Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Ảnh: CNA. |
South China Morning Post ngày 27/3 đưa tin, Nga vẫn vắng mặt trong các quốc gia đệ đơn xin gia nhập ngân hàng Đầu tư châu Á do Bắc Kinh dẫn đầu trước thời hạn chót vào Thứ Ba này. Hãng thông tấn RIA Novosti trong tuần dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak cho biết, Moscow vẫn chưa quyết định có nên tham gia ngân hàng này không.
Nhiều nhà phân tích đã tìm hiểu lý do tại sao đối tác chiến lược toàn cầu của Trung Quốc lại không mặn mà với định chế tài chính mới này, trong khi một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu - Thái Bình Dương lại háo hức tham gia, dẫn đầu là Anh. Giới phân tích đã chỉ ra nhiều lý do tài chính, tình hình trong nước và địa chính trị khiến Nga do dự.
"Nga còn đang bận rộn quảng bá về Liên minh Kinh tế Á - Âu do Moscow dẫn đầu, bao gồm cả ý tưởng thiết lập một liên minh tiền tệ trong khối 8 thành viên", Ly Lập Phàm từ Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải bình luận. Nga cũng đang bận rộn đối phó với những khó khăn tài chính trong nước, điều này làm giảm nhiệt tình của Moscow.
Quốc gia này đã phải chịu tổn thất lớn kể từ khi giá dầu thô quốc tế liên tục sụt giảm từ 115 USD một thùng hồi tháng Sáu năm ngoái xuống chỉ còn 54 USD 1 thùng hôm 20/3 năm nay. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga xung quanh khủng hoảng Ukraine cũng làm giảm khả năng Moscow tài trợ cho Ngân hàng Đầu tư châu Á.
Trong khi đó đảo Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ vào việc tham gia ngân hàng này. Nhưng cơ hội cho Đài Loan tham gia dường như rất nhỏ do tính nhạy cảm chính trị về "chủ quyền" của hòn đảo này. Ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo Đài Loan đã nói với tờ China Times Daily ở Đài Bắc hôm qua rằng, Đài Loan nên tích cực tham gia vào việc sáng lập Ngân hàng Đầu tư châu Á chứ không phải "ngồi băng ghế dự bị".
Mã Anh Cửu đưa ra 3 lý do tại sao Đài Loan nên gia nhập ngân hàng này, đồng thời tuyên bố ông đã yêu cầu ông Tiêu Vạn Trường đang thay mặt mình sang dự diễn đàn Bác Ngao ở Hải Nam thảo luận với Tập Cận Bình về khả năng cho Đài Loan tham gia Ngân hàng Đầu tư châu Á. Hiện vẫn chưa biết thái độ chính thức của Bắc Kinh đối với vấn đề này.