Máy bay chiến đấu Q-5 của Không quân Myanmar |
Gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền rằng Myanmar đã nhiều lần cho máy bay xâm nhập không phận Trung Quốc, đã thả bom và khiến cho một số người dân Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar bị thương vong. Đáp trả, Trung Quốc đã có nhiều tuyên bố cứng rắn, thậm chí đang có nhiều động thái quân sự áp sát biên giới với Myanmar, tạo ra không khí rất căng thẳng.
Trong bối cảnh này, báo chí Trung Quốc đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, có quan điểm thậm chí yêu cầu Trung Quốc phải cho Myanmar nếm "đau khổ". Mặc dù chưa có dấu hiệu xảy ra chiến tranh biên giới, nhưng báo chí Trung Quốc cũng tích cực tung hô cho các quan điểm cứng rắn của giới cầm quyền nước này, đăng các bài viết nói về sức mạnh quân sự của Myanmar như lực lượng không quân.
Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 15 tháng 3 có bài viết cho rằng, Không quân Myanmar (Myanmar Air Force) là lực lượng vũ trang đường không của chính phủ Myanmar. Lực lượng này thành lập vào ngày 16 tháng 1 năm 1947 - đêm trước Myanmar chính thức giành độc lập từ Anh, nền tảng của phi đội là vài chục máy bay kiểu cũ do Không quân hoàng gia Anh chuyển giao cho họ.
Sau khi thành lập, sứ mệnh chủ yếu của Không quân Myanmar là vận tải đường không, nhưng cũng có thể chi viện đường không cho các chiến dịch chống phản loạn của Lục quân Myanmar.
Máy bay chiến đấu chủ yếu của họ là 8 máy bay chiến đấu động cơ phản lực Vampire ban đầu của Anh (nghỉ hưu năm 1978) và hơn 50 máy bay chiến đấu cánh quạt kiểu "Spitfire" nổi tiếng của Anh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Không quân Myanmar có khoảng 12 chiếc máy bay huấn luyện K-8, mua của Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ) |
Sau khi bước vào thập niên 80, tất cả những máy bay chiến đấu cũ này đều đã nghỉ hưu. Không quân Myanmar trở thành một lực lượng đường không tác chiến phi chính quy chỉ có máy bay huấn luyện và máy bay vận tải.
Đương nhiên, chỉ dựa vào máy bay huấn luyện động cơ phản lực Lockheed T-33 Shooting Star do Mỹ chế tạo, SIAI Marchetti SF. 260 Italia và máy bay huấn luyện cánh quạt Pilatus PC-6/7/9 Thụy Sĩ khi đó cũng có thể đảm đương nhiệm vụ tấn công các phần tử vũ trang cát cứ địa phương của họ.
Sau khi chính phủ quân sự lên nắm quyền vào cuối thập niên 1980, họ lại bắt đầu mua máy bay tác chiến với ý nghĩa thực sự cho không quân nước này. Tháng 12 năm 1990, Myanmar đã mua sắm và nhập được lô 10 máy bay J-7IIK đầu tiên do Công ty máy bay Thành Đô, Trung Quốc sản xuất và 2 máy bay JJ-7K do Quý Châu sản xuất.
Sau đó, Myanmar lại nhiều lần mua sắm dòng J-7K vào các năm 1993, 1995, 1998, 1999, cuối cùng bàn giao tổng cộng 58 máy bay J-7IIK và 14 máy bay JJ-7K, tổng cộng là 72 chiếc. Đối với một quốc gia kém phát triển, khép kín và lạc hậu, đây là một con số rất khả quan.
Nền tảng thân máy bay của J-7IIK là J-7IIH, đã chuyển sang sử dụng cánh máy bay của J-7M (sau khi xuất khẩu cho Jordan chuyển sang cho Iraq), nhưng không sử dụng thiết bị nhập khẩu do Anh chế tạo của J-7M.
