Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trong buổi đối thoại do CSIS tổ chức. |
The Diplomat ngày 8/4 bình luận, năm nay đánh dấu 20 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Dịp này không chỉ là một cơ hội tốt để nhìn lại những gì hai bên đã làm được, mà còn là lúc suy nghĩ về hướng phát triển trong tương lai. Ngày 27/3 vừa qua Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đã tổ chức một buổi đối thoại hiếm hoi giữa Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius về cơ hội và thách thức trong quan hệ Việt - Mỹ.
Trong buổi đối thoại này, Đại sứ Ted Osius đã vạch ra 5 lĩnh vực chính mà hai nước có thể thúc đẩy hợp tác nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, bao gồm cả hợp tác song phương và hợp tác trong phạm vi khu vực, toàn cầu. Lĩnh vực đầu tiên mà ông Ted Osius đề cập đến là thương mại. Hoa Kỳ và Việt Nam đều là thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông nhận định, TPP được thông qua sẽ là động lực đáng kể cho mối quan hệ, giúp Việt Nam thực hiện được một số cải cách quan trọng.
Tuy nhiên Đại sứ Mỹ cũng cho rằng, hai bên có thể phải mất một số bước bổ sung trong năm nay để giúp nhau đạt được mục tiêu tổng quát hơn, như tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều. Một số biện pháp mà ông đề cập đến bao gồm việc thúc đẩy các chuyến bay trực tiếp giữa 2 nước, cải cách các quy định pháp lý về thị thực của Việt Nam giúp cho các hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai là lĩnh vực an ninh quốc phòng trên biển. Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những mối quan tâm ở đây, bao gồm việc đảm bảo rằng Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Osius nhấn mạnh rằng, những tiến bộ đã và đang được thực hiện trong cả 5 phương diện: An ninh hàng hải, đối thoại cấp cao, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý rằng, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam tăng cường nặc lực bảo vệ bờ biển, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Tháng trước Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam 5 tàu tuần tra cao tốc. Trong khi lĩnh vực hợp tác này đầy hứa hẹn, Đại sứ Osius cũng nhấn mạnh rằng việc 2 nước "di chuyển về phía trước cũng sẽ liên quan đến những rủi ro". Đáp lại một câu hỏi về lệnh cấm vận vũ khí, Đại sứ Mỹ nói rằng có thể mất một khoảng thời gian trước khi các hợp đồng lớn được ký kết và việc chuyển giao diễn ra.
Hai Đại sứ Ted Osius và Phạm Quang Vinh trong buổi đối thoại do CSIS tổ chức. |
Ông cũng thừa nhận rằng để bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ còn phụ thuộc vào mức độ tiến bộ trong các lĩnh vực khác. Đại sứ Osius cũng cho biết, có thể mất một khoảng thời gian để người Việt làm quen với các thủ tục mua sắm vũ khí Mỹ vốn khá phức tạp khi liên quan đến các đối tác quốc phòng truyền thống khác như Nga.
Lĩnh vực hợp tác thứ 3 bao gồm năng lượng, môi trường, khoa học, công nghệ và y tế. Ở đây hợp tác Việt - Mỹ đang được tiến hành xung quanh các hạng mục an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, chống buôn bán động vật hoang dã, an ninh nguồn nước. Đại sứ Mỹ kêu gọi hai bên "mạnh dạn hơn". Ví dụ ông lưu ý rằng Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã đề xuất một số hợp tác về an ninh lương thực và dinh dưỡng.
"Chúng ta có thể có nhiều tham vọng. Chúng ta có thể nói rằng hãy cùng nhau khám phá lỗ hổng của Việt Nam về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu", Đại sứ Osius lưu ý, nó có thể có những tác động đến khu vực và toàn cầu, tốt hơn cho việc xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác.
Lĩnh vực thứ tư là giáo dục. Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý, số lượng lưu học sinh Việt Nam du học tại Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 800 thời điểm bình thường hóa quan hệ năm 1995 lên 16,5 ngàn người hôm nay, đứng đầu trong các quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 8 trên toàn cầu. Đây là một thành tựu không nhỏ, nhưng những sáng kiến vẫn đang tiếp tục được đưa ra.
Thứ năm, lĩnh vực 2 nước có thể hợp tác là quyền con người. Ngoài những thành tựu Việt Nam đã đạt được, Đại sứ Mỹ cho biết Washington mong muốn Việt Nam đi sâu cải cách hơn nữa luật dân sự và hình sự, mở rộng các quyền tự do cá nhân. Ông Osius cũng thừa nhận rằng lĩnh vực này sẽ là thử thách khó khăn nhất trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước.