Theo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 4 vấn đề đã được chỉ ra thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, dẫn tới oan sai.
Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản thì việc phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong hoạt động điều tra còn hạn chế, bất cập.
Còn để xảy ra 43 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm Cơ quan điều tra (theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thì chỉ xảy ra 15 vụ, số vụ còn lại là Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt - PV); còn có những trường hợp sai phạm, bỏ lọt tội phạm do vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra; cụ thể như sau:
Thiếu sót, vi phạm trong việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và việc khởi tố vụ án
Trong 3 năm, Cơ quan điều tra còn để quá hạn 9.754 tin, chiếm 3.1% là đáng quan tâm; nhiều trường hợp xác minh không đầy đủ, giải quyết chưa đúng, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm.
Trong 02 năm 2013 và 2014, Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm và ban hành 2.419 yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Nguyên nhân do năng lực cán bộ hạn chế, thiếu biên chế, nhất là ở các thành phố lớn, do quy định thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm tại Điều 103 của Bộ luật tố tụng hình sự quá ngắn đối với tin phức tạp.
Còn để xảy ra nhiều trường hợp khởi tố, không khởi tố vụ án thiếu căn cứ, không đúng pháp luật. Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện, hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án và 116 quyết định không khởi tố vụ án; yêu cầu khởi tố 1.213 vụ án.
Đáng lưu ý cùng với sự gia tăng của tình hình tội phạm thì số vi phạm, sai sót trong việc khởi tố vụ án hình sự có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân chính do Cơ quan điều tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, thu thập chứng cứ không đầy đủ, phối hợp chưa chặt chẽ với Viện kiểm sát để phân loại, xử lý ngay từ khi có kết quả xác minh thông tin tội phạm.
Năm 1979, ông Trần Văn Chiến (tỉnh Tiền Giang) bị quy tội giết người, ngồi tù oan 16 năm. Tháng 4/2002, ông Chiến mới được tuyên vô tội. Năm 2004, ông Chiến mới được bồi thường 252 triệu đồng cho 16 năm tù oan. Ảnh ĐSPL |
Thiếu sót, vi phạm trong áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ hình sự, tạm giam
Việc bắt, tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính. Theo báo cáo, có 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2.3% số người bị tạm giữ. Có nơi, tỷ lệ này khá cao như huyện Vụ Bản, Xuân Trường (Nam Định) trên 10%.
Viện kiểm sát các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp, hủy bỏ tạm giữ và không gia hạn tạm giữ 758 người.
Nguyên nhân của các trường hợp bắt, tạm giữ chưa có căn cứ là do hạn chế về năng lực cán bộ trong đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm pháp, chưa phân biệt rõ giữa vi phạm hành chính với hành vi phạm tội, do quy định pháp luật về căn cứ bắt khẩn cấp, tạm giữ chưa chặt chẽ.
Việc áp dụng biện pháp tạm giam còn nhiều, chiếm tỷ lệ 62,74% tổng số bị can; có nơi tỷ lệ này khá cao như tỉnh Tiền Giang 73%, riêng thành phố Mỹ Tho lên tới 90%.
Nhiều trường hợp không đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải tạm giam cũng ra lệnh bắt giam, Viện kiểm sát đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam. Còn để 545 người bị tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm.
Đáng lưu ý, tình trạng tạm giam bị can về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng còn nhiều, nhất là bị can về tội đánh bạc với số tiền nhỏ, gây thương tích nhẹ, vi phạm các quy định về an toàn giao thông…
Nguyên nhân do việc xác định căn cứ và sự cần thiết phải tạm giam chưa chính xác, có biểu hiện lạm dụng quy định về căn cứ tạm giam của Bộ luật Tố tụng hình sự “đối tượng có thể trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử...”.
Trong quản lý tạm giữ, tạm giam còn để xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do đánh nhau. Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh để xảy ra 4 trường hợp tự sát của bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân chính là do quá tải nơi giam giữ và trách nhiệm của người quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam chưa cao; việc quản lý, các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, côn đồ và các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, các bị án tử hình gặp nhiều khó khăn.
Một số nhà tạm giữ, trại tạm giam bị xuống cấp nghiêm trọng, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình giam giữ, nhất là tại các quận, huyện ở các thành phố lớn.
Anh Nguyễn Minh Hùng (tỉnh Tây Ninh) hai lần bị tuyên án tử hình dù không buôn bán ma túy. Sau 5 năm tù oan, anh Hùng chỉ được bồi thường 130 triệu đồng. Ảnh ĐSPL |
Thiếu sót, vi phạm trong việc khởi tố bị can
Việc khởi tố bị can còn những trường hợp chưa chính xác, thiếu căn cứ, tiềm ẩn nguy cơ làm oan, bỏ lọt tội phạm. Theo báo cáo, Viện kiểm sát các cấp đã hủy bỏ 795 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1.366 bị can; thay đổi tội danh 428 bị can. Đáng lưu ý vi phạm trong việc khởi tố bị can có chiều hướng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước.
Người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được đi bầu cử
Qua giám sát cho thấy, một số trường hợp khởi tố bị can có biểu hiện áp dụng pháp luật máy móc, đơn thuần nhìn vào hành vi mà thiếu phân tích, đánh giá thấu đáo hoàn cảnh xảy ra, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ lỗi của người bị hại và nhân thân của người phạm pháp lần đầu như đánh bạc giá trị nhỏ, gây thương tích nhẹ.
Những trường hợp này đáng ra chỉ nên xử lý hành chính nhưng đã khởi tố, điều tra sau đó phải đình chỉ điều tra là chưa đúng chính sách hình sự “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác” (khoản 4 Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự).
Ngược lại, đối với loại án về kinh tế còn có những trường hợp khởi tố không đúng với bản chất thật của hành vi khách quan; có biểu hiện hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau đó hầu hết các trường hợp này phải đình chỉ điều tra vì người bị khởi tố, điều tra (thậm chí bị bắt giam) không thực hiện hành vi phạm tội.
Nguyên nhân do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã áp dụng pháp luật máy móc, chỉ chú ý đến hậu quả thiệt hại xảy ra, chưa đánh giá đúng ý thức chủ quan để phân biệt giữa vi phạm pháp luật về dân sự, kinh tế với hành vi phạm tội, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm.
Thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án
Việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Trong kỳ có 5.156 đơn khiếu nại, tố cáo về thu thập tài liệu chứng cứ; Viện kiểm sát các cấp đã ban hành hơn 100.000 yêu cầu xác minh, điều tra, bổ sung chứng cứ.
Một số địa phương tỷ lệ Viện kiểm sát trả điều tra bổ sung còn cao như Bắc Giang chiếm 4.3% số vụ đề nghị truy tố. Đối với một số vụ án phức tạp, việc thu thập, đánh giá chứng cứ còn thiếu toàn diện, phải trả hồ sơ nhiều lần làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài.
Theo báo cáo, đến nay còn 11 vụ án đã trên 5 năm chưa giải quyết xong, có vụ kéo dài 12 năm như bị can Hoàng Trọng Nghĩa (Bình Phước) về tội “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông”.
Qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương (Bắc Giang, Bình Thuận, Long An, Bình Phước, Cao Bằng, Hải Phòng) cho thấy, công tác điều tra thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến loại án này dễ bị oan, sai.
Quá trình khám nghiệm không thu thập, giám định không làm rõ những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, tử thi, dấu vết con người của thủ phạm (như những vật chứng là hung khí vụ án, dấu chân, vân tay, lông, tóc sợi...), không xác định chính xác thời gian chết của nạn nhân.
Đồng thời do quá tin vào lời khai nhận của bị can, chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác ngay từ đầu (lấy lời khai người làm chứng, nhận dạng, đối chất...) nên khi bị can phản cung hoặc bị hại thay đổi lời khai thì lúng túng, quá trình điều tra lại gặp rất nhiều khó khăn.
Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, không kịp thời giải quyết khiếu nại kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình...). Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Ngoài những sai phạm cơ bản trên, hoạt động điều tra còn thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng khá phổ biến ở nhiều địa phương như: biên bản ghi lời khai sơ sài, không ghi tư cách người tham gia tố tụng, cùng một thời gian một điều tra viên lấy lời khai của nhiều người ở các địa điểm khác nhau;
Không làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai của các bị can và giữa lời khai của bị can với người làm chứng, người bị hại; biên bản hỏi cung bị tẩy, sửa thiếu chữ ký bị can. Biên bản khám nghiệm và sơ đồ hiện trường không phù hợp với bản ảnh hiện trường.
Không yêu cầu định giá tài sản thiệt hại, không trưng cầu giám định thương tích của người bị hại; thu giữ và chuyển giao vật chứng không lập biên bản (nhất là trong các vụ án đánh bạc), vi phạm trong việc kê biên, xử lý vật chứng là tài sản gây khó khăn cho công tác thi hành án;
Không thu thập chứng cứ về trách nhiệm dân sự, nhân thân bị can (như tiền án, tiền sự), tuổi của người bị hại; không cử người bào chữa cho bị can là người chưa thành niên, không có người giám hộ hoặc luật sư đối với bị hại chưa thành niên; vi phạm quy định bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can…
Những vi phạm, thiếu sót trên là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại về thu thập chứng cứ và số vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung còn nhiều, làm kéo dài việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến tính đúng đắn, nghiêm minh của hoạt động tư pháp hình sự.