Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc nghiên cứu ngành nông nghiệp TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Đất - Phân bón&Môi trường phía Nam thẳng thắn nhận định như vậy khi nói về ngành mía đường trong nước.
Lợi ích nhóm
Trong bài viết với nhan đề “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam” đăng trên website chính thức của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã chỉ ra những yếu kém của doanh nghiệp mía đường trong nước. Qua đó, việc người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành.
Sức sản xuất kém và đôi khi lợi ích nhóm còn lớn hơn lợi ích quốc gia đã kìm hám sựa phát triển của ngành mía đường ( ảnh minh họa) |
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai (đang đầu tư và sản xuất đường hiệu quả tại Lào) tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả.
Ngay sau bài viết của Thứ trưởng Tú, Hiệp hội Mía đường “phản pháo” cho rằng quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chỉ là những lập luận rút ra từ “thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng tính chính xác”.
Trong khi đó, với tư cách một nhà khoa học với hơn 30 năm nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương về ngành mía đường là khá chính xác.
“Có thể nói thêm rằng, một đất nước có điều kiện tự nhiên, tính chất thổ nhưỡng hoàn toàn phù hợp với những nhóm cây trồng nhiệt đới và những thành tích khá nổi bật về xuất khẩu nông sản trên thương trường thế giới, thế nhưng Việt Nam lại chính là một quốc gia sản xuất mía đường thua kém xa các nước láng giềng và các quốc gia trong vùng Nhiệt đới trồng mía. Như vậy, rõ ràng ngành mía đường Việt Nam hiện nay phát triển không tương xứng với tiềm năng đang có của Việt Nam”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng (Ảnh H.L) |
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, câu hỏi "Làm sao để ngành mía đường phát triển và có được thành tích như những ngành khác trong cùng lĩnh vực nông nghiệp?" cũng là vấn đề mà nhiều năm qua ngành mía đường vẫn chưa tìm được đáp án.
Tự đặt ra câu hỏi và trả lời về việc Việt Nam dù có điều kiện khí hậu tốt, có điều kiện thổ nhưỡng tốt để mía đường phát triển nhưng tại sao doanh nghiệp mía đường cứ trì trệ, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, chính sự liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tốt và hoạt động của Hiệp hội mía đường chưa thực sự hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.
Bên cạnh đó nhà nước chưa có chính sách phù hợp và tối ưu cho ngành mía đường có sức bật để theo kịp các ngành khác. “Sức sản xuất và trình độ trong sản xuất mía đường còn nhiều tồn tại nên năng suất và chất lượng chưa cao khiến cho giá thành của đường Việt Nam khá cao. Mặt khác, vì lợi ích nhóm đôi khi còn lớn hơn lợi ích quốc gia nên cũng góp phần kìm hãm sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói.
Ngành mía đường nên tái cơ cấu
Nghịch lý mía đường hiện nay giá đường trong nước luôn cao hơn giá đường các nước trong khi vực và lẽ ra nông dân trồng mía đường là người được hưởng lợi. Tuy nhiên trái ngược điều này, người trồng mía luôn chịu cảnh "mía đắng", từ đây TS Nghĩa đặt ra vấn đề trong công nghệ sản xuất mía đường tại doanh nghiệp cũng như vấn đề quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong nguyên nhân khiến doanh mía đường gặp khó khăn do quy trình kỹ thuật canh tác mía cũng còn hạn chế nên năng suất và chất lượng mía chưa cao. “Năng suất mía trung bình của nước ta vẫn còn thấp so với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Trung Quốc... (năng suất < 70 tấn/ha). Bộ máy quản lý thì cồng kềnh, thu mua còn nhiều bất hợp lý”, TS Nghĩa nhận xét.
Trái ngược thuận lợi doanh nghiệp mía đường trong nước có điều kiện về đất đai, điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, khi đầu tiến hành vay vốn đầu tư tại Lào, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phải tự tay khai hoang, cải tạo đất, xây dựng điện, đường để phục vụ người dân bản địa và sản xuất kinh doanh… Tóm lại chi phí sản xuất của doanh nghiệp rất lớn. Vậy tại sao giá đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất lại thấp?
Ở góc độ người làm nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng: Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất đường giá thấp nếu có giải pháp hợp lý như qui hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn giống mía năng suất cao và phù hợp; áp dụng công nghệ cao, ứng dụng qui trình canh tác hợp lý, quản lý, chỉ đạo sản xuất hiệu quả.
Ngành mía đường đang gặp khó khăn, muốn được nhà nước bảo hộ để có thể cạnh tranh được khi hội nhập, song đứng góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng trong xu thế hội nhập nhà nước chỉ có thể dùng biện pháp kỹ thuật.
“Đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú về thực trạng ngành mía đường hiện nay hoàn toàn đúng. Trong xu thế hội nhập hiện nay, về nguyên tắc không thể cấm nhập khẩu đường, nhất là trong khối ASEAN. Để hạn chế, chúng ta chỉ có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật, tuy nhiên nếu mía đường các nước vượt qua được hàng rào kỹ thuật đó thì chúng ta phải cho nhập”, TS Phong cho hay.
Mặt khác ngành mía đường muốn được nhà nước bảo hộ, theo TS Nguyễn Minh Phong bản thân doanh nghiệp mía đường trong nước phải chứng minh được những chi phí sản xuất của doanh nghiệp hợp lý. Ngành mía đường trong nước phải chỉ ra nguyên nhân việc giá đường trong nước dù cao nhưng người được hưởng lợi lại không phải nông dân trồng mía.
“Còn nếu doanh nghiệp mía đường cứ kêu lỗ trong khi mua mía của dân giá rẻ, bán đường đắt, thu lãi lớn, sau đó lại đòi được nhà nước bảo hộ và lấy người dân trồng mía ra để làm lý do được bảo hộ là không đúng”, TS Phong cho biết.
Do vậy với thực tế hiện nay, TS Phong cho rằng doanh nghiệp mía đường cần phải năng động hơn. “Doanh nghiệp mía đường phải đưa phương án sản xuất cụ thể làm sao có lãi, thậm chí phải tiến hành tái cấu trúc hoặc tập chung vào mặt hàng cụ thể. Câu chuyện bảo hộ hay không bảo hộ ngành mía đường cũng giống như trước đây với gạo tuy nhiên việc hội nhập không thể cấm được và doanh nghiệp phải thích nghi, phải cạnh tranh”, TS Phong kết luận.
Trước ý kiến cho rằng: Nhà máy mía đường của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư ở Lào có nhiều thuận lợi, từ việc vay vốn cũng như ưu thế về nguyên liệu, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho rằng : "Phải thấy đầu tư bên Lào khó khăn hơn rất nhiều. Nếu các vị nói chúng tôi được vay vốn ưu đãi là không đúng. Không có ai được ưu đãi về vốn, không có chính quyền nào ưu đãi việc này. Ngành nông nghiệp đầu tư bên Lào cũng không có ưu đãi nào... Chúng tôi khai hoang những cánh rừng, lập nghiệp từ đầu chứ không phải có nền sẵn như ở Việt Nam nên rất khó khăn. Nói trắng ra Hiệp hội đường Việt Nam có sang Lào thì cũng chào thua chứ không thể làm được".
(Theo Đất Việt)