Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056A thứ 25 (phiên bản săn ngầm) Trung Quốc hạ thủy (nguồn mạng sina TQ ngày 20 tháng 3 năm 2015) |
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 20 tháng 3 đăng bài viết "Chiếc tàu hộ vệ Type 056 thứ 25 Trung Quốc hạ thủy, hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc kiểm soát Biển Đông".
Theo bài báo, chiều ngày 19 tháng 3, tiết lộ từ dân mạng, chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 thứ 25 đã hạ thủy thuận lợi, đồng thời cũng là chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056A thứ 7.
Bài báo ngang nhiên cho rằng, loại tàu nhỏ này rất thích hợp cho triển khai (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đợi cho đến khi xây dựng xong căn cứ ở quần đảo Trường Sa thì có 10 - 20 chiếc cũng đủ để kiểm soát Biển Đông.
Chiếc tàu hộ vệ Type 056 đầu tiên đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2013, theo suy đoán của truyền thông nước ngoài, lượng nhu cầu của Hải quân Trung Quốc đối với loại tàu hộ vệ này là 40 chiếc.
Nó được chế tạo đồng thời ở nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, nhà máy đóng tàu Hoàng Phố-Quảng Châu, nhà máy đóng tàu Vũ Xương, nhà máy đóng tàu Đại Liên.
Những tàu chiến này trước hết được bổ sung cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, sẽ có lợi cho Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp) đối với Biển Đông.
“Phiên bản săn ngầm Type 056 có thể chế ngự mối đe dọa tàu ngầm Việt Nam”
Với đối tượng tác chiến đưa ra rõ ràng như vậy, mạng quân sự sina Trung Quốc cho rằng, nhìn vào các vùng biển xung quanh Trung Quốc, không chỉ "các nước lớn" về thực lực quân sự như Nhật Bản, Hàn Quốc, về truyền thống, có lực lượng tàu ngầm thông thường với thực lực rất không tầm thường; ở khu vực Biển Đông, Đông Nam Á, những năm gần đây, cùng với sự tăng vọt chi tiêu của các nước, việc mua sắm trang bị hải quân nhất là tàu ngầm cũng rất tích cực.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056A thứ 25 (phiên bản săn ngầm) Trung Quốc hạ thủy (nguồn mạng sina TQ ngày 20 tháng 3 năm 2015) |
Ngay từ năm 2012, Malaysia đã mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene lắp hệ thống AIP của Pháp, sau đó Thái Lan và Philippines cũng bắt đầu chi tiền chuẩn bị mua sắm tàu ngầm. Thái Lan có kế hoạch chi 257 triệu USD mua 6 tàu ngầm Type 206 cũ của Hải quân Đức, Philippines đã tuyên bố "Kế hoạch hàng hải 2020" chuẩn bị mua 1 tàu ngầm lớp 209 do Hàn Quốc chế tạo.
Trong chương trình mua sắm của những quốc gia Đông Nam Á này, điều đặc biệt chú ý là Việt Nam - nước có "tranh chấp" với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (do Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược vào các năm 1974, 1988… gây ra). Tháng 12 năm 2009, Việt Nam quyết định mua 6 tàu ngầm thông thường Type 636 lớp Kilo của Nga. Khoản giao dịch hợp đồng này tổng trị giá lên tới 1,8 tỷ USD, do nhà máy đóng tàu Admiralty Shipyard ở St. Petersburg Nga phụ trách chế tạo.
Theo tuyên bố của nữ Đại tá Lương Phương thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc gần đây, chỉ cần Hạm đội Nam Hải có thể đủ sức trừng trị” tất cả các nước ven Biển Đông cộng lại (bà này nói về số lượng tàu chiến, còn về các yếu tố khác trong chiến tranh thì chưa biết được).
