Biển Đông là lý do chính khiến Trung Quốc muốn quan hệ gần gũi với Thái Lan

03/04/2015 06:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Toàn đã chào bán vũ khí cho Thái Lan với giá "ưu đãi đặc biệt" (ít nhất hai lần).
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thăm Thái Lan và nhắc lại, Bắc Kinh sẵn sàng bán vũ khí cho Bangkok với "giá cả ưu đãi".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thăm Thái Lan và nhắc lại, Bắc Kinh sẵn sàng bán vũ khí cho Bangkok với "giá cả ưu đãi".

Tờ Bangkok Post ngày 2/4 đăng bài phân tích của phóng viên cao cấp về các vấn đề quân sự Wassana Nanuam cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit đang thúc đẩy một kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác quân sự đối với Bắc Kinh. Cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5 năm ngoái vấp phải sự chỉ trích của Mỹ trong khi chính quyền quân sự Thái Lan và Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường qua hệ.

Không giống như Washington, Bắc Kinh đã gây ấn tượng với chính quyền quân sự Thái Lan với sự "hiểu biết và hỗ trợ". Những xung đột ở Biển Đông là lý do chính khiến Trung Quốc tìm kiếm một "tình bạn gần gũi" với Thái Lan, Wassana Nanuam bình luận. Hai nước bắt đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương thông qua các chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Ông Toàn đã chào bán vũ khí cho Thái Lan với giá "ưu đãi đặc biệt" (ít nhất hai lần). Cả hai bên cũng đang xem xét làm việc cùng nhau trong các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự thông qua Viện Công nghệ Quốc phòng. Ngoài hợp tác kỹ thuật, Thái Lan và Trung Quốc đang tham gia tập trận chung.

Tướng Prawit đặc biệt ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về việc 2 nước tập trận không quân chung. Vòng đầu tiên của hoạt động này điễn ra vào cuối tháng 11 năm ngoái, 4 phi công J-10 Trung Quốc đã học cách sử dụng máy bay Gripen của không quân Thái Lan. Trong các vòng tiếp theo vào tháng 5 tới, lực lượng không quân Thái Lan sẽ cử 2 phi công Gripen đi học lái máy bay J-10 Trung Quốc.

Hoạt động hợp tác giữa không quân hai nước đang được triển khai với tốc độ ổn định, một phần vì cả hai bên đều phải học để loại bỏ những rào cản ngôn ngữ. Cuối cùng, không quân hai nước hy vọng sẽ thiết lập một cuộc tập trận chung với tên gọi "Lingtning Strike". Lục quân và thủy quân lục chiến 2 nước cũng đang tham gia thúc đẩy tập trận chung. Trong khi lục quân Trung - Thái bắt đầu tổ chức tập trận chung hàng năm với tên gọi Strike, thủy quân lục chiến 2 nước cũng thúc đẩy tập trận chung "Blue Strike" dự kiến 2 năm 1 lần.

Ngoài hợp tác quân sự, hai nước dự kiến sẽ hợp tác mua bán vũ khí với nhau. Trung Quốc là một trong 3 nhà cung cấp tàu ngầm được hải quân Thái Lan xem xét cùng với Hàn Quốc và Đức. Trong khi một ủy ban phụ trách dự án mua tàu ngầm cho hải quân Thái Lan cho biết, họ thích các tàu ngầm động cơ diesel từ Trung Quốc có giá 360 tỉ baht cho 2 chiếc.

Quân đội Thái Lan cũng đang để mắt tới máy bay phản lực chiến đấu L15 của Trung Quốc để dùng thay thế cho lực lượng L39 đã lão hóa sau 30 năm phục vụ. Các thương hiệu khác cũng đang được Bangkok xem xét bao gồm T-50 từ Hàn Quốc, M346 của Ý, YAK30 của Nga và Scorpion của Mỹ. Wassana Nanuam lưu ý, có thể thấy rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc sẽ dẫn đến việc vũ khí khí tài Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế nhiều hơn (trong lựa chọn của Thái Lan).

Hồng Thủy