Ký ức về đứa con nhỏ đã hy sinh
Với mẹ Lê Thị Nguyên (75 tuổi, trú tại xóm Thành Công, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) ký ức về liệt sỹ Trần Văn Minh vẫn là đứa con nhỏ ngày nào. Liệt sỹ Trần Văn Minh là một trong 64 liệt sỹ hy sinh, mất tích trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Mong mỏi của mẹ Nguyên được một lần ra Trường Sa để được gần liệt sỹ Minh hơn vì đến nay đã 27 năm hài cốt của anh vẫn chưa được tìm thấy (ảnh Xuân Hòa) |
Chúng tôi về gặp mẹ Nguyên khi bà đang một mình đi ra bờ biển nơi quê làng. Hàng ngày cứ chiều chiều mẹ Nguyên lại ra bờ biển gần nhà để dõi mắt hướng về biển cả bao la như để được gần hơn những đứa con của mình đang nằm lại giữa lòng biển khơi. Trong ký ức của mẹ vẫn nhớ như in những ngày tháng còn nhỏ của liệt sỹ Trần Văn Minh:
Liệt sỹ Trần Văn Minh (SN 1963) là con thứ 2 trong gia đình có 6 người con và là con trai cả trong gia đình của mẹ Nguyên. Gia đình đông con nên ngày anh Minh còn nhỏ gia đình không đủ cơm nấu cho con ăn no. Mới lên 10 tuổi với thân hình nhỏ đen như bao đứa trẻ miền biển khác anh Minh đã cùng bố lên tàu ra biển đánh cá nuôi các em. Những lần lên tàu đi đánh cá anh đều được cha mình cõng ra bởi còn quá nhỏ không thể lội ra đến nơi tàu đậu.
“Khi đó phần vừa đông con, phần cuộc sống chung đang còn khổ nên bữa ăn hầu hết đều phải ăn cơm độn sắn. Nhưng cũng chẳng bữa nào thằng Minh với mấy đứa con tôi được ăn no. 10 tuổi mà nó bé xíu, đen nhẻm đã theo cha ra biển đánh cá để nuôi các em. Nghĩ lại hình ảnh cha nó cứ cõng nó ra tàu vì còn quá nhỏ không lội ra được nơi tàu đậu mà tôi lại thương nó quá”, mẹ Nguyên vừa kể về liệt sỹ Minh vừa đưa tấm khăn len chấm nước mắt.
27 năm qua cứ mỗi chiều mẹ Nguyên lại ra bờ biển gần nhà nhìn xa xăm về biển khơi nơi còn đó các con mẹ nằm lại (ảnh Xuân Hòa) |
12 tuổi cuộc sống gia đình khó khăn nên anh Minh đã nghỉ học và kể từ đó anh trở thành một thủy thủ trên tàu của cha. Những chuyến đi biển đánh cá với cha dày đặc trên biển khiến con người anh dày dặn sóng gió hơn. Gần như cuộc sống của anh kể từ đó ở trên biển nhiều hơn ở nhà.
Rồi lớn lên anh Minh đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc. Đến đầu năm 1988, anh Minh đã là máy trưởng trên con tàu Hải Quân mà anh đang làm nhiệm vụ và anh được đơn vị cho về quê nghỉ phép. Nhưng về nghỉ phép mới được mấy ngày thì đơn vị điện báo anh phải trở về đơn vị gấp. Mẹ Nguyên và gia đình cũng có ngờ đâu đó là lần cuối cùng mình được cầm tay, nói chuyện cùng với anh Minh.
“Lần đó nó về vẫn điệu cười trìu mến, hiền hòa như ngày nào. Nó còn mua cho mẹ cái áo len ấm vì sợ khi mùa rét gió biển thổi vào mẹ lạnh. Ở tuổi nó lúc đó con trai vùng biển đã có vợ con cả rồi nên mẹ còn giục nó sớm lấy vợ. Nhưng nó chỉ cười trừ, được ít hôm thì đơn vị điện báo nó phải quay trở lại đơn vị gấp. Có ai ngờ đó là lần cuối mẹ được thấy nó cười, được cầm tay nó, được ôm nó…”, mẹ Nguyên nhớ lại trong giọng nói đứt quãng.
