Binh sĩ Quân đội Myanmar tại Laukkai - thủ phủ Kokang |
Quân đội Myanmar đã kiểm soát Kokang, yêu cầu phiến quân hạ vũ khí
Mạng Tân Hoa dẫn tờ "Union Daily" - tờ báo đảng cầm quyền Myanmar ngày 26 tháng 3 đưa tin, trải qua hơn 1 tháng chiến sự, Quân đội Myanmar đã kiểm soát toàn bộ khu vực Kokang.
Theo bài báo, quân đội Myanmar đã đưa ra mệnh lệnh chung ở khu vực Kokang, thúc giục lực lượng vũ trang địa phương hạ vũ khí và cam kết bảo đảm an ninh cho họ.
Người đứng đầu quân sự Laukkai - thủ phủ Kokang, Myanmar nói với phóng viên Tân Hoa xã rằng, đến tối ngày 24 tháng 3, tất cả các điểm cao chiến lược chủ yếu của khu vực Kokang đều đã được Quân đội Myanmar kiểm soát, tình hình Laukkai tương đối ổn định, một số cửa hàng đã mở cửa kinh doanh.
Theo Tân Hoa xã, ngày 9 tháng 2, Quân đội Myanmar và phiến quân địa phương đã nổ ra chiến sự ở khu vực Kokang. Chiến sự kéo dài tới nay, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, ổn định của khu vực biên giới. Theo thống kê chính thức của Myanmar, hai bên giao chiến có hơn 400 người bị thương vong.
Báo Trung Quốc đòi dùng vũ lực đối với Myanmar
Mạng sina Trung Quốc ngày 25 tháng 3 tiếp tục đăng bài viết đe dọa Myanmar với tiêu đề “Myanmar coi thường sự cảnh báo của Trung Quốc, cần tiến hành ngăn chặn đối với Quân đội Myanmar”.
Theo bài viết, sau khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ra “tối hậu thư” cho Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, đứng trước sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc, diễn biến tình hình Myanmar chủ yếu có 3 cấp độ:
Quân đội Trung Quốc tập kết ở khu vực biên giới với Myanmar |
Một là, các bên ở Myanmar thực sự ngồi xuống đàm phán, do Trung Quốc gây sức ép, do nhân tố bất lợi của chiến sự miền bắc Myanmar và do thời gian bầu cử ở Myanmar đến gần. Do đó, đàm phán Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 3 năm 2015. Tuy nhiên, do lợi ích các bên không thể điều hòa, nhất là chính quyền Myanmar vẫn không cho phép phiến quân Kokang tham gia đàm phán, chiến sự miền bắc Myanmar vẫn không có khả năng dừng lại, thỏa thuận ngừng bắn đương nhiên khó đạt được ý kiến thống nhất.
Hai là, chiến sự ở miền bắc Myanmar không hề dừng lại, mức độ gay gắt tăng lên. Trong 1 tuần qua, Quân đội Myanmar đã phát động nhiều đợt tiến công quy mô lớn đối với phiến quân Kokang.
Mặc dù máy bay Myanmar không liên tục cất cánh ném bom như trước, nhưng ngày 20 tháng 3 vẫn có máy bay quân sự Myanmar cất cánh và ném bom, hơn nữa còn ném loại bom uy lực mạnh 250 kg do Trung Quốc sản xuất, đó là bom CSBBF-1, tuy không ném vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng vẫn gây ảnh hưởng. Do đó, bài báo ra mặt cho rằng, Myanmar hoàn toàn không “bớt phóng túng” thực sự, chỉ thận trọng hơn một chút.
Ba là, Chính phủ Myanmar hoàn toàn không thực sự để tâm tới sự cảnh cáo và đề nghị của Trung Quốc, cũng hoàn toàn không coi trọng thực sự đối với chiến lược “nước lớn” của Trung Quốc. Điều này có thể nhìn thấy từ những trình bày nêu trên và từ trả lời phỏng vấn BBC của Tổng thống Myanmar U Thein Sein. Khi đó, ông U Thein Sein đã đánh vào thể diện của Trung Quốc trong việc “điều tiết” tình hình Myanmar, cho rằng, xung đột Kokang là công việc nội bộ của Myanmar, cần giải quyết nội bộ, Trung Quốc không thể giải quyết.
