Phát giác thêm nhiều sai phạm lớn tại Trung tâm GDTX Yên Định

10/04/2015 07:47
NGỌC HỒNG - ĐỨC THIỆN
(GDVN) - Hàng loạt các sai phạm tiếp tục được bạn đọc phát giác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định, hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Lập khống hồ sơ, rút ruột ngân sách

Sau bài Loạn thu tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được đơn tố cáo của bạn đọc về việc, lãnh đạo Trung tâm này có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước và ngành giáo dục. 

Theo đơn tố cáo, kèm theo bằng chứng phóng viên thu thập được cho thấy, để rút ruột tiền ngân sách, ông Đỗ Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định đã lập khống hợp đồng bảo vệ đối với bà Lê Thị Thảo (trú tại khu 3, thị trấn Quán Lào, Yên Định), bỏ túi cả chục triệu đồng.
 
Cũng theo xác minh, thực tế bà Thảo không công tác tại Trung tâm này, mà làm công nhân tại tại Công ty TNHH giầy Sun Jade (đóng trên địa bàn xã Định Long Yên Định). 

Số tiền khống được chi khống cho “bảo vệ” Thảo trong vòng 7 tháng lên tới 10.500.000 đồng (tức 1.500.000 đồng/tháng).

Trung tâm Giáo dục thường xuyênhuyện Yên Định (ảnh: ĐỨC THIỆN)
Trung tâm Giáo dục thường xuyênhuyện Yên Định (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Ngoài ra, từ tháng 11/2014 đến nay, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định chỉ đạo không nộp tiền học phí và các khoản thu khác vào quỹ. Số tiền đóng góp của học sinh được lãnh đạo Trung tâm này tùy tiện ứng từ giáo viên, chi tiêu cá nhân lên tới hàng chục triệu đồng.

Về công tác giảng dạy, ông Đỗ Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm, và ông Đỗ Hữu Thọ - Phó Giám đốc, không trực tiếp giảng dạy theo quy định, nhưng vẫn được hưởng số tiền 30% phụ cấp ưu đãi nhà giáo đứng lớp.

Hợp đồng "ma" giữa Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định với "bảo vệ" Lê Thị Thảo (ảnh: ĐỨC THIỆN)
Hợp đồng "ma" giữa Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định với "bảo vệ" Lê Thị Thảo (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Tiếp đó, số tiền học bổng học nghề được hỗ trợ cho hơn 300 học sinh (mỗi tháng 20.000 đồng/học sinh) từ tháng 8/2014 đến nay cũng bị lãnh đạo Trung tâm "ém", chưa thực hiện thanh toán cho học sinh.

Cũng từ tháng 8/2014 đến nay, gần 70 triệu đồng được trường Cao đẳng nghề Hà Nam hỗ trợ việc liên kết dạy nghề cho học sinh tại trường, không được công khai, minh bạch trong chi tiêu nội bộ…

Trước đó, với hàng chục khoản thu sai quy định (năm học 2014-2015) ước tính lên tới cả trăm triệu đồng vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Cả trường cùng làm…bảo vệ

Hàng loạt các dấu hiệu vi phạm về tài chính tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định, khiến nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh tỏ ra bức xúc.

Trước những nội dung cáo buộc có liên quan, hôm 7/3, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm này đã lên tiếng thừa nhận một phần trách nhiệm, để xảy ra thiếu sót. Đồng thời không quên đưa ra lý do, ngụy biện cho những sai phạm vừa được phát giác.

Về việc lập khống hợp đồng bảo vệ, rút ruột cả chục triệu đồng tiền ngân sách, ông Đỗ Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định cho rằng, số tiền trên là để chi cho các giáo viên trong nhà trường, thực hiện bảo vệ cơ sở vật chất.

“Ở đây, hầu hết anh em giáo viên đều tham gia vào công tác bảo vệ trường”, ông Sơn lý giải.

Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định cũng thừa nhận việc chỉ đạo không nộp tiền học phí và các khoản thu khác vào quỹ. Số tiền thu được từ học sinh, được lãnh đạo Trung tâm này tùy tiện ứng từ giáo viên, chi tiêu cá nhân lên tới hàng chục triệu đồng.

“Nói thế thì hơi quá! Đó là số tiền mà lãnh đạo nhà trường chỉ vay tạm từ giáo viên vì có việc cá nhân. Số tiền chỉ vài trục triệu, sau đó tôi đã trả lại cho họ”, ông Sơn nêu lý do.

Ông Đỗ Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định (ảnh: ĐỨC THIỆN)
Ông Đỗ Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Trả lời về việc về việc lãnh đạo Trung tâm không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn được hưởng 30% phụ cấp ưu đãi nhà giáo đứng lớp, lãnh đạo Trung tâm cho rằng, họ thực hiện theo “truyền thống” của đơn vị: “Các đời lãnh đạo Trung tâm trước đây đều làm như thế cả. Việc tính toán như vậy cũng là hợp lý”.

Cũng liên quan tới vấn đề tài chính, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Định cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến một số khoản tiền (hỗ trợ liên kết dạy nghề, tiền học bổng học nghề của học sinh) có dấu hiệu không minh bạch: “Tôi mới được bổ nhiệm chưa lâu nên không nắm rõ. Cái đó do bộ phận kế toán, thủ quỹ quản lý”, ông Sơn từ chối.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề có dấu hiệu vi phạm (tuyển dụng, bổ nhiệm..) đang được cơ quan xác minh, làm rõ. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết tiếp theo.

NGỌC HỒNG - ĐỨC THIỆN