Vietnam Airlines nắm giữ dịch vụ mặt đất, doanh nghiệp hàng không kêu khó

20/03/2015 08:16
Mai Anh
(GDVN) - Hiện các công ty dịch vụ mặt đất đều thuộc Vietnam Airlines nên doanh nghiệp này vẫn chiếm ưu thế về chất lượng dịch vụ so với các hãng khác...

Trong khuôn khổ Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không tổ chức ngày 19/3 vừa qua, một trong các vấn đề được đưa ra bản thảo nhiều nhất đó là việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không.  

Hiện tại Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VietNam Airlines) chiếm gần 60% thị phần hàng không nội địa, Vietjet Air chiếm trên 30% và 10% còn lại là các hãng hàng không khác. 

Tuy nhiên, ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác đều không có hệ thống dịch vụ mặt đất đồng bộ. Trong khi đó, các công ty dịch vụ mặt đất đều là công ty con của Vietnam Airlines, nên doanh nghiệp này vẫn chiếm ưu thế về chất lượng dịch vụ so với các hãng khác, dẫn đến chiếm lợi thế cạnh tranh.

Vietjet đang bất lợi về cạnh tranh khi phải thuê dịch vụ mặt đất - ảnh minh họa
Vietjet đang bất lợi về cạnh tranh khi phải thuê dịch vụ mặt đất - ảnh minh họa

Việc không có hệ thống dịch vụ đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay của các hãng kém và nhiều trường hợp khiến các chuyến bay bị chậm giờ…

Ngay cả trong trường hợp chuyến bay bị chậm do thời tiết, ngoại trừ Vietnam Airlines còn các hãng hàng không khác đều phải thuê các dịch vụ mặt đất để phục vụ hành khách như nơi ăn, nghỉ… 

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, hãng hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc hãng. Vì vậy chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của Vietjet tại các cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…

Nói cách khác việc chất lượng dịch vụ đôi khi chưa được như mong muốn của hành khách hoàn toàn không do Vietjet mà nằm ở việc các đơn vị mặt đất. Nhất là khi các đơn vị dịch vụ này không phối hợp tốt với Vietjet trong việc phục vụ hành khách. Thực tế này đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất tạo ra sự lợi thế cạnh tranh cho Vietnam Airlines; Thứ hai cần tách các công ty dịch vụ mặt đất này khỏi công ty mẹ và hoạt động theo cơ chế thị trường. 

Về lợi thế cạnh tranh, trong trường hợp hành khách của Vietnam Airlines và Vietjet cùng chậm chuyến do thời tiết chắc chắn với việc nắm giữ các công ty dịch vụ mặt đất Vietnam Airlines sẽ dễ dàng trong việc phục vụ khách hàng. Trong khi đó với Vietjet thì lại khác, theo hãng có lúc Vietjet phải trả mức thuê dịch vụ cao nhằm phục vụ hành khách tuy nhiên vì nhiều lý do đơn vị cung ứng dịch vụ chậm trễ phục vụ không tốt hành khách. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của Vietjet.

Một vấn đề khác việc Vietnam Airlines nắm giữ 65% cổ phần trong Jetstar, khiến câu chuyện cạnh tranh trên thị trường càng khó cho Vietjet. Nhất là khi Jetstar được xem là con bài chiến lược để cạnh tranh ở phân khúc thị trường trung bình và giá rẻ với Vietjet. Do vậy nếu để phân tầng phục vụ, công ty dịch vụ mặt đất dường như sẽ ưu tiên Vietnam Airlines, Jetstar và cuối cùng với đến Vietjet.

Vì vậy nếu hành khách không hiểu sẽ đưa ra so sánh, từ đó bất lợi cho Vietjet trong vấn đề cạnh tranh. Đặc biệt khi từ Thông tư quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không được ban hành. Theo đó khi chậm chuyến bên cạnh phải xin lỗi hành khách các hàng không phải phục vụ nước uống; chậm từ 3 giờ trở lên phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm trong ngày. Thời gian chậm từ 6 giờ trở lên phải bố trí nơi nghỉ phù hợp…

Từ thực tế này Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cần có phương án tách các công ty dịch vụ mặt đất này khỏi công ty mẹ và hoạt động theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ góp phần cho thị trường hàng không cạnh tranh bình đẳng hơn. Cụ thể nên xem xét việc đấu thầu dịch vụ tại cảng hàng không hoặc nhượng quyền khai thác các nhà ga, sân bay để các hãng tự tổ chức hoặc phải để cho bên thứ ba thực hiện từ đó tạo nên cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Mai Anh