Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. |
South China Morning Post ngày 15/3 đưa tin, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã cảnh báo giới quân sự Myanmar rằng Bắc Kinh sẽ có "biện pháp kiên quyết" nếu nước láng giềng này không thể đảm bảo được an toàn ở khu vực biên giới chung. Cảnh báo được đưa ra sau khi chiến đấu cơ Bắc Kinh tăng tốc tới biên giới, 4 nông dân Trung Quốc đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương bởi bom được cho là thả từ máy bay quân sự Myanmar lạc sang Vân Nam.
Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã nói với Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing rằng, Myanmar nên "kiểm soát nghiêm túc" quân đội nước này và ngăn chặn không để bất kỳ vụ việc nào tương tự như thế tái diễn.
"Nếu không quân đội Trung Quốc sẽ có biện pháp kiên quyết để bảo đảm an toàn của người dân Trung Quốc và tài sản của họ", Tân Hoa Xã dẫn lời Phạm Trường Long tuyên bố. Ông Long cho rằng Myanmar nên hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc, khởi động một cuộc điều tra kỹ lưỡng cũng như bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Tuyên bố bằng ngôn từ mạnh mẽ của Phạm Trường Long xuất hiện sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về quả bom lạc từ máy bay quân sự Myanmar rơi xuống Vân Nam chiều Thứ Sáu, vào một nông trường mía đường ở thành phố Lâm Thương. Tuy nhiên các quan chức Myanmar nói rằng không có quả bom nào được thả từ máy bay quân sự nước này.
Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ ra biên giới để theo dõi, giám sát, "cảnh báo và xua đuổi" máy bay quân sự Myanmar khi nó đến gần biên giới Trung Quốc, Thẩm Tiến Khoa, người phát ngôn không quân Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã. Bắc Kinh đã triệu Đại sứ Myanmar ngay trong tối Thứ Sáu để phản đối vụ việc, đồng thời còn cử đặc phái viên sang Myanmar.
Trang thepaper.cn dẫn lời một phụ nữ họ Trương sống cách nơi bom rơi 3km nói rằng: "Chúng tôi nghe thấy tiếng một chiếc máy bay quân sự Myanmar đến gần, và sau đó là vụ nổ. Chúng tôi đã đến hiện trường sau nửa giờ và tìm thấy các bộ phận cơ thể nạn nhân nằm rải rác ở đó". Máy bay quân sự Myanmar đã đẩy mạnh hoạt động trong tuần qua, người phụ nữ này nói.
Những cư dân khác sống dọc biên giới cho biết, họ đã đề cao cảnh giác xung đột giữa quân đội và phiến quân Myanmar dẫn đầu bởi Bành Gia Thanh, một chỉ huy người Hán. Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Kokang từ tháng trước. Bất ổn đã khiến hơn 30 ngàn người rời bỏ nhà cửa vượt biên sang Vân Nam lánh nạn.
Zaw Htay, một quan chức từ Phủ Tổng thống Myanmar cho biết: "Các mục tiêu của tất cả các cuộc không kích của chúng tôi đều nằm bên trong lãnh thổ. Có thể những kẻ chiến đấu chống chúng tôi cố tình tạo ra một cuộc tấn công để gây hiểu lầm giữa Trung Quốc và Myanmar". Theo ông, không có bất kỳ quả bom nào rơi xuống Trung Quốc khi mọi thông tin về hoạt động của quân đội Myanmar đã được chuyển cho Bắc Kinh.
Myanmar đã tuyên bố lính đánh thuê Trung Quốc đang tham gia huấn luyện phiến quân, Bắc Kinh vẫn phủ nhận điều này và nói rằng không cung cấp bất cứ hỗ trợ nào cho Bành Gia Thanh. Phạm Hồng Vĩ, một giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á từ đại học Hạ Môn nói rằng Bắc Kinh đang rơi vào thế bí và không có hành động mạnh mẽ chống lại Myanmar.
"Trung Quốc cần có mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng, nó là một phần của kế hoạch đầy tham vọng thúc đẩy liên kết giữa các quốc gia trải dài khắp châu Âu", ông Phạm Hồng Vĩ bình luận.