Hàng chục người lao động đang kêu cứu vì bị "lừa" đi lao động ở Belarus

31/03/2015 07:44
ĐỨC THIỆN - XUÂN QUANG
(GDVN) - Hàng chục lao động người Việt Nam bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay sau một thời gian làm việc tại Belarus...

Công ty SELACO mang người lao động ra nước ngoài rồi bỏ mặc

Trong đơn cầu cứu gửi tới Báo điện điện tử Giáo dục Việt Nam, một số lao động Việt Nam vừa trở về từ Cộng hòa Belarus phản ánh, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ Vận tải Thuỷ Miền Nam (gọi tắt là SELACO) có dấu hiệu lừa đảo khi đưa ra các khoản thu phí mập mờ, quyền lợi người lao động không được đảm bảo như cam kết...

Theo đó, khoảng tháng 10/2014, ông Đặng Đình Hòa - Phó giám đốc Công ty SELACO (có chi nhánh tại Hà Nội) làm thủ tục đưa 37 lao động người Việt Nam sang Cộng hòa Belarus làm việc theo hợp đồng đã ký, trong thời hạn 36 tháng.

Tuy nhiên sau khoảng 4 tháng làm việc, một số lao động Việt Nam buộc phải “ngậm đắng nuốt cay”, viết đơn xin về nước với lý do, tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, công việc không thuận lợi...

Anh Nguyễn Hữu Trình (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một trong số các lao động trở về nước sau hơn 4 tháng làm việc tại Belarus cho biết: “Chúng tôi được Công ty cung ứng lao động ký hợp đồng, đưa sang nước bạn làm việc nhưng lại không biết trước công việc cụ thể là gì? chưa từng biết mặt chủ sử dụng lao động như thế nào? 

Ở bên này, công việc của chúng tôi hầu hết đều tuân thủ theo sự sắp xếp của một cán bộ tên Khanh, tự xưng là người của SELACO. Đại diện công ty này đưa chúng tôi đi làm với nhiều ngành nghề khác nhau, người thợ xây, thợ sơn…Tuy nhiên, khi làm được một thời gian ngắn thì họ bảo hết việc nên nghỉ chờ”.

Anh Trịnh Văn Thúy về nước với 2 bàn tay trắng sau thời gian làm việc tại Belarus (ảnh: Đức Thiện)
Anh Trịnh Văn Thúy về nước với 2 bàn tay trắng sau thời gian làm việc tại Belarus (ảnh: Đức Thiện)

Cũng theo anh Nguyễn Hữu Trình, do công việc được giao không đều, nên người lao động chỉ được tính công khá bèo bọt: “Có tháng chúng tôi chỉ làm việc được khoảng 15 ngày, còn lại là nghỉ vì không có việc. Khi lao động thắc mắc thì chủ nói chưa tìm được việc làm ổn định”.

Trước đó, người lao động để được đi làm việc tại nước bạn với mức lương như thỏa thuận là 300USD/tháng đối với lao động thử việc, 500USD/tháng đối với lao động chính thức, mỗi người phải đóng cho Công ty SELACO các khoản phí lên tới gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền mà người lao động nhận được từ chủ sử dụng lại không đúng như hợp đồng đã ký kết: " Mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận được 60 – 70 USD/tháng, kể cả phải làm việc thứ 7, chủ nhật", anh Trịnh Văn Thúy (Thanh Hóa), bức xúc.

Anh Thúy cho biết thêm, do tiền ăn, sinh hoạt không đáp ứng, nên nhiều lao động phải ra chợ của người Việt Nam tại Belarus để mua chịu thực phẩm sống qua ngày.

Đây là hai trong số nhiều trường hợp lao động người Việt Nam tại Belarus "sống dở, chết dở", phải xin về nước trước thời hạn bởi sự đối đãi được cho là thiếu công bằng của chủ sử dụng lao động.

“Về nước thì không được kiện” 

Cũng theo phản ánh của người lao động, để được chấp thuận về nước, họ buộc phải tự nguyện viết đơn với điều kiện không được kiện đơn vị cung ứng lao động: “Họ nói, nếu không viết giấy cam kết theo nội dung trên thì không được về nước”, anh Trần Văn Thúy bức xúc.

Nhiều lao động sau khi về nước với lý do không có việc làm, công việc không ổn định, thu nhập thấp, đã tìm đến Công ty xin rút hồ sơ và tiền đặt cọc, nhưng chưa được lãnh Công ty đáp ứng.

“Khi đến trụ sở làm thủ tục, đại diện Công ty SELACO nói lãnh đạo Công ty sẽ xem xét. Tuy nhiên đã 2 tháng trôi qua, kể từ khi về nước, người lao động vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía đơn vị này”, anh Nguyễn Hữu Trình bức xúc.

Ông Đặng Đình Hòa - Phó giám đốc Công ty SELACO trao đổi với phóng viên (ảnh: Quốc Toản)
Ông Đặng Đình Hòa - Phó giám đốc Công ty SELACO trao đổi với phóng viên (ảnh: Quốc Toản)

Hôm 26/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về trách nhiệm của Công ty SELACO trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại diện Công ty cung ứng lao động cho rằng họ làm đúng luật và hết trách nhiệm. 

“Hợp đồng đơn vị ký với người lao động đã được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ. Còn việc lao động xin về nước là do họ tự nguyện chứ chúng tôi không ép buộc. Một số lao động khác về nước trước thời hạn là do người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc nên bị chủ sử dụng lao động thanh lý hợp đồng sau thời gian thử việc”, ông Đặng Đình Hòa làm Phó giám đốc Công ty SELACO lý giải.

Tuy nhiên, một trong số các điều khoản của hợp đồng xuất khẩu lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động nêu rõ; Người lao động được tham gia đầy đủ khóa đào tạo nghề theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Thực tế khi người lao động ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng lao động, không ghi rõ ngành nghề cụ thể, cũng không được đào tạo nghề theo quy định. Như vậy việc người lao động bị thanh lý hợp đồng thuộc trách nhiệm của ai?

Hợp đồng không số, không ghi rõ ngành nghề từ phía đơn vị cung ứng lao động (ảnh: Đức Thiện)
Hợp đồng không số, không ghi rõ ngành nghề từ phía đơn vị cung ứng lao động (ảnh: Đức Thiện)

Lý giải về việc, mức lương chủ sử dụng lao động chi trả cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ, lãnh đạo Công ty SELACO cho rằng: “Mức thù lao chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, thì chúng tôi tìm việc khác cho người lao động, nhưng người lao động dứt khoát vẫn không nghe và xin về nước…”, ông Đặng Đình Hòa cho hay.

Cũng theo ông Đặng Đình Hòa, trường hợp người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng với chủ sử dụng lao động vì lý do không chính đáng, thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động, hoặc bên đưa đi về những thiệt hại theo quy định.

Thực tế trên khiến hàng chục lao động người Việt Nam có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay sau một thời gian làm việc tại Belarus…

ĐỨC THIỆN - XUÂN QUANG