Tờ The Times ngày 10/4 đưa tin, các nước thành viên trong khu vực dùng chung đồng euro đã bí mật lên kế hoạch trục xuất Hy Lạp ra khỏi liên minh tiền tệ này khi họ dự định chuẩn bị cho Athens tuyên bố phá sản vào tháng tới.
Các nước thành viên trong khu vực dùng chung đồng euro đã bí mật lên kế hoạch trục xuất Hy Lạp ra khỏi liên minh tiền tệ này. |
Tờ báo Anh trích dẫn nội dung một bản ghi nhớ do Bộ Tài chính Phần Lan, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Đức, cho biết đó là một "quyết định chính trị rất khó khăn". Các nước đồng euro dự kiến sẽ công bố vào mùa xuân năm nay trong bối cảnh dự đoán Hy Lạp sẽ tuyên bố phá sản vào tháng tới nếu không được EU cung cấp đợt viện trợ tài chính tiếp theo trước khi thời hạn trả nợ kết thúc.
Do đó, các thành viên còn lại của cộng đồng các nước dùng đồng tiền chung châu Âu đã bí mật chuẩn bị cho quá trình đưa Hy Lạp ra khỏi liên minh, The Times dẫn tài liệu cho biết.
Hy Lạp đã thanh toán 450 triệu euro nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo tài liệu. Tuy nhiên, Athens cần phải trả một khoản lớn hơn nữa trị giá tới 763 triệu euro cho IMF trước khi thời hạn kết thúc vào ngày 12/5. Nếu không sẽ phải tuyên bố phá sản. `
Để có thể tiếp cận được với các khoản vay mới trị giá 7,2 tỷ euro mà Athens đang muốn có từ khu vực đồng euro, Athens sẽ phải cung cấp cho các chủ nợ chính một gói cải cách kinh tế mới với những điều kiện thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt hơn mà họ không mong muốn thực hiện.
Nếu không đáp ứng điều kiện này, Hy Lạp sẽ không có tiền để trả nợ và sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề.
Sự cấp bách phải tìm kiếm một khoản vay mới với điều kiện "dễ thở" hơn được xem là mục đích chính trong chuyến thăm Moscow hôm 9/4 của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Chuyến thăm này của ông Tsipras đã làm dấy lên sự lo ngại trong EU rằng nhà lãnh đạo này có thể trở thành lãnh đạo châu Âu mới nhất kết thân với Moscow. |
Tuy nhiên, chuyến thăm này của ông Tsipras đã làm dấy lên sự lo ngại trong EU rằng nhà lãnh đạo này có thể trở thành lãnh đạo châu Âu mới nhất "phản bội liên minh kết thân với Moscow".
Kể từ khi cuộc khủng hoảng giữa Nga và EU nổ ra năm ngoái do liên quan tới vấn đề Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã khai thác những rạn nứt trong EU để thiết lập một mạng lưới các đồng minh mới thân với điện Kremlin, tờ Telegraph cho biết.
Các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Séc và Hungary đã công khai tán thành khuynh hướng thân Nga, trong khi Moscow ký kết một thỏa thuận với Síp cho phép tàu chiến Nga sử dụng cảng nằm cách vài dặm từ căn cứ quân sự Akrotiri của Anh. Đồng thời Moscow đã tài trợ cho một số đảng chống thành lập châu Âu, như đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, nơi được cho là đã nhận được hàng triệu bảng Anh tiền quyên góp từ Nga.
Trước chuyến thăm Moscow, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Chulz đã khuyến cáo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras không "gây nguy hiểm cho sự thống nhất" của Liên minh châu Âu (EU) bằng sự kết thân với Nga.
Trong khi đó, Telegraph cho rằng hy vọng nhờ Nga giúp giải quyết khủng hoảng nợ nần của Thủ tướng Tsipras là không thực tế. Nguyên do là nền kinh tế Nga cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên không có khả năng "cứu" Athens.
Thêm vào đó, Hy Lạp quá phụ thuộc vào các tổ chức phương Tây như NATO và EU cả trên phương diện an ninh lẫn kinh tế.
Theo Telegraph, phương Tây có thể yên tâm về chuyến thăm Moscow của ông Tsipras vì nó chỉ là chiến thuật, một con bài mặc cả nhằm gây sức ép với EU để liên minh giảm bớt các điều kiện trả nợ và vay mới cho Hy Lạp. Telegraph cho rằng EU không cần lo lắng về chuyến thăm "nghi binh" này./.