Ông Âu Thiếu Khôn. |
Đa Chiều ngày 4/4 bình luận, nhà hoạt động chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực Âu Thiếu Khôn trở nên nổi tiếng vì thường xuyên âm thâm theo dõi, tố cáo các quan chức lạm dụng xe công vào việc tư hôm 26/3 bị bắt tại Trường Sa thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Truyền thông Trung Quốc đang tập trung vào việc Âu Thiếu Khôn và công an Trường Sa, đài truyền hình Trường Sa ai đang nói dối, gọi hành vi của ông Khôn và người phụ nữ trong khách sạn là "mua dâm" đúng hay sai, dựa vào căn cứ pháp lý nào?
Tuy nhiên theo Đa Chiều, đã có rất ít người chú ý đến một việc khác không kém phần quan trọng, đó là tiến trình bắt tạm giam và xử lý ông Âu Thiếu Khôn của công an thành phố Trường Sa có đúng luật hay không, có đúng tinh thần "làm sâu sắc cải cách toàn diện" mà ông Tập Cận Bình chỉ đạo hay không? Có vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật hay không?
Câu hỏi đầu tiên Đa Chiều đặt ra là, tại sao luật sư được ông Âu Thiếu Khôn ủy quyền năm lần bảy lượt đề nghị được gặp thân chủ đều bị công an Trường Sa từ chối? Tạm thời không bàn chuyện ông Khôn có mua dâm hay không, nhưng trong xã hội Trung Quốc hiện nay hành vi mua bán dâm không phải là chuyện gì nghiêm trọng ghê gớm, chỉ là một vấn đề trị an thông thường, tại sao luật sư lại không được gặp thân chủ của họ?
Luật sư Tùy Mục Thanh cho biết: "Tôi mấy lần đại diện pháp lý bảo vệ quyền lợi cho ông Âu Thiếu Khôn và có thư ủy nhiệm của thân chủ này, mang theo cả thẻ hành nghề luật sư và giấy giới thiệu của văn phòng luật sư nhưng đều bị công an Trường Sa từ chối cho gặp thân chủ mà không đưa ra bất cứ lý do nào". Trong khi các văn bản pháp luật về tạm giữ hành chính Trung Quốc quy định, luật sư được gặp đương sự bị tạm giam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ "không hạn chế về số lần và thời gian".
Ông Âu Thiếu Khôn và tuyên bố: "Tôi không cần hoa tươi hay tiếng vỗ tay tán thưởng, mà tôi khát vọng có công bằng và ánh sáng!" |
Thứ hai, sau khi hết thời hạn tạm giam ông Âu Thiếu Khôn đã nói rằng mình bị ngược đãi và bức cung đúng hay sai? Ông Khôn nói rằng từ 9h sáng 30/3 công an bắt đầu lấy lời khai đến sáng sớm ngày 31/3 ông bị thẩm vấn 7 lần đến mức bị ngất ngay tại phòng thẩm vấn trong khi công an thành phố Trường Sa từ chối các yêu cầu giúp đỡ của đương sự.
Chu Vĩ, một người dân Trường Sa là người duy nhất được thăm ông Khôn một lần trong 5 ngày tạm giam nói: "Nhìn qua màn hình thấy anh Khôn phải lết chân trái khi di chuyển, nói chuyện qua điện thoại anh ấy chỉ khóc, tình trạng rất tệ".
Đa Chiều bình luận, nếu thực tế đúng như những gì ông Khôn và Chu Vĩ nói thì trại tạm giam công an Trường Sa, Hồ Nam đã ngược đãi đương sự, vi phạm pháp luật Trung Quốc. Thứ ba, theo thông tin từ báo chí thì 2 nhân vật quan trọng trong vụ án "chuyên gia chống tham nhũng bị bắt với gái mại dâm" vẫn đang "phiêu diêu ngoài vòng pháp luật", họ là ai?
Một người mang họ Vương chủ động mời ông Khôn đến Trường Sa du lịch, người kia là một chủ doanh nghiệp họ Trần đã chủ động bỏ tiền gọi gái đến phòng ông Khôn ở khách sạn, cảnh sát không nhắc gì đến.
Trong khi đó theo "Quy định của cơ quan công an tỉnh Hồ Nam về việc xử lý vi phạm hành chính về hoạt động mua bán dâm" thì công an Trường Sa phải có trách nhiệm bắt giữ người chủ động thương lượng giá cả và trả tiền cho hoạt động mua bán dâm, ở đây là chủ doanh nghiệp họ Trần này.
Đối tượng họ Trần này cũng phải bị xử lý về hành vi "mua bán dâm" với vai trò đồng phạm, nếu có hành vi mua bán dâm như cơ quan công an Trường Sa nhận định. Việc không truy cứu doanh nhân họ Trần này khiến dư luận hoài nghi, bởi một khi ông Khôn bị cho là "mua dâm" thì ông Trần kia cũng không thể tránh khỏi trở thành đồng phạm.
Ông Âu Thiếu Khôn nói với báo chí sau khi được thả là ông đã bị công an thành phố Trường Sa thủ phủ tỉnh Hồ Nam "gài bẫy". |
Thứ tư, tại sao quyết định xử lý hành chính "hành vi mua dâm" đối với ông Âu Thiếu Khôn lại bị công an Trường Sa vội vã công khai lên mạng internet? Trong khi theo "Quy định trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính của cơ quan công an" Trung Quốc ghi rõ, trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật thương mại và bí mật đời tư cá nhân, cơ quan an ninh điều tra cần bảo mật thông tin.
Tuy nhiên trong vụ việc này, số thẻ căn cước, địa chỉ thường trú và nội dung quyết định xử phạt ông Âu Thiếu Khôn của công an Trường Sa lại xuất hiện trên mạng, phải chăng công an Trường Sa đang cố tình tiết lộ bí mật đời tư của ông Âu Thiếu Khôn?
"Chuyên gia" chống tham nhũng bị bắt với gái mại dâm: "Tôi bị công an gài"
(GDVN) - Ông Khôn nói rằng khi cô ả vừa bắt đầu ôm hôn ông thì cảnh sát xông vào phòng lục soát và bắt đầu chụp ảnh hai người. "Chúng tôi không quan hệ tình dục...
Mặt khác, nếu cơ quan chức năng thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tuân thủ pháp luật thì đài truyền hình Trường Sa lấy đâu ra nguồn tin "Âu Thiếu Khôn mua dâm" để phát sóng và rồi bình luận: "Là một người nổi tiếng nhờ việc kiên trì theo dõi, phát hiện và tố giác trình trạng lạm dụng xe công vào việc riêng, lẽ ra ông Khôn nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc tự mình phải gương mẫu tuân thủ pháp luật"?
Đa Chiều cho rằng, nếu như những câu hỏi này không được công an Trường Sa, đài truyền hình Trường Sa tỉnh Hồ Nam trả lời rõ ràng, người ta có quyền hoài nghi cơ quan công quyền địa phương này đang lạm dụng quyền lực "báo thù" ông Khôn hay gài bẫy ông như đương sự đã nói.
Ông Tập Cận Bình đang chủ trương thúc đẩy "đi sâu cải cách toàn diện", trong đó có nhắc đến việc đảm bảo mỗi người dân trong các hoạt động tư pháp đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Vụ việc "bác Âu mua dâm" này nếu không được xử lý ổn thỏa và được các quan chức cấp cao Trung Quốc coi trọng đúng mức thì việc đẩy mạnh cải cách tư pháp khó có thể đi vào đời sống thực tiễn bởi rào cản từ chính các cơ quan thực thi pháp luật ở cơ sở, Đa Chiều bình luận.