Học giả Nga: Sáp nhập bán đảo Crimea vượt qua mọi học thuyết chiến lược

16/03/2015 15:37
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Chiến dịch này vượt xa tất cả các hoạt động trước đó cả về học thuyết và chiến lược".

Nhân sự kiện kênh Russia 1 cho phát sóng bộ phim tài liệu giải mã một số chi tiết về quá trình giải cứu cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sáp nhập bán đảo Crimea, tờ TV Zvezda của Nga đã dẫn lời các nhà phân tích mổ xẻ chiến thuật đánh lừa phương Tây của Moscow trong sự kiện này.

Binh sĩ Nga không đeo phù hiệu xuất hiện ở Crimea sau khi chiếm quyền kiểm soát bán đảo này trước cuộc trưng cầu dân ý.
Binh sĩ Nga không đeo phù hiệu xuất hiện ở Crimea sau khi chiếm quyền kiểm soát bán đảo này trước cuộc trưng cầu dân ý.

"Sự sáp nhập Crimea đã trở thành một trong những hoạt động quân sự nổi bật nhất trong lịch sử của quân đội Nga, mà mục đích chính không chỉ lấy quyền kiểm soát lãnh thổ rộng lớn, mà còn thực hiện điều này không đổ một giọt máu nào", chuyên gia quân sự Victor Baranez nói với TV Zvezda. "Chiến dịch này vượt xa tất cả các hoạt động trước đó cả về học thuyết và chiến lược".

Quan điểm này cũng đã nhận được sự đồng tình của cựu Chỉ huy Hạm đội Biển Đen Igor Kasatonov, người cho rằng Nga đã qua mặt NATO một cách ngoạn mục trong vụ sáp nhập Crimea và Sevastopol.

Mỹ tin rằng Nga đã rất khéo léo trong việc vận dụng các chiến thuật quân sự của thế kỷ 21, cựu chỉ huy NATO James Stavridis nhận xét. Theo ông, chìa khóa cho sự thành công ở Crimea là sự khéo léo kết hợp các kỹ thuật của chiến tranh mạng, hỗ trợ thông tin hoạt động, đào tạo tốt lực lượng đặc biệt. Điều này đã giúp Moscow đạt được thế chủ động hơn so với phương Tây. Ông cũng lưu ý rằng các hành động của quân đội Nga đã thay đổi đáng kể kể từ sau chiến dịch Chechnya năm 2000.

Victor Baranez tin rằng sự độc đáo của hoạt động đánh lừa phương Tây và hỗ trợ người dân Crimea tiến hành trưng cầu dân ý đúng thời điểm cũng góp phần giúp Nga giành được bán đảo này mà không mất một giọt máu nào.

Theo ông, Nga đã rất cao tay và tính toán vô cùng chính xác khi điều một lượng quân lớn tới các khu vực khác để đánh lạc hướng tình báo nước ngoài. Vào tháng 3/2014, Nga điều một đội quân lớn tới Bắc Cực, phái số lượng lớn các quan chức quân sự cấp cao tới Urals. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này chỉ là "hư chiêu". Khi tình báo nước ngoài tới nơi, họ không tìm thấy gì.

Người Crimea ăn mừng sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên bang Nga.
Người Crimea ăn mừng sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên bang Nga.

Bên cạnh đó, kế hoạch sáp nhập Crimea được giữ bí mật rất cao. Ngay cả các binh sĩ tham gia chiến dịch cũng không biết họ được điều đi đâu. Khi tới bán đảo đều được yêu cầu tháo phù hiệu để tránh gieo rắc hoang mang.

Stephen Blank, một cựu chuyên gia về các lực lượng vũ trang Nga tại Army War College cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã trở nên phức tạp hơn nhiều về cả tư duy và chiến lược hoạt động. Trong vụ sáp nhập Crimea, Nga đã điều lượng lớn binh lực tới biên giới phía đông với Ukraine và đưa lực lượng đặc biệt tới Crimea nắm quyền kiểm soát bán đảo này rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng thuật ngữ "công bằng" trong sự kiện Crimea là không đúng. Bởi trước sự áp đảo của quân đội Nga, lực lượng Ukraine trên bán đảo đã buộc phải đầu hàng hoặc tuyên thệ trung thành với quân đội Nga.

Các chuyên gia quân sự ghi nhận rằng tính kỷ luật cao của quân đội Nga đóng vai trò quan trọng trong sự kiện Crimea. Điều này giúp quân đội Nga được triển khai rất nhanh chóng và vô cùng bí mật trong chiến dịch.

Ban đầu, phương Tây cho rằng kết quả trưng cầu dân ý tại Crimea  là thành quả từ áp lực mạnh mẽ và các biện pháp tuyên truyền của Nga. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò độc lập được tiến hành gần đây cho thấy, 82% người dân bán đảo ủng hộ sự kiện này, chỉ có 4% phản đối.

Kết quả của cuộc đối đầu chiến thuật về vấn đề Crimea giữa Nga và phương Tây, 8 tướng quân sự cấp cao của Mỹ đã phải từ chức, Victor Baranets dẫn báo cáo về sự thất bại của tình báo Mỹ trong sự kiện Ukraine cho biết. 

Nguyễn Hường