Còn về việc máy bay quân sự Myanmar ném bom làm thương vong dân thường Trung Quốc do báo chí Trung Quốc tuyên truyền, người phát ngôn Chính phủ Myanmar trực tiếp tuyên bố không thừa nhận, đến nay, chính quyền Myanmar cũng không thừa nhận họ đã ném bom, hơn nữa “đổ lỗi” cho phiến quân Kokang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác lại quan điểm này.
Phân tích như trên, bài báo cho rằng, có thể nhìn ra thái độ và ý đồ của chính quyền Myanmar: Thứ nhất, rõ ràng phản đối Trung Quốc tiến hành hòa giải, muốn giải quyết nội bộ, đến nay không có ý định để cho phiến quân Kokang được ngồi vào bàn đàm phán. Thứ hai, căn bản không thừa nhận “vượt biên ném bom”, cũng không thừa nhận “ném chết dân biên giới Trung Quốc”, vừa không “bồi thường” vừa không “xin lỗi”. Thứ ba, Myanmar phát động tấn công quy mô lớn nhất đối với phiến quân Kokang, tìm cách thông qua giành thắng lợi trên chiến trường để có được chủ động trên bàn đàm phán.
Theo báo Trung Quốc, thái độ này của chính quyền Myanmar cho thấy: Một là, Myanmar hoàn toàn không quan tâm đến “chiến lược nước lớn” của Trung Quốc, cũng sẽ không quan tâm tới lập trường công khai của Trung Quốc trong sự kiện này, thậm chí để gây sức ép với Trung Quốc, còn tiến hành “đầu cơ chính trị” đối với Trung Quốc, muốn lôi kéo phương Tây làm “ngọn cờ lớn” nhằm vào Trung Quốc.
Bài báo trịnh thượng cho rằng, mặc dù Trung Quốc “tận tình khuyên bảo – hết nước hết cái”, để họ ngồi xuống đàm phán, giải quyết hòa bình, nhưng chính quyền Myanmar hoàn toàn không “cảm kích”. Ông U Thein Sein trả lời phỏng vấn BBC, hàm nghĩa chính là “lợi dụng phương Tây để ép Trung Quốc nhượng bộ”. Thái độ của Chính phủ và Quân đội Myanmar cho thấy, Myanmar muốn tiếp tục “đánh bạc” với Trung Quốc – cho rằng, Trung Quốc không dám ra tay thực sự (dùng vũ lực đối với Myanmar).
Hai là, muốn thông qua giành lấy ưu thế trên chiến trường miền bắc để có thể mạnh trên bàn đàm phán. Họ đã mở rộng chiến tranh ở miền bắc. Trong 2 ngày gần đây, Quân đội Myanmar đã tập kết vũ khí hạng nặng quy mô lớn ở miền bắc Myanmar. Ngày 27 tháng 3 là ngày thành lập quân đội Myanmar, đây là lúc Quân đội Myanmar muốn giành thắng lợi áp đảo trước ngày thành lập quân đội để xác định, khi tái khởi động đàm phán vào ngày 30 tháng 3, Chính phủ Myanmar lấy thái độ như thế nào để tiến hành đàm phán.
Trung Quốc sẽ tấn công Myanmar?
Theo mạng sina, Chính phủ và Quân đội Myanmar sở dĩ bỏ ngoài tai sự cảnh cáo và đề nghị (trịnh thượng) của Trung Quốc, nguyên nhân căn bản ở chỗ, Chính phủ Myanmar cho rằng, trong tay họ có “con bài Trung Quốc”, chẳng hạn Trung Quốc có đường ống dầu khí ở Myanmar, Myanmar là đường ra biển quan trọng ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc, Myanmar nằm ở mắt xích quan trọng kết nối “một vành đai, một con đường”.
Hơn nữa, trong mấy năm qua, do quan hệ giữa Myanmar và phương Tây không ngừng cải thiện, đối với Myanmar, họ đã không nhất định lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như trước đây, mà có thể “chơi cân bằng” giữa Trung-Mỹ để giành lấy lợi ích lớn hơn.
Theo mạng sina, nói trắng ra, chính là muốn dựa vào sức mạnh Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc, có ý đồ cản trở Trung Quốc, từ đó thừa cơ giải quyết phiến quân miền bắc Myanmar.