Mong một lần được ra Trường Sa để gần với các con hơn
Anh Minh trở vào đơn vị được ít ngày thì một buổi chiều khi mẹ Nguyên đang ở nhà thì một người hàng xóm sang báo tin “vừa nghe thấy đài thông báo 64 chiến sỹ Hải Quân vừa hy sinh, mất tích khi bảo vệ đảo Gạc Ma”. Người hàng xóm còn cho biết còn nghe rõ người ta 64 chiến sỹ hy sinh thì có cả anh Minh. Mẹ Nguyên lúc đó nghe tin như rụng rời chân tay nhưng mẹ không tin đó là sự thật mà chắc ông hàng xóm hoặc đài báo sai. Nhưng mấy tháng sau mẹ Nguyên nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Trần Văn Minh.
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu) |
Nỗi đau của mẹ còn tăng lên khi gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Minh thì cũng lúc đứa con trai thứ của mẹ, anh Trần Văn Quý, cũng gặp nạn trên biển và không trở về. Cả hai đứa con lần lượt nằm lại biển cả và thi hài của cả hai đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Mẹ không buồn vì điều đó vì mẹ biết tấm thân các anh đã gửi lại cho biển, đảo của Tổ Quốc. Biển đang thay mẹ ôm các anh vào lòng như những ngày thơ ấu mẹ đã ôm các anh vào lòng.
“1 năm, 2 năm … rồi đến nay đã 27 năm hài cốt thằng Minh vẫn chưa được tìm thấy. Cách đây mấy năm có đoàn cán bộ đến lấy máu của mẹ và nói để kiểm tra huyết thống với các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đó vừa được tìm thấy hay không. Nhưng rồi mãi cũng không thấy có tin tức gì, chắc con mẹ không nằm trong số liệt sỹ được tìm thấy. Nhưng mẹ không buồn vì chuyện đó bởi con mẹ đã hy sinh vì biển, đảo Tổ Quốc. Cả đời nó đã sống với biển cả, nay nó lại được biển cả ôm chặt vào lòng như ngày bé mẹ ôm nó”, mẹ Nguyên nói trong nghẹn ngào.
Nay người con trai út của mẹ Nguyên cũng đang hàng ngày bám biển ra khơi. Còn mẹ đã gần 30 năm nay cứ chiều chiều mẹ lại ra bờ biển cạnh nhà để dõi ra nơi xa xăm. Các anh vẫn đang nằm đâu đó giữa lòng biển khơi, mẹ tin mỗi khi nhớ mẹ các anh lại hóa thành sóng biển để về thăm mẹ, dõi theo mẹ. Mẹ cũng biết ra biển cả là lắm sóng gió và nguy hiểm đe dọa nhưng phải để người con út đi biển để anh được gần với các anh mình hơn.
Lễ "Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma" (ảnh trên trang cá nhân Cựu binh Gạc Ma, Lê Hữu Thảo) |
Mẹ Nguyên vừa nói vừa nghẹn ngào trong nước mắt: “Mẹ chỉ ước được ra Trường Sa một lần để được gần thằng Minh con của mẹ hơn. Cũng có ra biển mẹ mới gần thằng Quý hơn. 3 đứa con trai của mẹ thì nay chỉ còn 1, hai anh của nó đã nằm lại giữa biển khơi. Biết là nghề biển lắm gian nan, nguy hiểm nhưng từ nhỏ nó đã sống với biển, với để nó ra biển cho nó gần các anh nó hơn. Mong rằng thằng Minh sớm được đưa về với mẹ chứ giờ mẹ già rồi, sức yếu rồi chắc cũng không thể đi nổi ra Trường Sa nữa”.