Trong những ngày qua, dư luận Ukraine lại một lần nữa dấy lên cuộc tranh cãi về khả năng từ chức của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk, người được mệnh danh là Thủ tướng "diều hâu" vì những quan điểm chống lại ảnh hưởng của Nga một cách gay gắt.
Ý tưởng này được đưa ra bởi một số thành viên trong liên minh cầm quyền (gồm Khối Poroshenko của Tổng thống Petro Poroshenko và phe đối lập Tự do), những người muốn Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra tạm thời nhằm làm rõ các cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực chống lại Yatsenyuk.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk. |
"Chúng tôi tin rằng trong tuần tới ông Yatsenyuk nên bị loại khỏi chức vụ Thủ tướng Chính phủ Ukraine", Sergei Caplin - đại diện của Khối Poroshenko nói trong bài phát biểu hồi tuần trước.
Tuy nhiên, theo tờ Expert của Nga, khả năng Thủ tướng Yatsenyuk từ chức là rất ít. Bất kỳ cuộc xung đột nghiêm trọng nào trong liên minh cầm quyền đều không có lợi cho bất cứ bên nào trong thời điểm này.
Nhận định trên được đưa ra do thực tế là vị trí của Tổng thống Poroshenko hiện rất yếu. Nếu xảy ra xung đột với Thủ tướng ngay sau cuộc đụng độ với nhà tài phiệt Igor Kolomoisky, vị trí Tổng thống của Poroshenko cũng bị lung lay vì ông sẽ mất đi sự hỗ trợ vốn yếu ớt từ phương Tây.
Nguyên do thứ hai là các nước phương Tây cũng sẵn sàng hành động một cách mạnh mẽ để ngăn chặn mọi nỗ lực thay đổi cơ cấu tầng lớp lãnh đạo ưu tú ở Ukraine hiện nay một cách trái phép vì người Mỹ và châu Âu đang rất cần ổn định Kiev.
Đối với những người khởi xướng ý tưởng buộc Thủ tướng Yatsenyuk từ chức, uy tín của họ cũng không vững vàng. Uy tín của phe Tự do đã giảm sau thất bại trong cuộc bầu cử và những bê bối chính trị gần đây.
Tổng thống và Thủ tướng Ukraine. |
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Yatsenyuk không bị buộc từ chức sẽ không đồng nghĩa với việc cuộc xung đột trong giới lãnh đạo cấp cao Ukraine đã chấm dứt. Poroshenko và Yatsenyuk vẫn xem nhau là đối thủ và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội hạ gục lẫn nhau.
Trong khi Tổng thống Poroshenko muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Donbass, thì Thủ tướng Yatsenyuk muốn duy trì chính sách cứng rắn với khu vực này và không muốn cung cấp cho họ bất kỳ sự nhượng bộ nào. Yatsenyuk cho rằng chỉ có thể tiến hành bầu cử khu vực sau khi lực lượng ly khai tuân thủ các điều kiện nhất định, bao gồm hạ vũ khí và rút vũ khí hạng nặng.
Nhưng Yatsenyuk vẫn muốn lật đổ liên minh cầm quyền vì muốn chứng mính với các đối tác phương Tây rằng ông có thể lập ra một chính phủ với đối tác hoàn hảo và mạnh mẽ hơn nhiều so với chính quyền cũ.
Trong khi vai trò chính của Thủ tướng là đối nội, thì ông Yatsenyuk lại đang tích cực tạo mối quan hệ với phương Tây bằng một loạt chuyến công du gần đây từ Washington tới Berlin.
Đối với Nga, sự hỗn loạn trong liên minh cầm quyền Ukraine không phải là một mối đe dọa. Moscow về cơ bản muốn tuân thủ hoàn toàn Hiệp định Minsk và giữ cho quá trình thực thi thỏa thuận này không bị sai lệch dù Thủ tướng hay Tổng thống Ukraine thay đổi.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Moscow cũng như Berlin đều không hài lòng với hành vi của Tổng thống Poroshenko. Nếu Thủ tướng Yatsenyuk chứng minh được rằng ông sẵn sàng thực thi thỏa thuận Minsk, họ sẽ hợp tác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Expert, việc loại bỏ Tổng thống Poroshenko hiện còn khó hơn việc miễn nhiệm một Thủ tướng đầy tham vọng.