Liên minh nghị viện thế giới (IPU) là tổ chức liên nghị viện lớn và lâu đời nhất của Nghị viện các Quốc gia có chủ quyền được thành lập năm 1889 tại Paris và có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ).
Trải qua 126 năm hình thành và phát triển, IPU hiện đã có 166 thành viên và 10 thành viên liên kết. IPU cũng là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện thế giới, hoạt động nhằm mục đích tăng cường hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.
Những năm gần đây, IPU tiến hành quá trình đổi mới, phấn đấu mang lại cho ngoại giao nghị viện sức sống mới nhằm nâng cao dân chủ toàn cầu và đáp ứng nguyện vọng của người dân về hòa bình, nhân quyền, bình đẳng giới và phát triển; đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu giai đoạn sau 2015 mà Liên Hợp Quốc đang bàn thảo để thông qua vào cuối năm nay.
IPU bao gồm các cơ chế hoạt động sau: Đại hội đồng được tổ chức mỗi năm 2 lần, (thông thường 1 lần tổ chức tại trụ sở Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ và 1 lần được tổ chức tại 1 trong những quốc gia thành viên); các cơ chế khác là Hội đồng điều hành; Chủ tịch IPU và Ban chấp hành IPU; 04 Ủy ban Thường trực (Ủy ban 1 về hòa bình và an ninh quốc tế; Ủy ban 2 về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại; Ủy ban 3 về Dân chủ và Nhân quyền và Ủy ban 4 về các vấn đề Liên hợp quốc).
Ngoài ra còn có các Ủy ban chuyên môn khác như Ủy ban điều phối nữ nghị sĩ; Ủy ban về Nhân quyền của các nghị sĩ; Ủy ban về các vấn đề Trung Đông; Ủy ban thúc đẩy việc tôn trọng pháp luật nhân đạo quốc tế; các Nhóm tham vấn; Tổng Thư ký và Ban Thư ký IPU; Hiệp hội các tổng thư ký Nghị viện (ASGP); các phiên họp theo chuyên đề.
Việt Nam đảm bảo thông tin khách quan, trung thực
Đại hội đồng IPU lần thứ 132 và các Hội nghị liên quan được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ 28/3 – 1/4/2015, là sự kiện lớn có ý nghĩa và tầm vóc quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại hội đồng với sự tham gia đông đảo của các thành viên IPU, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên minh nghị viện khu vực và các tổ chức quốc tế. Đại hội có hơn 1.000 đại biểu và hơn 300 phóng viên của các cơ quan báo chí, các hãng truyền thông trong nước đến tham dự và đưa tin.
Ông Ngô Đức Mạnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (Trưởng Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền IPU – 132) cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để chào mừng IPU – 132.
Ban tổ chức IPU – 132 đã ban hành kế hoạch tổng thể, cơ bản đề ra khung hoạt động cho toàn bộ công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng IPU – 132, chia thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 1/2014 với các nhiệm vụ chính bao gồm thành lập và hoàn thiện bộ máy tổ chức hướng tới Đại hội đồng IPU – 132 như: Ban chỉ đạo, Ban tổ chức IPU – 132, Ban Thư ký IPU – 132, các Tiểu ban về nội dung, thông tin tuyên truyền, lễ tân sự kiện, an ninh, y tế, hậu cần tài chính với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Ông Ngô Đức Mạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. ảnh: Xuân Hải. |
Ông Mạnh chỉ rõ, để đảm bảo thành công kỳ họp Đại hội đồng IPU và thực hiện tốt vai trò của Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã đề ra phương châm tổ chức chu đáo, trọng thị, thiết thực và hiệu quả, với các mục tiêu cụ thể:
Về nội dung, đóng góp tích cực vào phiên bản thảo luận chung và các cơ chế của IPU mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, đảm bảo Đại hội đồng IPU – 132 đạt kết quả tốt và phù hợp yêu cầu chính trị của Việt Nam, vai trò ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam, thành tựu đổi mới về mọi mặt của đất nước, đảm bảo thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực và đa dạng về IPU, chương trình nghị sự và các phiên họp của Đại hội đồng IPU – 132…
Về công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, kịp thời, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện về đất nước, con người Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam, thành tựu đổi mới về mọi mặt của đất nước, đảm bảo thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực và đa dạng về IPU, chương trình nghị sự và các phiên họp của Đại hội đồng IPU – 312…
Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực của IPU
Về công tác tổ chức, lễ tân, khánh tiết, hậu cần, an ninh và y tế, cần đảm bảo tuân thủ các nghi thức ngoại giao chuẩn mực quốc tế, an toàn, tiết kiệm, tạo ấn tượng tốt cho các đại biểu; đảm bảo các yêu cầu theo quy định về tổ chức hội nghị quốc tế của nhà nước ta và phù hợp với thỏa thuận tổ chức Đại hội đồng IPU – 132 cũng như thông lệ của IPU.
Cho ý kiến vào công tác chuẩn bị đại hội, ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Thành viên tiểu ban Thông tin tuyên truyền Ban tổ chức IPU - 312 cho biết, đại hội là dịp để chúng ta đề cập những vấn đề Việt nam đã làm được trong thời gian qua như: quan hệ ngoại giao, chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vấn đề an sinh xã hội, nhân quyền… qua đó để các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu biết sâu và có cơ hội tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư, chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông - ông Nguyễn Thành Hưng. ảnh: ldo |
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 hướng đến các mục tiêu: Tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức của người dân về Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU, những đóng góp của Việt Nam cho IPU; Quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập của Việt Nam.
Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam – nước chủ nhà IPU – 132; Tuyên truyền ý nghĩa của việc Quốc hội Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU – 132), nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam đối với IPU, trong khu vực và thế giới; Thông tin về quan hệ hợp tác hữu nghị và kết quả hợp tác giữa Việt Nam và IPU trên tất cả các lĩnh vực.
Với mục đích ý nghĩa ấy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
Tiếng Anh và Pháp là hai ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên minh nghị viện thế giới. Tuy nhiên, Ban thư ký IPU sẽ dịch song song đồng thời các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ả – rập cho các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, các phiên họp của Hội đồng điều hành và của bốn Ủy ban Thường trực. Nước chủ nhà sẽ bố trí riêng kênh phiên dịch tiếng Việt phục vụ IPU – 132.
Các phiên họp Đại hội đồng, Hội đồng điều hành và một số phiên họp các Ủy ban thường trực có bốn kênh phiên dịch cho tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Nga. Các ca-bin này được bố trí miễn phí để phiên dịch viên ngôn ngữ tương ứng sử dụng nếu các nghị viện liên quan có yêu cầu.
Các yêu cầu bố trí kênh phiên dịch và ca-bin cần được gửi tưois Ban thư ký quốc gia IPU – 132 trước ngày 30/1. Các yêu cầu này được giải quyết theo ưu tiên thứ tự đăng ký.
Một là, hoạt động thông tin tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục (trước, trong và sau thời gian tổ chức Đại hội đồng IPU – 132).
Hai là thông tin kịp thời chính xác và đầy đủ về các nội dung nghị sự chính của Đại hội như: Lễ khai mạc Đại hội IPU – 132; Hội nghị Ủy ban Thường trực Hòa bình và An ninh Quốc tế: Hội nghị Ủy ban Thường trực các vấn đề Liên Hợp Quốc; Hội nghị Ủy ban Thường trực Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại…
Ba là thông tin thể hiện được vai trò chủ động, tích cực và hiệu quả của Quốc hội Việt Nam vào các hoạt động của IPU; vai trò của IPU trong việc tăng cường hợp tác liên nghị viện, hỗ trợ hợp tác liên chính phủ vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Bốn là căn cứ đặc thù và thế mạnh của từng loại hình báo chí, các cơ quan báo chí chủ động xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền phù hợp, bảo đảm chuyển tải kịp thời những thông tin về Đại hội, đồng thời qua tuyên truyền phản ánh kịp thời đường lối đối ngoại và các chính sách an sinh, xã hội của Việt Nam.
Vai trò của Quốc hội Việt Nam tại IPU - 132
Với tư cách là nước chủ nhà của IPU - 132, Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia hai mảng hoạt động lớn gồm: Chủ trì, điều hành các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng và Hội nghị Nữ Nghị sĩ; Tham gia các phiên họp với tư cách là thành viên của IPU cũng như các đoàn khác tại hội nghị.
Chủ trì, điều hành các phiên họp phải đóng vai trò khách quan, đúng thủ tục, tập trung vào những nội dung chính của hội nghị, vừa thể hiện và dung hoà các lợi ích chung của nghị viện các nước thành viên, đồng thời phải đảm bảo lợi ích của ta.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng điều hành Phiên họp toàn thể thứ nhất và phiên bế mạc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Hội nghị Nữ Nghị sĩ IPU (ngày 28/3).
Theo quy định của IPU, số lượng đại biểu tham dự đối với mỗi quốc gia thành viên không quá 8 Nghị sĩ đối với Nghị viện của nước có dân số dưới 100 triệu người, phải đảm bảo yếu tố cân bằng giới tính.
Đối với nước chủ nhà được cử 12 đại biểu chính thức. Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam gồm 12 đại biểu do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng đoàn đã được lựa chọn kỹ dựa trên các tiêu chí về kinh nghiệm hoạt động đối ngoại; kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, ngoại ngữ, đã tham gia tất cả các hoạt động của hội nghị, tích cực thảo luận, chủ động đóng góp xây dựng các dự thảo nghị quyết và Tuyên bố Hà Nội.