Nhưng, theo tuyên truyền bôi nhọ của bài báo, đối với Trung Quốc, một khi Chính phủ Myanmar giải quyết phiến quân miền bắc và quan hệ với phương Tây tiếp tục được cải thiện, với đặc điểm “lòng tham, mạo hiểm và đầu cơ” của nhân vật phe thực quyền Myanmar, họ hoàn toàn có thể ngả vào phương Tây, trở thành một “quân cờ” ngăn chặn Trung Quốc, từ đó, từ một mắt xích của “một vành đai, một con đường” biến thành một mắt xích chống lại chiến lược “một vành đai, một con đường”.
Trong giai đoạn hiện nay, Myanmar còn chưa hoàn toàn thực hiện hòa giải thực sự với phương Tây, ông U Thein Sein đã dám mượn dư luận của BBC để gây sức ép với Trung Quốc, thăm dò một khi giải quyết xong phiến quân miền bắc Myanmar, Myanmar sẽ lại “làm gì” với Trung Quốc – báo Trung Quốc cảm thấy thực sự lo ngại.
Và bài báo vu vạ cho rằng, trên thực tế, (Myanmar) đã coi Trung Quốc là kẻ thù, đã coi chiến lược "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc là "trò đùa". Không những vậy, chính quyền Myanmar gần đây còn cho rằng phiến quân Kokang thu nhận quân nhân giải ngũ của Trung Quốc, bài báo coi đó là hành động "hắt nước bẩn" vào Trung Quốc, từ đó dựa vào dư luận để gây sức ép lớn hơn đối với Trung Quốc.
Đứng trước những vấn đề này, Trung Quốc làm thế nào? Căn cứ vào thông tin công khai, Trung Quốc đã điều động rất nhiều lực lượng và vũ khí hạng nặng tới biên giới, bài báo thậm chí cho rằng, "tối hậu thư" của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc "đương nhiên không phải là trò đùa nói năng tùy tiện".
Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành chuẩn bị đầy đủ, bởi vì nếu tiếp tục có vượt biên ném bom hoặc đạn pháo lạc vào lãnh thổ Trung Quốc gây ra thương vong, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả, không có sự lựa chọn khác, nếu không “làm sao ăn nói với người dân” - báo Trung Quốc dọa nạt.
Bài báo cho rằng, Trung Quốc nhất định phải tiến hành "ngăn chặn" đối với Quân đội Myanmar, phải tránh để xảy ra bất cứ hoạt động ném bom nhầm, làm thương vong nhầm nào đối với Trung Quốc.
Nhưng, theo bài báo, chỉ như vậy vẫn còn "chưa đủ", còn chưa thể thúc đẩy thực hiện “chiến lược” của Trung Quốc ở Myanmar. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc nếu để phe cứng rắn Myanmar trỗi dậy, chiến lược của Trung Quốc ở Myanmar trong tương lai sẽ rất khó thực hiện.
Vì vậy, trên chiến trường, đòi hỏi phiến quân Kokang và các lực lượng vũ trang khác ở miền bắc Myanmar phải thực sự có thể "đánh thắng" trong giao chiến với Quân đội Myanmar, cần phải để cho Quân đội Myanmar chịu tổn thất lớn mới có thể thực sự có một cuộc đàm phán bình đẳng, đàm phán dự tính mới có thể thực sự đạt được nhất trí.
Trên cơ sở đó, hành vi “đầu cơ mạo hiểm” của Trung Quốc đối với Myanmar cần thiết đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn, tránh để tình hình tiếp tục xấu đi hoặc tiếp tục xảy ra "ngoài ý muốn". Đồng thời, Trung Quốc cũng cần xem xét tiếp tục thúc đẩy "chiến lược nước lớn", tránh để sau khi tiếp tục cải cách trong tương lai, Chính phủ Myanmar thực sự trở thành chính quyền thân phương Tây, chuyển sang ngăn chặn Trung Quốc. Nhìn vào phong cách làm việc của thế lực mới nổi ở Myanmar, khả năng và rủi ro này hoàn toàn tồn tại.
Điều đặc biệt đáng chú ý là, nhìn vào tình hình hiện nay, trong tương lai một khi ông Than Shwe qua đời, không thể loại trừ thế lực mới nổi của Quân đội Myanmar và bà Aung san Suu kyi đạt được hòa giải chính trị. Nếu họ hòa giải thì Myanmar sẽ chuyển sang trở thành nước ngăn chặn Trung Quốc. Đối với rủi ro này, Trung Quốc cần tiến hành đánh giá cụ thể và đưa ra sách lược ứng phó.