Pháo binh Trung Quốc tập kết tại biên giới với Myanmar, hình ảnh được phát sóng công khai nhằm uy hiếp tinh thần Naypiydaw. |
Đa Chiều ngày 17/3 đưa tin, hôm qua chính phủ Myanmar chính thức họp báo về sự kiện bom rơi tại Vân Nam, Trung Quốc làm 13 người thương vong. Myanmar hoàn toàn không thừa nhận quả bom đó do chiến đấu cơ của mình ném ra, chỉ chia buồn với các nạn nhân Trung Quốc và đặt giả thuyết khả năng là bom của lực lượng phiến quân chống chính phủ ở Kokang do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Trước đó nhân vật quyền lực số 2 trong quân đội Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã gọi đường dây nóng cảnh báo Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Trung Quốc sẽ có "biện pháp kiên quyết" nếu Myanmar "lặp lại" các hành động đe dọa chủ quyền lãnh thổ, an ninh và an toàn người dân nước này vùng biên giới. Tuy nhiên việc Myanmar phủ nhận liên hệ với vụ đánh bom cho thấy đe dọa của Bắc Kinh không ăn thua.
Ngay trong ngày 16/3, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối nội dung họp báo của phía Myanmar và khẳng định như đinh đóng cột, bom từ máy bay quân sự Myanmar rơi xuống Lâm Thương, Vân Nam là "sự thật". Đa Chiều cho rằng phát biểu của Hồng Lỗi có thể xem như một lời "cảnh cáo" tiếp theo rằng Naypiydaw chớ có "chối tội".
Trên thực tế Trung Quốc đã không còn đường lui, tờ báo người Hoa hải ngoại bình luận. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Myanmar đến phản đối, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cảnh cáo Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, không quân Trung Quốc cũng đều lên tiếng tuyên bố bom Myanmar lạc sang Trung Quốc làm 13 người thương vong là sự thật. Việc Myanmar "không nhận tội" là đã công khai mâu thuẫn với Trung Quốc.
Lính Myanmar ở Kokang. |
Đa Chiều cho biết, sau khi xảy ra sự cố bom rơi ở Vân Nam, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tiếp tục tuyên bố: "Một tấc đất chủ quyền cũng phải bảo vệ". Tin tức tình báo cho biết Myanmar đã điều thêm quân tăng cường trực chiến ở biên giới với Trung Quốc, sư đoàn 60 đóng ở Laukkai đã được tăng cường hỏa lực phòng không, chuẩn bị sẵn sàng cho một loạt hành động không kích quy mô lớn.
Trong khi đó Trung Quốc đã kéo lực lượng tên lửa áp sát biên giới, không quân nước này đã trưng dụng sân bay dân dụng Lâm Thương làm sân bay quân sự và tập kết binh hỏa lực. Dù Bắc Kinh không muốn hay không định tấn công Myanmar, nhưng khi Phạm Trường Long lên tiếng cảnh cáo còn ngoài thực địa, chiến đấu cơ Trung Quốc đã xuất kích "ngăn chặn và xua đuổi" máy bay quân sự Myanmar, cục diện quan hệ 2 nước đã thay đổi căn bản.
Theo Đa Chiều, quan hệ Trung Quốc - Myanmar đã thay đổi về bản chất, từ chỗ hợp tác hữu nghị theo kiểu Bắc Kinh làm chủ Naypiydaw "đi theo" đến chỗ tranh cãi đối đầu, cái tờ báo của người Hoa hải ngoại gọi là "Myanmar đã nhiếm thói xấu của nước nhỏ, thích thách thức khiêu khích Trung Quốc để kiếm vốn chính trị"?! Tờ báo này tuyên truyền rằng, nỗi sợ của Myanmar đối với Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Tờ báo này tuyên truyền, ngay từ năm 1954 khi Chu Ân Lai thăm Myanmar, Tổng thống nước này khi đó đã nói rằng, dân số Myanmar chỉ bằng một tỉnh Vân Nam của Trung Quốc nên chính phủ Myanmar lúc nào cũng lo lắng về dã tâm bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh. Tháng 12/1954 Tổng thống Myanmar thăm Trung Quốc và được cho là đã nói rằng: "Trung Quốc như voi lớn, Myanmar giống sơn dương. Voi lớn có nổi giận hay không là điều khiến sơn dương thường phải lo lắng"?!
Chiến đấu cơ Trung Quốc tập kết ở Lâm Thương. |
Trong một động thái có liên quan theo phản ánh của BBC News, các báo Trung Quốc ngày hôm qua hầu như đều đăng lời kêu gọi Bắc Kinh "hành động nhiều hơn" để đối phó với Myanmar. Hứa Lập Bình, một nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Trung Quốc cần phải làm rõ rằng hành động của Myanmar xâm phạm biên giới sẽ không được dung thứ, Myanmar không nên đánh mất cơ hội của mình".
Nguyễn Tông Trạch, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc thì kêu gọi một cuộc điều tra ro ràng và kịp thời về vụ đánh bom, các cơ quan chức năng Trung Quốc cần kiểm soát biên giới tốt hơn. Một bài bình luận trên trang Haiwai Net nói rằng khu vực giáp biên của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa nếu căng thẳng sắc tộc tại Myanmar tiếp tục. Tờ báo này giục Bắc Kinh "làm nhiều hơn thay vì chỉ lên án", tích cực tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Myanmar.
Với quan điểm tương tự, Beijing News cho rằng Trung Quốc "chỉ có thể bảo vệ chủ quyền và an toàn cho người dân bằng các biện pháp tương tự". Tuy nhiên theo phản ánh của tờ South China Morning Post ngày 17/3, Bắc Kinh đang có dấu hiệu hạ giọng, xuống nước trong căng thẳng với Myanmar, mặc dù truyền hình quốc gia vẫn phát sóng cảnh tập kết quân sự sát biên giới.
Thời báo Hoàn Cầu đã có bài xã luận rằng, điều tốt nhất đối với Trung Quốc là đảm bảo sự ổn định dọc tuyến biên giới thông qua tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Myanmar. Tân Hoa Xã ngày 16/3 cũng tuyên bố, hòa bình và ổn định ở biên giới Trung Quốc - Myanmar nên được phục hồi.