Cả EU và IMF không thể giúp Ukraine tránh khỏi phá sản, tờ Sputnik dẫn lời nhà kinh tế học người Đức, Giáo sư tại Đại học Hamburg Heiner Flassbeck cho biết.
Tương tự như Hy Lạp, IMF đòi hỏi Ukraine phải tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế theo tiêu chí của họ mới được nhận các khoản vay hỗ trợ.
Ảnh Rian. |
Nhưng theo Giáo sư Flassbeck, những điều kiện đó có xu hướng khiến nền kinh tế của Ukraine bị tiêu diệt hoàn toàn.
"Ở Ukraine, chúng tôi quan sát thấy sự xuất hiện của một chính sách tự tử. Lãi suất được tăng tới 30% trong nỗ lực để ngăn chặn sự suy giảm tỷ giá hối đoái. Tất nhiên, đối với một quốc gia đang ở trong tình trạng suy thoái thì điều đó là hoàn toàn điên rồ", chuyên gia kinh tế Đức nhận định.
Theo quan điểm của ông, IMF đã nhìn thấy nguy cơ đó, nhưng họ không muốn giúp Ukraine. IMF là "công cụ của các nước công nghiệp phát triển" nên hành động của tổ chức này tất nhiên sẽ nhằm để đem lại lợi ích cho các nước trên. Nhưng châu Âu lại không sẵn sàng thừa nhận điều này.
IMF sẽ không giúp Ukraine và EU, những người đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, châu Âu hiện vẫn chưa có chiến lược nào để giúp các thành viên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, Giáo sư Flassbeck giải thích.
Ngoài ra, nhà kinh tế học Đức còn chia sẻ ý kiến của mình về sự suy thoái của các mối quan hệ giữa Ukraine và Nga.
"Đối với Ukraine, sẽ là một thảm họa nếu Nga thực sự từ bỏ hoàn toàn mối quan hệ thương mại với nó", bởi theo ông, những gì mối quan hệ này đã xây đắp trong nhiều thập kỷ qua không phải dễ dàng có thể được thay thế bằng các cấu trúc phương Tây.
Tăng lãi suất ngân hàng lên 19,5-30%, theo ông Flassbeck là một hành động phá sản, chia tay với khả năng quay trở lại sự phát triển bình thường.
Nhận xét của Giáo sư Flassbeck được đưa ra trong bối cảnh IMF mới đây đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính 4 năm cho Ukraine với số tiền là 17,5 tỷ USD. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Ukraine Natalia Yaresko cho rằng, để ổn định nền kinh tế, nước này cần phải được hỗ trợ tài chính bổ sung./.