm 2030./.

Nguyễn Hường