Chúng ta phải thông tin, còn công chúng sẽ có đánh giá

06/04/2015 17:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Chúng ta phải thông tin còn công chúng người ta đánh giá cái nào đúng chính xác chứ không thể cấm".

Sáng nay (6/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và dự án Luật an toàn thông tin. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, đề nghị ban soạn thảo cần phải chỉnh sửa cho rõ ràng hơn.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Bắc Son cho biết, bên cạnh những lợi ích thì internet cũng đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn.

Bộ trưởng Son chỉ rõ: “Việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: "Luật phải hoàn thiện thêm. Luật an toàn thông tin, vậy an toàn là thế nào? Muốn điều chỉnh gì? Các khái niệm của luật chưa rõ ràng. Thông tin có nhiều loại, truyền miệng cũng là thông tin, báo chí nữa. Vậy định nói loại thông tin gì thì phải rõ. Thông tin an toàn hay thông tin đưa ra rồi bảo vệ thông tin đó.

Đưa thông tin đúng nhưng bị mạng đột nhập lấy cắp rồi chỉnh sửa đưa thông tin không chính xác; hay ăn cắp mạng của người đó rồi đưa lên làm người khác hiểu nhầm. Chúng ta phải thông tin còn công chúng người ta đánh giá cái nào đúng chính xác chứ không thể cấm".

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: "Chúng ta phải thông tin còn công chúng người ta đánh giá cái nào đúng chính xác chứ không thể cấm".
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: "Chúng ta phải thông tin còn công chúng người ta đánh giá cái nào đúng chính xác chứ không thể cấm".

Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước cho rằng, vấn đề thông tin cần có luật nhưng ta đã “thả lỏng” hơn 20 năm.

“Tôi băn khoăn là an toàn thông tin và an ninh thông tin được hiểu như thế nào? Phải chăng an toàn là bao gồm cả an ninh?", ông Phước đặt vấn đề.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cần có giải thích rõ thế nào là tài nguyên viễn thông, vì đây là luật của toàn dân nên dân cần hiểu rõ về khái niệm này. Đối với quy định về các hành vi bị cấm, cần làm rõ thêm quy định ngăn chặn trái pháp luật và ngăn chặn đúng pháp luật là hành vi như thế nào?

“Về hợp tác quốc tế, ta nêu một số vấn đề về an toàn thông tin và lợi dụng các hoạt động thông tin mạng để thực hiện khủng bố quốc tế, như vậy là chưa đủ. Ví dụ, người Trung Quốc sử dụng mạng để ăn cắp tài sản của người Trung Quốc, hành vi được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì ta sẽ xử lý như thế nào?” – Ông Ksor Phước nói.

Chúng ta phải thông tin, còn công chúng sẽ có đánh giá ảnh 2

Sau vụ chặt hạ cây xanh, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội làm gì?

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh rộng nhưng chủ yếu đề cập đến thông tin mạng. quan trọng nhất là vấn đề an ninh mạng nhưng đi vào cụ thể Luật bảo đảm thông tin bằng cái gì, hình thức gì phương pháp gì có chế tài hay không? Hình thức của ta là phòng ngừa hay vừa phòng ngừa vừa đấu tranh. Vừa qua Đại hội đồng IPU đã thông qua nghị quyết về chiến tranh mạng, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn cho phù hợp.

Có xử lý được hacker?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng, luật này ra đời phải bảo đảm cả việc an toàn thông tin và an  ninh thông tin. Tại Đại hội đồng IPU 132 vừa qua, chúng ta đã thảo luận và IPU 132 đã thông qua nghị quyết về Chiến tranh mạng. Chiến tranh mạng thì quốc tế chưa đưa ra khái niệm chung, nhưng nội hàm nghị quyết thì hoàn toàn là an ninh thông tin, vậy luật này có điều chỉnh cả những nội dung ấy không?

Còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị làm rõ việc bảo vệ hệ thống thông tin trên mạng. Việc mạng internet bị hacker tấn công có xử lý được không? Luật ban hành có đủ cơ sở pháp lý chặn tấn công từ bên ngoài không?

Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng nêu câu hỏi, sắp tới sẽ có Luật tiếp cận thông tin vậy, luật an toàn thông tin và luật tiếp cận thông tin có mối liên hệ như thế nào?

“Cần làm rõ thông tin loại hình thông tin thì loại nào được đảm bảo, tất cả loại thông tin được đảm bảo an toàn. Thông tin gì pháp luật cấm thông tin gì được đảm bảo. Phải xác định rõ. Thông tin cá nhân được bảo hộ theo Hiến pháp nhưng không phải thông tin nào cũng mật hết”, ông Hiền nói.

Bên cạnh đó, ông Hiền cũng đề cập đến cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa các cơ quan thế nào? thông tin nào cung cấp? thông tin nào là mật. Theo ông Hiền, cơ chế trách nhiệm lâu nay nói nhiều nhưng chưa làm được khi thông tin sai trái được đưa lên, vậy thông tin chính thống phải xử lý thế nào để đưa ra các luận điểm phản bác lại thông tin sai trái? trách nhiệm các cơ quan phản bác lại như thế nào để dư luận thấy được tính xác thực về thông tin trái chiều. Lâu nay có nhưng chưa làm được, vậy trách nhiệm thế nào?

Ngọc Quang