Mặc dù thực tế số lượng tàu chiến của Trung Quốc là rất lớn, kể cả tàu nổi và tàu ngầm, Trung Quốc lại đang ra sức phát triển nhanh các loại vũ khí trang bị hải quân được cho là “tiên tiến”, nhưng truyền thông Trung Quốc lại luôn đố kị với sự phát triển quân sự bình thường của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Nói như vậy để hiểu được Trung Quốc đang dùng truyền thông để tuyên truyền một loại quan điểm lố bịch đến thế nào, rằng các nước nhỏ đang “ăn hiếp” nước lớn – PV.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056A thứ 25 (phiên bản săn ngầm) Trung Quốc hạ thủy (nguồn mạng sina TQ ngày 20 tháng 3 năm 2015) |
Theo mạng sina Trung Quốc, tuy làn sóng mua sắm tàu ngầm là một phần của xu thế xây dựng hiện đại hóa hải quân trong khu vực, xây dựng quân đội cũng là quyền lợi tự nhiên của các nước có chủ quyền. Nhưng, nhìn vào mục đích xây dựng và phương thức triển khai, tàu ngầm hoàn toàn khác với các tàu chiến mặt nước khác, tàu ngầm ngoài thực hiện nhiệm vụ quân sự, về cơ bản không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khác như hộ tống, cứu nạn, giữ gìn hòa bình.
Như vậy, trong bối cảnh Trung Quốc và các nước xung quanh tồn tại "tranh chấp" (Trung Quốc tham lam vô độ với yêu sách “đường lưỡi bò”), thậm chí quan hệ căng thẳng, việc mua sắm tàu ngầm của các nước Đông Nam Á nhất là của Việt Nam đương nhiên là "điều đáng để Trung Quốc cảnh giác cao" – mạng sina chỉ rõ đối tượng tác chiến.
Theo bài báo, tàu ngầm mang đậm màu sắc quân sự, tấn công, lắp ngư lôi và tên lửa chống hạm, nếu xuất hiện ở "vùng biển tranh chấp" hoặc "đảo được kiểm soát có trọng điểm" đều sẽ dễ gây ra phán đoán nhầm, làm leo thang tình hình hơn. Như vậy, trong xu thế "nóng" về tàu ngầm ở khu vực hiện nay, tình hình săn ngầm của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng.
Săn ngầm biển gần, biển xa: Điểm yếu lớn nhất của Hải quân Trung Quốc
Theo bài báo, từ lâu, bất kể là biển gần hay biển xa, tác chiến chống tàu ngầm đều là điểm yếu lớn nhất của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục và tàu hộ vệ biên chế từ sớm về cơ bản không có năng lực săn ngầm, cho dù hiện nay một số tàu chiến mặt nước tiên tiến cỡ lớn và vừa như tàu hộ vệ Type 054A, tàu khu trục Type 052C/052D và tàu sân bay Liêu Ninh lần lượt biên chế, cùng với việc năng lực phòng không của Hải quân Trung Quốc được cải thiện về chất, tình hình năng lực săn ngầm yếu cũng được cải thiện.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056A thứ 25 (phiên bản săn ngầm) Trung Quốc hạ thủy (nguồn mạng sina TQ ngày 20 tháng 3 năm 2015) |
Mặc dù các tàu khu trục và tàu hộ vệ mới hạ thủy những năm gần đây, về thiết kế, thiên về phòng không và chống hạm, nhưng, về săn ngầm cũng đã được tập trung lắp hệ thống săn ngầm tổng hợp với hạt nhân là thiết bị định vị thủy âm kéo H/SJG-206, ngoài ra còn có săn ngầm của máy bay trực thăng, năng lực săn ngầm đã được cải thiện tương đối lớn.
Tuy nhiên, những tàu chiến mặt nước cỡ vừa và lớn này đều thuộc trang bị biển xa vượt vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nếu dùng cho thực hiện nhiệm vụ săn ngầm ở vùng nước nông-biển gần thì lãng phí (thực ra “to xác” thì cũng dễ bị đối phương tấn công, quả quýt dày có móng tay nhọn - PV).
Hơn nữa, hiện nay, trong các trang bị hiện có của Hải quân Trung Quốc, chủ lực thực hiện nhiệm vụ săn ngầm biển nông là tàu săn ngầm Type 037I. Do niên đại chế tạo tàu này đã lâu, tính năng kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả chiến đấu của nó đã lạc hậu nghiêm trọng so với thời đại, khó mà thực hiện nhiệm vụ đối phó "địch" ở dưới nước vốn “cấp bách” hiện nay.
Tàu săn ngầm Type 037I lắp thiết bị định vị thủy âm kéo biến tần SS12 của Công ty Thomson - Sintra Pháp, chỉ đại diện cho trình độ công nghệ của cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, đến nay đã rất khó đối mặt với thách thức từ tàu ngầm thông thường AIP chạy êm thế hệ mới ở vùng biển nước nông.
Đặc biệt, về thiết kế thân tàu, tàu săn ngầm Type 037I chỉ có lượng giãn nước đầy gần 400 tấn, không thể chở máy bay trực thăng săn ngầm, hơn nữa do theo đuổi tính năng tốc độ cao, đã lắp động cơ chiếm rất nhiều không gian thân tàu, làm cho khả năng chạy liên tục của nó khá nhỏ, không gian trong tàu nhỏ hẹp, môi trường sống của thủy thủ khó khăn, thiếu khả năng thực hiện nhiệm vụ lâu dài trên biển. Cho nên, sử dụng tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 để thay thế.
Tàu hộ vệ săn ngầm Type 037I Hải quân Trung Quốc |
Thân tàu Type 056 có điều kiện để tạo ra phiên bản săn ngầm?
Mạng sina cho biết, thân tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 thiết kế không gian trong tàu khá lớn, đường nét thân tàu sâu hình chữ V, tuy lực cản khi chạy hơi lớn nhưng khả năng chịu sóng tương đối tốt. Lượng giãn nước đầy trên 1.500 tấn, có thủy thủ đoàn tương đương Type 037, làm cho tàu này có khả năng hoạt động liên tục trên biển và điều kiện sinh hoạt tốt hơn so với các loại tàu tác chiến biển gần trước đây.
Về động lực, Type 056 sử dụng 2 động cơ dầu diesel phối hợp với 2 chân vịt đường kính lớn, so với 4 động cơ dầu diesel tốc độ cao của Type 037 thì Type 056 tiêu hao nhiên liệu ít, độ tin cậy cao, tuổi thọ dài, tiếng ồn chân vịt nhỏ hơn, lực cản khi tuần tra thấp hơn, có thể chạy tốc độ cao 30 hải lý/giờ, những điều này tương đối phù hợp với yêu cầu tính năng của tàu săn ngầm.
Theo bài báo, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 có lượng giãn nước thích hợp, tốc độ cao, khả năng chạy êm khá tốt, mức độ tự động hóa khá cao, có thể cho phép cất hạ cánh máy bay trực thăng, vì vậy Type 056 hoàn toàn có đủ điều kiện phát triển được phiên bản săn ngầm triển khai ở vùng nước nông. Đồng thời, việc phát triển loại tàu này theo hướng đa năng càng là xu thế lớn. Trên nền tảng thân tàu cơ bản, có thể lắp ghép các module trang bị nhiệm vụ khác nhau để tạo ra các con tàu thực hiện nhiệm vụ khác nhau, như vậy tính kinh tế hơn hẳn, đã giảm phần nào gánh nặng về bảo đảm hậu cần.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ) |
Thiết bị định vị thủy âm chủ/bị động ở đuôi tàu
Mặc dù nói tàu Type 056 có thể trở thành một trang bị săn ngầm ở vùng nước nông-biển gần, nhưng đây chỉ là nền tảng. Điều quan trọng và tiền đề của săn ngầm là có thể dò tìm phát hiện, theo dõi, khóa tàu ngầm.
Đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân có tiếng ồn dưới nước nhỏ hơn và tàu ngầm thông thường trang bị công nghệ AIP, tiếng ồn cũng chỉ giống hoặc gần như tiếng ồn của biển. Trong khi đó, hình ảnh tàu hộ vệ Type 056 mới nhất cho thấy đuôi tàu đã xuất hiện kết cấu của thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động, có thể nhìn thấy lỗ khoang thân tàu của các thiết bị này.
Thiết bị định vị thủy âm tần số thấp kiểu chủ động là trang bị đối phó tàu ngầm chạy êm hiện đại của hải quân các nước trên thế giới. Hiện nay, tàu ngầm thường áp dụng các biện pháp như gạch giảm âm, giảm rung chấn, hiệu quả đối với tiếng ồn băng tần trung/cao khá tốt, nhưng hiệu quả đối với tiếng ồn tần số thấp khá thấp.
Sóng âm tần số thấp có khả năng xuyên thấu gạch giảm âm bên ngoài tàu ngầm, có thể xuyên qua vỏ tàu xâm nhập vào bên trong thân vỏ chịu áp, tiếng dội tản ra của tàu ngầm làm tăng mạnh đặc trưng tín hiệu của tàu ngầm, càng có lợi cho dò tìm của thiết bị định vị thủy âm chủ động tần số thấp đối với tàu ngầm.
Cộng với, thiết bị định vị thủy âm chủ động càng có lợi cho phát hiện tàu ngầm thông thường AIP lặn ở đáy biển và lặn tốc độ thấp-êm trong thời gian dài. Từ đó khắc phục điểm yếu của thiết bị định vị thủy âm bị động – cự ly dò tìm xa, nhưng định vị mơ hồ, sai số lớn, hiệu quả hoàn toàn không lý tưởng.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ) |
Mặc dù Type 056 đã áp dụng hệ thống định vị thủy âm kết hợp chủ/bị động, nhưng đây là một mắt xích trong hệ thống tấn công săn ngầm vùng biển nông-gần, lực lượng săn ngầm với đại diện là máy bay trực thăng săn ngầm lại là một mắt xích quan trọng của hệ thống này.
Trên phương diện này, ở đuôi của phiên bản cơ bản tàu Type 056 đã có bãi cất hạ cánh dùng cho máy bay trực thăng săn ngầm Z-9 lớp 4 tấn (cũng có thể dùng cho máy bay trực thăng hạng trung lớp 7 tấn như Z-15). Mặc dù không có nhà chứa máy bay cố định, nhưng vẫn có năng lực chở nhất định máy bay trực thăng trong thời gian dài.
Mặc dù khi phát triển phiên bản săn ngầm có thể tăng thêm nhà chứa cố định, nhưng điều này phải giảm bớt không gian thiết bị khác và không gian dành cho thủy thủ, thậm chí có thể cần thay đổi một phần kết cấu thân tàu, điều này trái với dự tính thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể thông qua phương án “điều hòa”, như sử dụng nhà chứa máy bay có thể gấp lại, nhẹ nhàng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu chở trực thăng lâu dài trong điều kiện nhất định.
Theo bài báo, tàu hộ vệ Type 056 là tàu hạng nhẹ, chi phí chế tạo thấp, đa năng, mọi thiết kế đều nhằm vào mục tiêu thích hợp. Vì vậy, Type 056 có chức năng đầy đủ, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, coi trọng cả mật độ và tầng nấc hỏa lực, sử dụng thích hợp ở vùng biển gần hơn so với tàu chủ lực, đồng thời có thể ứng phó với xung đột thông thường và chiến tranh cường độ thấp, chi phí chế tạo thấp hơn, tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí cao hơn.
Bài báo kết luận, đối với Hải quân Trung Quốc vẫn có rất nhiều tàu cũ hiện nay, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 chính là trang bị thay thế rất tốt, đặc biệt phiên bản săn ngầm của Type 056 có thể thay thế hơn 100 tàu săn ngầm Type 037 hiện có để thực hiện “nhiệm vụ săn ngầm nặng nề ở biển gần”.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ) |