Không quân Myanmar có khoảng 24 máy bay chiến đấu J-7M và 6 máy bay JJ-7S |
Mạng sina Trung Quốc ngày 14 tháng 3 cũng có bài viết cho hay, Không quân Myanmar đã mua hơn 100 máy bay của Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu dòng J-7, máy bay chiến đấu JJ-6, máy bay huấn luyện cao cấp K-8, máy bay tấn công Q-5, máy bay vận tải Y-8. Ngoài ra, Myanmar cũng đã mua máy bay chiến đấu MiG-29, máy bay huấn luyện G-4 và máy bay trực thăng Mi-17 của các nước khác. Tổng binh lực của Không quân Myanmar khoảng 23.000 binh sĩ, có 10 căn cứ không quân.
Bài báo cho biết, năm 2000 Không quân Myanmar bắt đầu tiếp nhận máy bay chiến đấu dòng J-7 do Trung Quốc chế tạo, hiện nay có khoảng 24 chiếc J-7M và 6 chiếc JJ-7S đang nằm trong biên chế của Không quân Myanmar.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 14 tháng 3 cũng có bài viết đăng các hình ảnh máy bay quân sự của Không quân Myanmar và có nhiều chú thích đáng chú ý. Bài viết cho hay, Không quân Myanmar đã mua tổng cộng 36 máy bay chiến đấu Q-5 của Trung Quốc, hiện có khoảng 20 chiếc đang hoạt động.
Theo bài báo, Không quân Myanmar còn có khoảng 12 máy bay huấn luyện K-8, đã mua 2 máy bay vận tải hạng nhẹ Y-12, 4 máy bay vận tải hạng trung Y-8 của Trung Quốc.
Không quân Myanmar trang bị 2 máy bay vận tải hạng nhẹ Y-12 do Trung Quốc chế tạo (nguồn mạng sina TQ) |
Theo mạng sina Trung Quốc, năm 2001, Không quân Myanmar đã mua 12 máy bay chiến đấu MiG-29 của Belarus, trong đó có 10 chiếc phiên bản tác chiến, 2 chiếc phiên bản huấn luyện. Năm 2009, Myanmar lại đặt mua 20 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga. Ngoài các tổn thất như rơi vỡ trong huấn luyện, hiện nay, Quân đội Myanmar có tổng cộng khoảng 30 chiếc MiG-29.
Theo báo “Hoàn Cầu”, Myanmar đã mua máy bay huấn luyện G-4 Super Galeb của Nam Tư (cũ), có 4 chiếc đang hoạt động; mua máy bay trực thăng vũ trang Mi-35 của Nga, hiện có 19 chiếc đang trong biên chế. Myanmar cũng đã mua 8 máy bay trực thăng PZL W-3, trong đó có 4 chiếc phiên bản vũ trang, 4 chiếc phiên bản vận tải.
Không quân Myanmar còn mua 17 máy bay vận tải dòng Mi-17 dùng để vận chuyển nhanh chóng vật tư và binh sĩ; mua máy bay huấn luyện cánh quạt dòng Pilatus các loại – máy bay này có thể tiến hành nhiệm vụ tấn công đối đất hạn chế, tổng số lượng khoảng 20 chiếc. Ngoài ra, Quân đội Myanmar còn có vài chiếc máy bay công vụ tương đối cao cấp phục vụ đi lại cho các quan chức quan trọng của nhà nước.
Không quân Myanmar trang bị 4 máy bay vận tải Y-8 do Trung Quốc chế tạo |
Không quân Myanmar hiện có khoảng 30 máy bay chiến đấu MiG-29 |
Không quân Myanmar hiện có 4 máy bay huấn luyện G-4 Super Galeb, mua của Nam Tư |
Myanmar hiện có 19 máy bay trực thăng vũ trang Mi-35, mua của Nga |
Myanmar đã mua 8 máy bay trực thăng PZL W-3 |
Myanmar đã mua 17 máy bay trực thăng vận tải Mi-17 |
Myanmar sở hữu khoảng 20 máy bay huấn luyện cánh quạt Pilatus |