Sáng 10/4, Hà Nội tổ chức hội nghị Hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015-2016.
Băn khoăn tìm phương án
Năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các trường trên cả nước tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển sinh các môn văn hóa vào lớp 6. Chính vì vậy, đối với những trường có số lượng học sinh đăng ký vào lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của trường cần có phương án tuyển sinh cụ thể.
Ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, đối với tuyển sinh vào lớp 6, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội yêu cầu các trường không được khảo sát đầu vào lớp 6 để phân chia lớp. Không được tổ chức thi các môn văn hóa để tuyển sinh vào lớp 6.
Ảnh minh họa. HNM |
Tại đây, ông Phạm Văn Đại cũng yêu cầu tất cả các trường ở Hà Nội tuyển sinh vào lớp 6 có lượng hồ sơ đăng ký lớn so với chỉ tiêu tuyển sinh phải có phương án gửi lãnh đạo sở vào ngày 14/4. Đến 16/4, sở sẽ chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6.
Với quy định không thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT, trước đó Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cũng đã xây dựng phương án kiểm tra đánh giá năng lực qua các bài thi EQ, IQ đối với học sinh tuyển sinh vào lớp 6 trình lên sở GD&ĐT. Với phương án này vẫn còn chưa thống nhất và chính thức.
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo Trường Việt Úc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn " Trường ngoài công lập có được kiểm tra trình độ tiếng Anh của học sinh dự tuyển vào lớp 6 của trường không. Nếu vi phạm thì sở sẽ xử lí ra sao".
Trò "học tài thi phận" hay do cách chấm thi của thầy?
(GDVN) - Nếu các giám khảo không tìm được tiếng nói chung trong cách đánh giá, chấm điểm thì dễ dẫn đến sự chênh lệch điểm số của các thí sinh.
Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, phòng đã có hội nghị do UBND quận chủ trì về tuyển sinh đầu cấp.
Tuy nhiên, lo ngại nhất tại quận Cầu Giấy là có một số trường chỉ tiêu tuyển sinh ít, đối tượng đăng ký nhiều như Trường THCS Cầu Giấy và một số trường ngoài công lập. Với chỉ đạo không thi tuyển vào học sinh lớp 6, phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã có nhiều cuộc họp bàn phương án.
Một số trường ngoài công lập đưa ra phương án tuyển sinh đầu cấp là xét tuyển, kiểm tra sát hạch IQ, EQ. Trường THCS Cầu Giấy đưa giải pháp tuyển sinh xét tuyển thẳng học sinh có giải, sau đó có bài sát hạch.
Nhưng lãnh đạo quận yêu cầu xét học bạ. Bà Ánh cho rằng, đây là bài toán khó.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường THCS hoặc THPT có lớp 6 hay trường liên cấp có lượng hồ sơ quá lớn so với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, các trường đều khá kín tiếng về phương án tuyển sinh vào lớp 6.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lí thi &Kiểm định chất lượng, sở GD-ĐT cho biết: "Yêu cầu không thi tuyển vào lớp 6 các môn văn hóa là toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Các trường phải làm nghiêm túc. Nếu không từ hiệu trưởng, phòng GD&ĐT và các đơn vị liên quan sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố".
Trường ngoài công lập được phép vượt chỉ tiêu không quá 20%
Cũng trong Hội nghị sáng nay, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay, Hà Nội có trên 85.000 học sinh thi vào lớp 10.
Do đó, các trường ngoài công lập có thể yên tâm về nguồn tuyển. Sở vẫn quy định 60% học sinh vào các trường THPT công lập và 40% vào các trường ngoài công lập.
Năm nay, đối với các trường ngoài công lập nếu có số lượng tuyển sinh từ 5 lớp trở xuống sẽ được phép tuyển vượt chỉ tiêu không quá 20%, trường có từ 6 lớp trở lên được tuyển vượt chỉ tiêu không quá 10%.
Đổi mới Chương trình- Sách giáo khoa: Bộ làm nhiều sách, thầy có quyền chọn
(GDVN) - Cải tiến, thay đổi chương trình, sách giáo khoa là một việc hệ trọng, có ảnh hưởng, tác động lớn đến mục tiêu giáo dục, chất lượng dạy học của thầy và trò.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi thí sinh dự thi vào 10 sẽ có 2 nguyện vọng vào các trường công lập trong cùng vùng tuyển kể cả lớp 10 không chuyên của trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây, trừ hai trường hợp có một trong hai nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.
Năm nay học sinh Hà Nội vẫn thi hai môn là Ngữ văn và Toán để vào lớp 10. Đối với các trường chuyên, các em còn phải thi thêm môn điều kiện nữa là ngoại ngữ.
Năm nay, môn ngoại ngữ thí sinh không phải thi kỹ năng nói mà chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận để đánh giá kỹ năng nghe, đọc, viết của học sinh. Năm nay sở GD&ĐT Hà Nội cũng mở rộng đối tượng được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Đó là giải khuyến khích quốc gia sẽ được cộng thêm 1,5 điểm.
Tuyệt đối không dạy trước cho trẻ lớp 1
Bà Nguyễn Thu Hà, phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tuyển sinh đầu cấp của thành phố thực hiện đúng quy chế, đảm báo chính xác, công bằng, khách quan, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương ba tăng, ba giảm (ba tăng: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; ba giảm: giảm sĩ số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn).
Các trường phối hợp với UBND các phường, xã thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn được phân công, để có số liệu chính xác phục vụ phân tuyến tuyển sinh.
Cũng theo bà Hà, mức phấn đấu huy động số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 35%, mẫu giáo đạt trên 90%, 65% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được hòa nhập, ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Trường hợp do số trẻ trên địa bàn đăng ký học vượt quá quy định theo điều lệ, số trẻ trong mỗi nhóm lớp có thể tăng thêm nhưng phải đảm bảo được tỷ lệ số giáo viên/trẻ/lớp theo quy định và diện tích sử dụng tối thiểu đạt 1.5m2/trẻ. Các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ.