LTS: Tiếp nối câu chuyện về tự chủ đại học, GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích rõ hơn về chiếc “hộp đen” của quy trình tự chủ ở mỗi trường đại học.
Chiếc “hộp đen” này đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xử lí như thế nào để được xã hội thừa nhận về chất lượng người học?
Xã hội cần biết “hộp đen” có gì
Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chiếc “hộp đen” này là quyền của ông hiệu trưởng của một trường đại học và chịu trách nhiệm trước xã hội.
GS. Mai Trọng Nhuận cho hay, đầu ra ở đại học ai cũng nhìn thấy, đầu vào ai cũng thấy, nhưng chiếc “hộp đen” kia chính là quy trình đào tạo, vấn đề này trường phải giải trình như thế nào với xã hội. Giải trình những gì? Đó là quy trình làm như thế nào để đánh giá đúng năng lực cán bộ, giáo viên, sinh viên…
“Nhà trường có nói hay bằng mấy nhưng xã hội giám sát đầu quy trình và không thừa nhận chất lượng đầu ra thì cuối cùng sản phẩm đó cũng không dùng được. Như vậy, tự chủ sẽ có 4 bên giám sát (Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội), nếu đồng bộ như vậy thì tự chủ sẽ tốt hơn” GS. Mai Trọng Nhuận bày tỏ.
Ảnh minh họa của ĐSPL. |
Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm tự chủ ở đâu? Trả lời câu hỏi này, GS. Nhuận cho biết, trách nhiệm đầu tiên của trường đại học học được tự chủ là tạo ra sản phẩm mới đáp ứng cao yêu cầu của xã hội luôn thay đổi.
Đồng thời trách nhiệm này sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn lực, phù hợp với thế chế, chính sách của quốc gia.
Trách nhiệm nữa là phải công khai, minh bạch hóa quá trình để cả xã hội giám sát, nhắc nhở, đôn đốc và hoàn thiện để trường đại học làm tốt hơn.
Thứ nữa là trách nhiệm công khai sản phẩm đào tạo cho xã hội. Công khai ở đây được hiểu là những việc làm có thể để xã hội giám sát, chứ không nhất thiết công khai toàn bộ quá trình quản trị như thế nào…
Do đó, trường đại học tự chủ phải đi với 4 trách nhiệm, chứ không chỉ là trách nhiệm giải trình. Liên hệ với các nước tư bản, trường chịu trách nhiệm thứ gì sẽ phải giải trình với xã hội thứ đó, do đó không đưa “trách nhiệm” vào trong khái niệm tự chủ đại học.
GS. Mai Trọng Nhuận: Tự chủ giả hiệu sẽ không có Đại học đích thực
(GDVN) - Không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết.
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, mô hình ở nước ngoài khi trường làm việc gì thì kèm theo đó phải chịu trách nhiệm trước toàn dân, trước xã hội.
Tại Việt Nam, do chưa tường minh trong khái niệm nên cần có khái niệm “trách nhiệm” với những sản phẩm nhà trường làm ra, trách nhiệm với quy trình trường thực hiện, trách nhiệm về tổ chức đầu vào và trách nhiệm giải trình với xã hội.
Quan điểm của GS. Mai Trọng Nhuận khi ông có cách nhìn và cách tiếp cận tự chủ đại học ở Việt Nam từ chính thực trạng trong nước chứ không nhìn từ thế giới đến Việt Nam, đây cũng là khía cạnh quan điểm khác biệt với các chuyên gia khác.
“Tôi muốn tiếp cận như vậy để cảm nhận tự chủ, từ đó mới xác định được nội hàm tự chủ ở Việt Nam- bối cảnh văn hóa, thể chế, chính trị…rồi soi ra thế giới xem chỗ nào cần điều chỉnh, cần thay đổi, từ đó chúng ta được nhiều thứ, từ tinh hoa nhân loại được tiếp thu và thực tiễn Việt Nam cũng được thấm đẫm”GS.Nhuận nói.
Trở lại câu chuyện tự chủ giáo dục đại học, trong thực tiễn Việt Nam đã từng có những định nghĩa đơn giản về tự chủ, chẳng hạn như GS. Tạ Quang Bửu nói: “Bản chất của giảng dạy đại học là nghiên cứu khoa học”.
Và giải trình cho khái niệm này được hiểu là, giảng dạy đại học là giảng những điều chưa được sắp đặt sẵn, chưa được hệ thống hóa, chưa được chuẩn chu.Còn dạy phổ thông chỉ được dạy những điều chuẩn chu, chính xác.
Khó có quyền tự chủ đầy đủ
Cũng trao đổi thêm về quyền tự chủ toàn diện của các trường đại học hiện nay, GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, vấn đề đánh giá được tự chủ nhiều hay ít thì phải đánh giá được sản phẩm đầu ra.
Đặt giả thiết sản phẩm đầu ra của một trường đạt đỉnh cao chưa? Nếu như tất cả các trường đại học có một yếu tố giống nhau, cơ sở vật chất khác nhau, đội ngũ giảng viên khác nhau thì chứng tỏ có một thứ gì đó khống chế giống nhau – đó là thể chế và chính sách.
GS. Nhuận nhận định, trong thời kinh tế thị trường chuyển đổi này thì ngay từ đầu một thể chế chính sách để đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ là khó, vì thực tiễn bao giờ cũng năng động hơn những thể chế, chính sách đã ban hành.
Quyền thuộc Hội đồng, không thể giao cho Hiệu trưởng ở trường tự chủ
(GDVN) - Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng.
“Cũng không nên kì vọng quyền tự chủ đầy đủ ngay lập tức ở tất cả các trường. Nếu có, cũng không hẳn tất cả các trường sử dụng quyền tự chủ mà chỉ có một số trường đại học mà thôi. Cách làm đơn giản nhất hãy phân tầng đại học, theo đó phân tầng mức tự chủ” GS. Nhuận cho biết.
Cũng theo đó, sẽ không có văn bản tự chủ đúng cho mọi trường đại học. Nếu trường đại học có năng lực tốt thì cần có quyền tự chủ rộng hơn, hoặc ngược lại.
Hệ thống tự chủ đi theo hướng nên ban hành hệ thống thể chế chính sách đảm bảo quyền tự chủ phù hợp với nhóm năng lực tự chủ tương ứng, vấn đề này theo GS. Nhuận dường như chúng ta làm chưa được chi tiết.
“Nếu làm được như vậy sẽ khuyến khích nhóm tự chủ cao và đảm bảo an toàn cho nhóm tự chủ thấp, nếu chúng ta đưa tự chủ rất cao cho một trường đại học không có năng lực thì thậm chí trường đó sẽ làm sai nghiêm trọng và ảnh hưởng tới xã hội.
Điều đó sẽ thúc đẩy các trường tự chủ tốt lên, nếu trường nào muốn tự chủ cao thì phải đạt mức tối thiểu nào đó. Điều này liên tục tạo khuyến khích cho các trường phấn đấu. Tăng quyền tự chủ theo hướng năng lực tự chủ và hiệu quả xã hội càng cao” ý tưởng của GS. Mai Trọng Nhuận.