Thấy trước TQ sẽ khống chế Biển Đông, Lý Quang Diệu đổ tiền mua vũ khí

25/03/2015 13:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Nam Hải sẽ áp đặt ý chí chính trị của họ lên phần còn lại của khu vực, Singapore cũng nằm trong phạm vi đó.
Thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: IBTimes.
Thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: IBTimes.

Tờ International Business Times ngày 24/3 bình luận, ông Lý Quang Diệu qua đời không chỉ để lại di sản vĩ đại dẫn dắt Singapore trở thành cường quốc tài chính đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng khai quốc Singapore còn để lại một trong những quân đội "ghê gớm nhất thế giới".

Lý Quang Diệu để lại "đội quân ghê gớm"

Quốc đảo nhỏ bé với dân số 5,4 triệu dân và diện tích nhỏ hơn nhiều so với thành phố New York nhưng đang sở hữu các chiến đấu cơ mạnh hơn cả Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển. Quân đội Singapore có lực lượng xe tăng ngang nước Ý, một quốc gia có kích thước lớn hơn Singapore rất nhiều lần.

Hải quân Singapore cũng tự hào là lực lượng vũ trang duy nhất trong khu vực sở hữu tàu chiến tàng hình. Tạp chí quốc phòng IHS Jane gọi các lực lượng vũ trang là đội quân được trang bị tốt nhất ở Đông Nam Á. Singapore đã chi tiền mua sắm vũ khí nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Ngân sách quốc phòng năm 2013 của Singapore là 12 tỉ USD, theo một phân tích được Michael Rask, một nhà nghiên cứu đại học Nam Dương công bố tại Diễn đàn Đông Á. Tiền Singapore chi cho việc mua sắm chiến đấu cơ tiên tiến do Mỹ sản xuất có khả năng làm lu mờ nỗ lực tương ứng của bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Hiện tại không quân Singapore có phiên bản mới nhất của dòng chiến đấu cơ F-15 mà Mỹ chỉ bán cho một số quốc gia, trong đó có Israel, Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Hàn Quốc. Nước láng giềng Indonesia "kích thước" lớn hơn nhiều so với Singapore chỉ chi 7,9 tỉ USD cho quốc phòng năm 2013. Malaysia thậm chí còn ít hơn.

Khi mới lập quốc, 2 nước láng giềng này là lý do chính khiến Lý Quang Diệu quyết định chi tiêu nhiều cho mua sắm vũ khí. Nhưng các mối đe dọa mà Singapore phải đối mặt trong tương lai có thể đến xa hơn, bao gồm từ Trung Quốc, các chuyên gia cho biết.

Singapore thấy trước nguy cơ Trung Quốc tìm cách khống chế Biển Đông

Mối đe dọa từ Trung Quốc nằm ở khả năng trong tương lai Bắc Kinh sẽ thống trị Biển Đông, không bao gồm Hoa Kỳ trong "phương trình chiến lược" của khu vực Đông Nam Á. Sau đó Trung Nam Hải sẽ áp đặt ý chí chính trị của họ lên phần còn lại của khu vực, Singapore cũng nằm trong phạm vi đó, giáo sư Bernard Loo từ đại học Nam Dương bình luận.

Xu hướng bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông đã quá rõ.
Xu hướng bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông đã quá rõ.

Ban đầu khi Singapore tách khỏi Liên bang Myanmar năm 1965, Lý Quang Diệu muốn quốc gia non trẻ này có thể tự vệ trước đe dọa từ láng giềng. Singapore đã từng phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia về nguồn nước sinh hoạt. Lãnh đạo Malaysia trước đây đã bỏ ngỏ khả năng cắt nguồn cung cấp nước nếu Singapore làm bất cứ điều gì tổn hại lợi ích của họ.

Đối với Indonesia, một trong những nước lớn đông dân nhất thế giới, Lý Quang Diệu cũng lo sợ bởi ưu thế tuyệt đối về "kích thước" của láng giềng này, mặc dù chính sách đối đầu những năm 1960 đã kết thúc từ lâu. Nếu lực lượng vũ trang Singapore cần phải đi đến chiến tranh bảo vệ đất nước, nguyên nhân chiến tranh có thể đến từ việc cắt nguồn cung cấp nước.

Nhưng hiện tại Singapore đang dần tự chủ trong việc cung cấp nước sinh hoạt, trong khi mối quan hệ với 2 nước láng giềng Indonesia và Malaysia khá nồng ấm. Nói cách khác, nước sinh hoạt không còn là nguyên nhân của một cuộc chiến tranh giả định mà quân đội Singapore phải tham gia.

Nền kinh tế phụ thuộc vận chuyển, Singapore đổi chiến lược phát triển lực lượng vũ trang

Trọng tâm chiến lược của các lực lượng vũ trang Singapore đang chuyển hướng, và lý do được tìm thấy từ kinh tế: Singapore là một trung tâm thương mại phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển, nó cần phải được bảo vệ khỏi bất kỳ sự gián đoạn nào. Quốc đảo này có cảng container bận rộn thứ 2 thế thế giới, trong khi khoảng 1/4 tổng giá trị thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca, nơi Singapore chia sẻ với Indonesia.

Chiến đấu cơ Singapore, ảnh: IBTimes.
Chiến đấu cơ Singapore, ảnh: IBTimes.

Ngày nay Singapore phải duy trì tầm vóc nền kinh tế của mình bằng xuất khẩu, thương mại, giao thông cũng như nguồn cung các sản phẩm thiết yếu từ bên ngoài vào Singapore như thực phẩm, nước, dầu..không bị cản trở. Paul Burton, Giám đốc chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của IHS nói với CNBC, việc bảo vệ các tuyến đường hàng hải và lãnh thổ trên biển là một mối quan tâm của Singapore.

Đó là lý do tại sao Singapore duy trì một lực lượng không quân có khả năng chiến đấu tầm xa từ quốc đảo này. Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có thể mở rộng phạm vi tác chiến cho lực lượng F-15 và F-16 tới hàng ngàn dặm. Để làm được điều này, họ phải sở hữu vũ khí chính xác từ Mỹ và Israel, bao gồm bom dẫn đường bằng laser kết hợp định vị GPS, tàu chống tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu bán kính 100 km.

Các hoạch định chính sách của Singapore không đề cập đến Trung Quốc khi thảo luận về chiến lược quân sự của mình, Singapore cũng không phải một bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Nhưng lịch sử cho thấy, kích thước nhỏ bé của Singapore có nghĩa là quốc gia này không thể chờ đợi đến khi bất kỳ kẻ thù nào đến gần. Bài học hon đảo này từng bị Nhật Bản chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ II vẫn còn trong trí nhớ của các nhà lãnh đạo quốc đảo này.

Hồng Thủy