Ngoài ra, một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khoảng 80 đại biểu) được phân công cụ thể theo chuyên môn để tham gia vào các cuộc họp khác của các Ủy ban thường trực, các phiên họp chuyên đề, các hoạt động bên lề và các hoạt động tiếp xúc song phương.
Tại IPU - 132 sẽ diễn ra các nội dung chính có sự tham dự của đoàn Việt Nam như sau: Phiên thảo luận chung về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, hướng tới "Tuyên bố Hà Nội" với 3 điểm đáng chú ý là "Tầm nhìn - Cam kết - Hành động".
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về "Chủ đề khẩn cấp", trong đó đáng chú ý có vấn đề chống khủng bố gây nguy hại tới dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra còn có họp đặc biệt kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU và 20 năm Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về quyền của phụ nữ, kêu gọi hành động vì bình đẳng giới nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái.
Cũng tại IPU lần này sẽ diễn ra một loạt các hoạt động khác gồm: Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền; Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững, Tài chính, Thương mại; Ủy ban Thường trực về các vấn đề LHQ; Ủy ban Thường trực 1 về Hòa bình và An ninh quốc tế.
Thủ tục nhập cảnh dành cho Đại biểu tham dự IPU - 132
Tất cả đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU – 132 cần có hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay hộ chiếu để nhập cảnh vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cấp thị thực có giá trị 1 lần, miễn lệ phí với thời hạn xuất nhập cảnh và lưu trú từ 15/3 đến 15/4/2015 cho các đại biểu tham dự IPU – 132 gồm:
Các nghị sĩ tham dự Đại hội đồng trong vai trò đại biểu do Nghị viện thành viên IPU và thành viên liên kết cử tham dự; Nghị sĩ tham dự Đại hội đồng trong vai trò quan sát viên, tham dự với mục đích đại diện cho nghị viện đang có đề xuất gia nhập IPU; Thành viên thuộc đoàn đại biểu của một tổ chức quốc tế hoặc cơ quan khác do Hội đồng điều hành mời tham dự để theo dõi hoạt động của Đại hội đồng; Khách mời đặc biệt do IPU mời tham dự; Cố vấn, chuyên gia, cán bộ thư ký và người cùng đi được đăng ký chính thức theo các đoàn đại biểu và các cá nhân nêu trên.
Mọi đề nghị cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cần được thực hiện trực tuyến theo hướng dẫn tại: visa.mofa.gov.vn hoặc liên hệ với Đại sứ quán/ Lãnh sự quán của Việt Nam gần nhất. Hồ sơ đề nghị cấp thị thực cần gửi kèm Thư mời của nước chủ nhà hoặc Thư mời do nước chủ nhà ủy quyền cho IPU mời.
Đại biểu từ các nước được Việt Nam miễn thị thực với thời hạn lưu trú không quá 15 ngày, nếu có nhu cầu lưu trú tới ngày 15/4/2015 thì cần làm thủ tục cấp thị thực như trên. Danh sách nước nước được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam được đăng tải tại địa chỉ: lanhsuvietnam.gov.vn
Việc xử lý hồ sơ đề nghị cấp thị thực chỉ được thực hiện sau khi các đại biểu đã đăng ký tham dự Đại hội đồng IPU – 132. Để bảo đảm có thị thực nhập cảnh Việt Nam kịp thời, Ban tổ chức khuyến nghị các Đại biểu làm thủ tục đề nghị cấp thị thực sớm.
Trường hợp ngoại lệ, đối với các đại biểu không thể nhận được thị thực trước khi khởi hành, việc cấp cấp Thị thực nhập cảnh tại điểm đến sẽ được bố trí ở 3 cảng hàng không quốc tế gồm Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
Người đề nghị cấp thị thực tại điểm đến, trong trường hợp này phải liên hệ với Ban thư ký quốc gia IPU – 132 ít nhất 3 tuần trước khi khởi hành để được hướng dẫn thông tin cần thiết về thủ tục cấp Công hàm xác nhận việc sẽ được cấp Thị thực nhập cảnh tại điểm đến, tạo thuận lợi trong quá trình di chuyển và nhập cảnh vào Việt Nam tại các cửa khẩu nêu trên.
Tại cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam, người đề nghị cấp Thị thực nhập cảnh tại điểm đến, ngoài việc phải xuất trình Thư mời của nước chủ nhà hoặc thư mời do nước chủ nhà ủy quyền cho IPU mời, Công hàm xác nhận việc sẽ được cấp Thị thực nhập cảnh tại điểm đến, và chuẩn bị sẵn 2 ảnh chân dung kích thước 4 x 6 cm.
Hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp thị thực nhập cảnh được câp nhật trên trang điện tử ipuvietnam123.vn